Gia tộc sở hữu ngân hàng UOB đau đầu tìm người kế vị: Cháu, chắt đều không quan tâm tới khối tài sản 35 tỷ USD, nguy cơ nhà băng giàu có sắp về tay người ngoại tộc

Đế chế ngân hàng giàu có nhất Singapore sắp về tay người ngoại tộc.

Thời điểm Wee Cho Yaw qua đời hồi đầu tháng này, hưởng thọ 95 tuổi, 5 người con của ông đều đang nắm những vai trò quan trọng trong triều đại ngân hàng giàu nhất Singapore, đồng thời tạo nên khối tài sản trị giá 10 tỷ USD. Con trai cả của ông, Wee Ee Cheong, 71 tuổi, lãnh đạo United Oversea Bank (UOB) từ năm 2007, trong khi hai con trai và hai con gái khác của ông, đều trên 60 tuổi, giữ vai trò quản lý những mảng kinh doanh khác trong đế chế.

Tuy nhiên, những đứa cháu thuộc thế hệ thiên niên kỷ hầu hết đều theo đuổi niềm đam mê kinh doanh riêng, từ nhà hàng 3 sao Michelin cho đến chuỗi cửa hàng giặt khô hay trang web bán các tác phẩm nghệ thuật châu Á.

Khi được hỏi tại một cuộc họp về kế hoạch kế nhiệm, Ee Cheong ám chỉ rằng ông sẵn sàng đón nhận người ngoại tộc, đồng thời đang cho phát triển “nhóm” đồng nghiệp trẻ tuổi để xây dựng đội ngũ chuyên gia tài năng.

UOB là một trong những công ty cho vay gia đình lớn cuối cùng ở Singapore. Cha của Cho Yaw, Wee Kheng Chiang, thành lập UOB vào năm 1935 và hiện gia tài này đã lên tới 35 tỷ USD. UOL Group là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Singapore.

“Các con của Wee Cho Yaw đều đã đến tuổi nghỉ hưu. Điều này cho thấy sắp có một lớp kế nhiệm lãnh đạo khác”, Marleen Dieleman, giáo sư Trường Kinh doanh IMD ở Singapore, cho biết.

Trong ít nhất 2 thập kỷ, 5 người con của Cho Yaw đã sớm tiếp quản đế chế. Điều này cho thấy Cho Yaw đã mở đường kế vị từ rất sớm. Ông thôi giữ chức chủ tịch UOB vào năm 2013.

Tuy nhiên ông Wee Cho Yaw, được biết đến là ông trùm ngân hàng cuối cùng của Singapore, vẫn tham gia vào các công việc kinh doanh của gia đình cho đến khi qua đời. Những năm tháng cuối cùng, ông vẫn làm việc sáu ngày một tuần tại tòa tháp UOB bên bờ sông Singapore. Vào thời điểm qua đời, ông là chủ tịch của 6 công ty, trong đó có UOL và Tiger Balm-maker Haw Par Corp, đồng thời nắm giữ số cổ phần trị giá 3,2 tỷ USD tại UOB.

Trong tiểu sử năm 2014, ông Wee bày tỏ mong muốn rằng các cháu của mình sẽ nắm giữ vai trò nổi bật trong công việc kinh doanh của gia đình. Cho đến nay, điều đó đã không xảy ra.

“Nếu các thành viên trong gia đình quan tâm thì họ rất được chào đón. Tôi nghĩ họ cần niềm đam mê, họ cần tình yêu, họ cần khao khát được trở thành một phần của đế chế”, Ee Cheong nói về người có thể kế vị ông.

Đối với gia tộc Wee, không thiếu người thừa kế tài sản tiềm năng. Theo cáo phó được công bố, vị chủ tịch này có 16 cháu và 22 chắt, song hầu hết đều đã đi theo con đường riêng của mình.

Con trai cả của Ee Cheong, Wee Teng Wen, là đối tác quản lý của The Lo and Behold Group. Công ty này sở hữu và điều hành Odette, một trong số ít các nhà hàng Michelin ba sao ở thành phố.

Đế chế ngân hàng giàu có nhất Singapore sắp về tay người ngoại tộc: Cháu, chắt đi theo đam mê riêng, không mảy may quan tâm khối tài sản 35 tỷ USD - Ảnh 1.

Một người con trai khác, Wee Teng Chuen, thì từ bỏ bộ phận ngân hàng doanh nghiệp vào năm 2020 để tham gia một nền tảng quản lý bất động sản nhỏ. Anh cũng đồng sáng lập với anh trai mình một chuỗi cửa hàng giặt khô For the Love of Laundry.

Một người cháu khác của Cho Yaw, Alexandra Eu, lựa chọn kết hôn với người thuộc dòng họ Kuok. Sau thời gian tham gia chương trình liên kết quản lý và sau đó là làm việc trong lĩnh vực ngân hàng tư nhân tại UOB, giờ đây bà hiện đang đồng sở hữu một quán cà phê cùng một trang web bán các tác phẩm nghệ thuật châu Á.

Quay trở lại khoảng thời gian trước đây, cố chủ tịch Cho Yaw đã giúp xây dựng danh mục đầu tư bất động sản trải rộng. UOL hiện quản lý khối tài sản trị giá hơn 20 tỷ đô la Singapore (15 tỷ USD), đồng thời là nhà phát triển bất động sản niêm yết lớn thứ hai ở Singapore, sau City Developments Ltd.

Người cháu duy nhất cùng thành công trong lĩnh vực bất động sản là Jonathan Eu. Anh tốt nghiệp trường Wharton và đứng đầu Singapore Land Group - một công ty con của UOL trị giá khoảng 2 tỷ USD. Tại cuộc họp báo hôm thứ Ba, Eu cho biết cổ phần của gia đình Wee trong công ty bất động sản cho đến nay vẫn được giữ nguyên.

“Là ngân hàng Singapore duy nhất hiện do gia đình điều hành, UOB trở nên độc nhất. Tuy nhiên, do thiếu sự góp mặt của các cháu chắt, nhiều khả năng UOB sẽ bị quản lý bởi người ngoài”, Sarah Jane Mahmud, nhà phân tích ngân hàng tại Bloomberg Intelligence, cho biết.

Cố chủ tịch Cho Yaw nhận thức rõ những khó khăn khi duy trì công việc kinh doanh cùng gia đình. Năm 2004, ông từng vất vả phản đối nỗ lực của nhà đầu tư nhà nước Temasek Holdings Pte nhằm mua lại cổ phần của gia đình ông tại UOL. Trước khi qua đời, Cho Yaw nắm giữ khoảng 30% cổ phần.

Cho Yaw khi còn sống chia sẻ ông không biết liệu thế hệ thứ tư có tiếp quản đế chế của mình hay không. “Tất cả những gì tôi có thể làm là hy vọng”, ông nói.

Trong tiểu sử xuất bản năm 2014, cố chủ tịch cũng cho biết ông thường duy trì mời đại gia đình đi ăn vào ngày Chủ nhật hàng tuần để giữ liên lạc. Ba người con là Wei Chi, Ee Cheong và Ee Lim đều sở hữu những căn nhà gỗ sang trọng liền kề ở khu Camden Park gần nhà bố.

Theo: Bloomberg

Vũ Anh

Vũ Anh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/gia-toc-so-huu-ngan-hang-uob-dau-dau-tim-nguoi-ke-vi-chau-chat-deu-khong-quan-tam-toi-khoi-tai-san-35-ty-usd-nguy-co-nha-bang-giau-co-sap-ve-tay-nguoi-ngoai-toc-20510275.htm