Thông tin tại buổi họp báo "Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024" diễn ra vào ngày 3/1, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tính đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 13,5%. Tuy kết quả trên thấp hơn con số kỳ vọng là 14 – 15% nhưng mức thấp hơn là không nhiều.
"Mặc dù tăng 13,5%, nhưng trên nền số dư khoảng 12 triệu tỷ vào cuối năm 2023 thì chúng tôi đã đưa vào nền kinh tế gần 1,5 triệu tỷ đồng", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Trước đó, cũng theo số liệu tính đến ngày 30/11 của NHNN, tín dụng đối với nền kinh tế đạt tăng 9,15% so với cuối năm 2022.
Như vậy, chỉ trong tháng 12, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 4,35% (tương đương 520.000 tỷ đồng), chiếm 1/3 tổng mức tăng thêm của cả năm 2023. Đây là mức tăng tín dụng tháng 12 cao nhất trong hơn 1 thập kỷ qua và là mức cao nhất lịch sử nếu xét về quy mô.
Lãnh đạo NHNN đánh giá con số tăng trưởng 13,5% trong năm 2023 là rất tích cực và là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và cả ngành ngân hàng trong cả năm vừa qua và vào giai đoạn cuối năm. "Năm 2023 để đạt được 1% tăng trưởng khó hơn nhiều so với đạt mấy % tăng trưởng trong các năm trước", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Định hướng tín dụng năm 2024, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. "Với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối năm 2023 khoảng 13,5 triệu tỷ, mức tín dụng tăng thêm ước khoảng 2 triệu tỷ đồng", Phó Thống đốc ước tính.
Phó Thống đốc cho biết NHNN sẽ điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Trước đó, NHNN đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng về kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2024. Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, NHNN giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% và yêu cầu tổ chức tín dụng kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2024.
Cơ chế giao toàn bộ hạn mức tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2024 có sự khác biệt với các năm trước - vốn được NHNN chia thành nhiều đợt và yêu cầu các nhà băng gửi đề nghị rồi xem xét nới room.
Nói về sự thay đổi này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, cách cấp hạn mức tín dụng mới là một bước thay đổi cơ chế tổ chức điều hành. Đây cũng mang thông điệp đối với các ngân hàng là vốn đưa vào nền kinh tế trong năm nay phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và có trách nhiệm hơn.
"Nếu như những năm trước đây chúng ta xem đó là những khoản cấp phát, phân bổ thì nay là cơ chế giao để cho các ngân hàng phấn đấu để đạt chỉ tiêu. Bởi vì năm ngoái, cũng có ngân hàng tăng hết room nhưng rất nhiều ngân hàng không đến room thậm chí có ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm. Những ngân hàng tăng trưởng âm, tăng trưởng thấp đó có thể do chưa mạnh dạn tăng trưởng. Do đó, việc thay đổi cơ là để các ngân hàng này phải phấn đấu đạt mức chỉ tiêu tín dụng được giao", ông Tú nhấn mạnh.
Tuy cấp toàn bộ hạn mức vào đầu năm nhưng ông Tú cho biết nếu ngân hàng nào hết hạn mức thì NHNN vẫn xem xét có thể tiếp tục gia tăng nhưng điều kiện đi kèm là nền kinh tế phải cho phép việc mở rộng tín dụng và vẫn phải đảm bảo an toàn kinh tế vĩ mô và đảm bảo vốn tín dụng vào đúng đối tượng.
"Điều đó thể hiện sự minh bạch khách quan, không còn một cơ chế xin cho nào cả và điều này Thủ tướng đã chỉ đạo dứt khoát. Trong thời gian qua mặc dù biểu hiện cấp room tín dụng là như vậy nhưng bản chất cũng chỉ là đánh giá để tín dụng đi vào đúng đối tượng", Phó Thống đốc chia sẻ.
Thông tin về cơ chế cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2024, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ cho biết, việc giao ngay toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm nhằm mục đích thúc đẩy việc bơm vốn ra nền kinh tế trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn.
Theo ông Quang, khó khăn của nền kinh tế năm 2023 vẫn tiếp tục trong năm 2024. Các ngân hàng trung ương lớn vẫn chưa hạ lãi suất và duy trì ở mức rất cao. Vì vậy, khả năng suy thoái nhẹ ở những nền kinh tế như Mỹ vẫn có thể xảy ra. Xu hướng xuất khẩu giảm, nhu cầu toàn cầu giảm sẽ tác động rất lớn tới nền kinh tế Việt Nam do nước ta có độ mở rất lớn.
Nhìn vào kinh tế năm 2023 cũng có thể thấy rõ rằng nền kinh tế Mỹ, châu Âu hay G7 chưa suy giảm, nhưng xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam đã tụt rất nghiêm trọng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tổng cầu, thu nhập, việc làm của nền kinh tế.
"Với xu hướng tổng cầu tiếp tục suy giảm, NHNN nhận thấy cần phải có giải pháp thúc đẩy tổng cầu của nên kinh tế thông qua giao ngay tăng trưởng tín dụng để cố gắng thúc đẩy tổng cầu tăng, thúc đẩy tăng trưởng", ông cho biết và thông tin: "Ngay từ đầu năm, ngành ngân hàng đã cung ứng đủ vốn, kịp thời thúc đẩy nhu cầu hợp pháp, thúc đẩy sự lan tỏa vốn vào nền kinh tế".
Quang Hưng