Grab là một trong những nền tảng đầu tiên tham gia thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam, và cũng đã tồn tại cho tới thời điểm này - khi đã có đối thủ cạnh tranh đã phải rời thị trường. Anh đánh giá thế nào về tiềm năng hiện tại của thị trường giao đồ ăn ở Việt Nam?
Những năm vừa qua, Việt Nam là một trong những thị trường giao đồ ăn phát triển mạnh nhất trong khu vực, tăng trưởng gần 30%, nhưng về tỷ trọng vẫn còn thấp hơn so với các thị trường khác. Cơ hội ở thị trường Việt Nam trong lĩnh vực giao đồ ăn vẫn còn rất nhiều và điều đó đòi hỏi tất cả các nền tảng cần khai phá và kích cầu nhiều hơn.
Khi mình muốn mở rộng được thị trường, thu hút người tiêu dùng thì thị trường cần phải sôi động, và nó chỉ sôi động khi có nhiều nền tảng, nhiều bên có thể cùng nhau kích thích tiêu dùng. Theo tôi, có nhiều đối thủ cạnh tranh thực sự là một điểm rất tích cực. Mỗi nền tảng phải nhìn vào đối thủ để biết được là mình cần phải cố gắng thêm liên tục, cố gắng và cải thiện bản thân.
Chia sẻ về thế mạnh của GrabFood, chúng tôi có được thế mạnh từ mạng lưới đối tác rộng khắp và lượng khách hàng lớn của nền tảng Grab. Đây là hai yếu tố vô cùng quan trọng mà không phải nền tảng nào cũng có thể đạt được. GrabFood có thể tiếp tục phát triển hơn, để không chỉ thu hút được thêm nhiều người tiêu dùng ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh mà còn có thể mở rộng hơn ở những thị trường địa phương khác.
Sau nhiều năm các nền tảng khai phá thị trường, dịch vụ giao đồ ăn không còn là xa lạ với người dùng Việt Nam, và họ đã sử dụng dịch vụ ngay cả trong trường hợp không có khuyến mãi. Ở giai đoạn này, thách thức và cơ hội mới với nền tảng sẽ là gì?
Người tiêu dùng Việt Nam tại các thành phố lớn đã quen với dịch vụ giao đồ ăn, nhưng đồng thời họ cũng ngày càng khắt khe và đòi hỏi cao ở dịch vụ. Khuyến mãi sẽ là một trong những cách thu hút họ sử dụng thử nhưng để giữ chân được họ thì phải là chất lượng.
Thách thức mới cho các nền tảng như GrabFood là phải liên tục cải tiến và đầu tư, cả về khía cạnh vận hành và cả công nghệ để có được càng nhiều đối tác chất lượng hơn trên nền tảng, để có thể phục vụ nhu cầu ẩm thực đa dạng hơn, trải nghiệm sử dụng mượt mà hơn. Ví dụ, đầu tư vào công nghệ AI sẽ là một trong số đó, những gợi ý của GrabFood sẽ ngày càng phù hợp hơn với nhu cầu tìm kiếm, khám phá và đặt nhà hàng của người tiêu dùng.
Một thách thức nữa đến từ việc mở rộng thị trường. Với các tỉnh, thành phố nhỏ thì tiềm năng còn rất lớn, nhưng để khai phá được lại đòi hỏi chiến lược giá tiết kiệm. Mức độ chi tiêu và tiêu dùng của người dân ở các tỉnh còn khá hạn chế so với các thành phố lớn nên việc đề ra được mức phí giao hàng, hay các chương trình khuyến mãi phù hợp cũng là bài toán cần phải giải, và bài toán này khác nhau giữa các thành phố.
Mặt khác, khả năng sử dụng dịch vụ số của các đối tác nhà hàng ở xa thành phố lớn cũng còn hạn chế. Điều này đòi hỏi các đối tác và GrabFood phải đầu tư đáng kể để giới thiệu, tập huấn, xây dựng được lòng tin của các đối tác, để họ tin tưởng là hiện nay Grab có thể hỗ trợ họ phát triển kinh doanh tốt hơn thay vì chỉ bán offline.
Tình hình kinh tế khó khăn có tác động nhiều đến kết quả kinh doanh quý rồi GrabFood hay không và chiến lược giá phải chăng có còn cho thấy sự hiệu quả như giai đoạn trước hay không?
Nhìn chung tình hình kinh tế từ năm 2023 đến nửa đầu năm 2024 cũng còn rất nhiều khó khăn. Vào đầu năm 2023, khi nhận thấy tình hình kinh tế có nhiều thách thức, GrabFood đã đặt mục tiêu tung ra chiến lược giá tiết kiệm để hỗ trợ người tiêu dùng trong giai đoạn này. Cùng với đó, sau khi chúng tôi ra mắt gói hội viên GrabUnlimited, tần suất những người dùng hội viên sử dụng GrabFood cao gấp 2,8 lần so với người không sử dụng gói hội viên.
Cùng với đó, theo số liệu quý 4/2023 thì cứ 5 đơn hàng GrabFood hoàn tất thì có 1 đơn người dùng chọn "Giao tiết kiệm". Ngày càng nhiều người dùng ưa thích đặt đơn theo nhóm khi số người sử dụng tính năng "đặt đơn nhóm" đã tăng đến 45% so với quý 3/2023.
