"Cơn sốt" giá thịt lợn vẫn diễn ra trên diện rộng, giá lợn hơi tiếp tục leo thang lên mức trung bình 65.500 đồng một kg trong ngày 21/5, tương đương mức đỉnh đầu tháng 7/2023. Thậm chí, giá lợn tại Hà Nội và Thái Bình còn tăng đến 1.000 đồng lên 68.000 đồng, mức cao nhất cả nước và cao nhất 2 năm qua. Một số tỉnh khác tại miền Trung và miền Nam cũng tiếp đà tăng theo xu hướng chung của thị trường.
Giá lợn leo thang, nhóm cổ phiếu doanh nghiệp chăn nuôi heo trên sàn chứng khoán cũng tranh thủ bứt phá. Không nằm ngoài sóng tăng giá, MML của Công ty Cổ phần Masan MEATLife cũng gây chú ý khi tăng bốc gần 13% trong phiên 21/5 để cán mốc 36.000 đồng/cp.
Đà tăng tốc này đưa MML lên đỉnh cao nhất trong 17 tháng qua, nhưng vẫn còn cách rất xa so với mức đỉnh lịch sử thiết lập cuối năm 2021. Chỉ sau hơn một tuần, cổ phiếu ngành thịt này đã tăng 38% giá trị, vốn hóa thị trường cũng tương ứng tăng thêm 3.200 tỷ đồng lên vượt mức 11.700 tỷ đồng.
Thực tế, giới chuyên môn dự đoán giá lợn sẽ tiếp tục neo cao và cổ phiếu chăn nuôi heo sẽ có cơ hội hưởng lợi trong ngắn hạn. Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng giá lợn 3 miền đồng loạt được đẩy tăng trong 4 tháng đầu năm do nguồn cung heo ở phía Bắc không còn nhiều, tồn kho lợn biểu to gần như không còn, mặt bằng giá lợn ở 3 vùng gần như bằng nhau, nên lưu chuyển heo từ miền Trung/ Nam ra Bắc khá yếu ớt. Bên cạnh đó, việc lợn Thái chưa được đưa về Việt Nam dù mức chênh lệch giá ở tháng 3 khá cao cũng đẩy giá tăng.
Đội ngũ phân tích VCBS dự báo giá lợn hơi có khả năng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng khi nguồn cung lợn đã giảm và tình trạng lợn nhập lậu đã được kiểm soát. Nhu cầu tái đàn của người dân là khá thấp trong bối cảnh dịch bệnh có thể bùng phát trở lại và việc luật hạn chế các hộ dân nhỏ lẻ thực hiện chăn nuôi trong nội thành. Vì vậy, giá lợn hơi được dự kiến sẽ duy trì ở mặt bằng khá cao trong thời gian tới.
Ông Ngô Cao Cường - Giám đốc Tài chính BaF Việt Nam cũng cho rằng đợt dịch tả lợn châu Phi (ASF) thời gian vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung con giống, mức độ ảnh hưởng có thể lên đến 1 triệu lợn trên cả nước. Trong khi đó, cả doanh nghiệp chăn nuôi lẫn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang trong quá trình tái đàn và cần chờ đến ít nhất tháng 12/2024 mới có nguồn cung mới ra thị trường. Theo đó, giá lợn hơi hiện đang tăng tốt và nếu đà tăng được duy trì thì sẽ lên khoảng 70.000 đồng/kg vào cuối quý 2 này.
Chủ thương hiệu MEATDeli, Ponnie, Heo cao bồi
Masan Meatlife - công ty con của Tập đoàn Masan (Masan Group) khởi đầu là công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi, Masan Meatlife đã hoàn tất chuyển đổi sang mô hình hàng tiêu dùng và hoàn thành chuỗi 3F với việc ra mắt thịt sạch MEATDeli vào năm 2018. Đây là thương hiệu thịt đầu tiên tại Việt Nam được sản xuất theo công nghệ chế biến thịt mát châu Âu.
Năm 2023, với chiến lược tập trung vào ngành thịt chế biến, ngoài MEATDeli, doanh nghiệp đã sở hữu thêm hai thương hiệu đã có chỗ đứng trên thị trường là "Heo cao bồi" và "Ponnie". Chiến lược phát trên trên cả ba thương hiệu này được kỳ vọng sẽ tạo thế "kiềng 3 chân" cho Masan Meatlife trong dài hạn.
Hiện tại, các sản phẩm của Masan Meatlife đang được phân phối ở hơn 5.500 điểm bán tại các hệ thống siêu thị WinMart, WinMart+, CoopMart,..
Về kết quả kinh doanh năm 2023, doanh thu Masan MEATLife đạt 6.984 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tất cả các phân khúc đều tăng, ngoại trừ gà trang trại. Tuy nhiên, chi phí tăng mạnh khiến doanh nghiệp lỗ sau thuế 539 tỷ đồng. Năm trước đó doanh nghiệp cũng lỗ 233 tỷ đồng.
Năm 2024, MML đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần trong khoảng 7.100 và 7.800 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 2% đến 12% so với cùng kỳ nhờ tập trung đầu tư vào mảng kinh doanh thịt chế biến và giảm quy mô trang trại chăn nuôi gà. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý đầu năm của doanh nghiệp chăn nuôi này không mấy khả quan với doanh thu đạt 1.720 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế âm 47 tỷ đồng.
Mai Chi