Với dự báo tình hình kinh tế sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức cho đến cuối năm, theo chúng tôi, chiến lược "Giá tiết kiệm" vẫn sẽ tiếp tục phát huy tác dụng của nó.
Trong bối cảnh thị trường kinh doanh đồ ăn online ngày càng cạnh tranh, nhiều nhà bán hàng cho biết lợi nhuận khi kinh doanh online "mỏng" hơn trước, GrabFood hỗ trợ các đối tác như thế nào để thu hút được nhà hàng mới cũng như giữ chân nhà hàng cũ?
GrabFood đã đa dạng hóa nhiều mô hình hợp tác với các đối tác dài hạn hơn. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 4 mô hình hợp tác cho các đối tác nhà hàng. Các đối tác từ quy mô siêu nhỏ, nhỏ đến lớn đều có cơ hội hợp tác với GrabFood thông qua nhiều mô hình khác nhau. Một trong những mô hình phổ biến nhất là mô hình giao đồ ăn do có thể tận dụng mạng lưới đối tác tài xế rộng khắp của Grab để mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng, tiết kiệm chi phí mặt bằng, tinh gọn nhân sự.
Một mô hình thứ hai là "lead generation", dành cho những công ty, nhà hàng đã có đội ngũ shipper riêng nhưng họ vẫn muốn hợp tác với GrabFood để vận dụng được công nghệ, có thể tiếp cận nhiều tệp khách hàng.
Mô hình thứ ba là mô hình phối hợp lập kế hoạch kinh doanh. Đây là mô hình dành cho những đối tác, nhà hàng mà có đường lối phát triển rõ ràng và tập trung, muốn phát triển kênh bán hàng online trở thành kênh bán hàng mũi nhọn của họ. Với mô hình này, các đối tác nhà hàng cùng với GrabFood sẽ chia sẻ nhận định về thị trường, người tiêu dùng và cùng tận dụng và thế mạnh của nhau để có thể đưa ra những chiến lược phát triển dài hạn. Trong suốt quá trình đó thì GrabFood sẽ có đội ngũ chuyên viên tư vấn kinh doanh làm việc sát sao với các đối tác nhà hàng để kế hoạch mình đề ra được chuẩn chỉnh và hiệu quả tốt nhất về kinh doanh.
Mô hình thứ tư là mô hình mới nhất - "voucher nhà hàng" trên GrabFood. Với xu hướng người tiêu dùng quay về offline ngày càng nhiều hơn sau đại dịch, GrabFood thấy được đây là thực sự là một cơ hội chứ không phải một trở ngại. Chính vì thế mà chúng tôi đã tung ra chạy thử nghiệm mô hình là voucher nhà hàng.
Chúng ta có thể thấy đó là một vòng tròn khép kín về trải nghiệm trong hệ sinh thái Grab. Khách hàng sử dụng Grab, khám phá nhà hàng, sau đó có thể đặt đồ ăn online hoặc có thể mua voucher nhà hàng, đặt Grab di chuyển đến nhà hàng và sử dụng voucher đó. Mô hình mới như vậy không chỉ có tiềm năng tự phát triển mà còn có thể bổ trợ cho những dịch vụ khác trên nền tảng Grab, giúp nâng cao trải nghiệm của người dùng cũng như gia tăng lợi ích cho các đối tác.
Ngoài đa dạng hóa mô hình hợp tác, chúng tôi cũng tập trung vào công nghệ để có thể đưa ra những công cụ hỗ trợ các đối tác nhà hàng vừa và nhỏ hiệu quả nhất.
Mới đây nhất thì Grab đã ra mắt tính năng quản lý tiếp thị, mọi thứ đều nhỏ gọn nằm trên một ứng dụng di động. Trong ứng dụng đó đã có nghiên cứu về thói quen của người tiêu dùng, nghiên cứu về thị trường và có thiết kế luôn các chương trình khuyến mãi và chương trình thu hút khách hàng sẵn có. Đối tác chỉ cần vài thao tác đơn giản đã có thể khởi tạo một chương trình marketing hiệu quả để họ có thể thu hút thực khách. Họ có thể giám sát và linh hoạt tắt hoặc mở rộng tiếp tục chương trình marketing đó nếu họ thấy hiệu quả.
Một điểm rất khác biệt so với các chương trình chạy quảng cáo của các nền tảng khác, là đối tác chỉ trả tiền quảng cáo khi có đơn hàng thành công. Đối với các đối tác vừa và nhỏ không có quá nhiều nguồn lực thì chương trình quản lý marketing này thì được đánh giá là khá phù hợp. Chúng tôi đã chạy thử nghiệm từ quý 4/2023 cho đến hiện tại thì có tới 70% đối tác quay lại tiếp tục sử dụng.
Một trong những mục tiêu là kim chỉ nam của chúng tôi là xây dựng GrabFood trở thành một nền tảng đáng tin cậy nhất để cho các đối tác, nhà hàng có thể phát triển. Và mối quan hệ hợp tác chỉ có thể bền vững khi cả hai bên đều thu được giá trị.
Cảm ơn anh!
Hoàng An
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/giam-doc-thuong-mai-grab-viet-nam-co-nhieu-doi-thu-canh-tranh-la-dieu-tich-cuc-20515929.htm