Sáng ngày 15/02/2024, CTCP Khu công nghiệp Gilimex đã tổ chức lễ khởi công Trạm xử lý nước thải tập trung Khu công nghiệp Gilimex tại xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Dự án trạm xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp Gilimex có công suất 7.600 m3/ngày đêm; tổng mức đầu tư 130 tỷ, dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành từ tháng 12/2024.
Dự án Trạm xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp Gilimex nằm trong kế hoạch phát triển tổng thể hạ tầng đồng bộ của KCN Gilimex nhằm mang đến một KCN hiện đại, xanh, sạch, phát triển bền vững. Đây cũng là tiền đề để đưa khu công nghiệp Gilimex sớm đi vào hoạt động đồng bộ.
Trạm xử lý nước thải tập trung KCN Gilimex được thiết kế và ứng dụng công nghệ hiện đại, an toàn, khi hoàn thành sẽ đảm bảo xử lý được toàn bộ vấn đề nước thải của nhà đầu tư thứ cấp trong khu công nghiệp theo tiêu chuẩn cao nhất về nước thải công nghiệp
Từ trước, một trong những chiến lược của Gilimex là mở rộng đầu tư vào bất động sản khu công nghiệp tại các tỉnh, thành phố và chuỗi khách sạn phục vụ khu công nghiệp.
Cụ thể, Gilimex đang tiến hành đầu tư thành lập các khu công nghiệp tại các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Quảng Ngãi và Quảng Nam. Trong đó chủ trương Khu công nghiệp Phú Bài 4 nằm ở Tỉnh Thừa Thiên Huế và Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đang triển khai.
Khu công nghiệp Phú Bài 4 tại thị trấn Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) có quy mô khoảng 460,85 ha được thành lập với tổng vốn đầu tư hơn 2614 tỷ đồng. Đây được dự kiến trở thành khu công nghiệp “Công nghiệp xanh – Công nghiệp sạch – Công nghệ tiên tiến” để sản xuất các sản phẩm chất lượng và giá trị cao.
Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) diện tích khoảng 400 ha tại Khu công nghiệp Bình Tân, xã Thạnh Lợi, huyện Bình Tân, dự kiến sẽ thu hút phát triển công nghiệp hỗ trợ; năng lượng tái tạo; công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sản xuất linh kiện; máy móc, thiết bị chuyên dùng trong sản xuất nông nghiệp; bảo quản, chế biến nông sản; công nghệ xanh, sạch, thân thiện với môi trường; Công nghiệp chế biến…
"Cú đấm" bất ngờ của Amazon khiến hoạt động kinh doanh cốt lõi của Gilimex điêu đứng, doanh nghiệp càng đẩy nhanh, mạnh mảng Bất động sản KCN.
Được thành lập từ năm 1982, Gilimex được biết tới là doanh nghiệp dệt may với các sản phẩm hộp lưu trữ, giỏ đựng đồ gặt, balo, túi xách… làm bằng vải. Từng là ngôi sao sáng trong giai đoạn Covid với kết quả kinh doanh liên tục tăng bằng lần, Gilimex bắt đầu lao dốc kể từ quý III/2022 khi doanh thu giảm đến trên 80% do khách hàng lớn nhất – gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon cắt đơn hàng.
Tính chung cả năm 2023, lãi ròng của Gilimex đã giảm tới 92% và dòng tiền kinh doanh ghi nhận mức âm kỷ lục (-319 tỷ đồng).
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2023, Gilimex ghi nhận doanh thu hơn 230 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế cả năm 2023, công ty Gilimex ghi nhận doanh thu đạt 936 tỷ đồng và lãi ròng 28 tỷ đồng, lần lượt giảm 70% và 92% so với năm 2022. So với kế hoạch kinh doanh đề ra, công ty chỉ hoàn thành 47% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Đáng chú ý là sau 3 quý lỗ liên tiếp, công ty đã có lãi 105 tỷ đồng trước thuế vào quý 4 chủ yếu nhờ vào thu nhập khác (gần 101 tỷ đồng) nhưng không được thuyết minh.
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của công ty Gilimex đạt 3.359 tỷ đồng, giảm 16% so với hồi đầu năm. Có tới hơn 40% tổng tài sản là hàng tồn kho của công ty Gilimex, giá trị đạt 1.364 tỷ đồng. Đáng chú ý là công ty chưa trích lập dự phòng giảm giá tồn kho mặc dù một lượng lớn hàng tồn kho dành phục vụ sản xuất cho đơn hàng đã bị huỷ của Amazon.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, ông Nguyễn Việt Cường - thành viên HĐQT Công ty Gilimex cho biết, có khoảng 800 tỷ đồng hàng tồn kho phát sinh liên quan đến Amazon sau khi hãng này đột ngột dừng đơn hàng. Lượng hàng tồn kho này chủ yếu là các sản phẩm đặc thù chỉ dùng cho Amazon.
Cũng tại Đại hội, ông Nguyễn Việt Cường cho biết công ty chưa trích lập dự phòng vì chờ kết luận của toà án về vụ kiện đối với Amazon, và đặt mục tiêu xử lý dứt điểm khoản hàng tồn kho trên, dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ không còn mục này.
Tháng 12 năm 2022, Gilimex cáo buộc ông lớn thương mại điện tử Mỹ - Amazon đột ngột thu hẹp các đơn đặt hàng sau khi tăng trưởng chi tiêu trực tuyến hạ nhiệt, khiến nhà sản xuất này gặp tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô.
Gilimex cho biết họ là đối tác chính của Amazon từ năm 2014 đến 2022 và đã đầu tư hàng chục triệu USD vào các cơ sở sản xuất để xây dựng kho chứa để chứa hàng hóa của Amazon. Những kho chứa này được vận chuyển bởi robot, giúp đẩy nhanh tốc độ hoàn thành các đơn đặt hàng trực tuyến.
Công ty có trụ sở tại TP.HCM cho biết họ đã tuyển dụng hơn 7,000 nhân viên tại nhiều nhà máy để sản xuất hơn một triệu đơn vị lưu trữ hàng năm. Hoạt động sản xuất cho Amazon đã tăng gấp 20 lần trong suốt 8 năm qua.
Gilimex cho biết họ đã có một thỏa thuận lâu dài với Amazon về tính minh bạch về nhu cầu dự kiến để có thể mua nguyên liệu, điều chỉnh công suất nhà máy và sắp xếp nhân viên nhằm đáp ứng sự tăng trưởng ngày càng mạnh của Amazon trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, vào tháng 4-5 vừa qua, Amazon đã “bất ngờ thay đổi và giảm nhu cầu dự kiến” trong thời gian còn lại của năm 2022-2023.
Theo đơn kiện của Gilimex, Amazon là khách hàng lớn nhất của họ, với các đơn đặt hàng trị giá 146,6 triệu USD vào năm 2021. Gilimex đã từ chối các khách hàng lớn như IKEA, Columbia Sportswear để đáp ứng nhu cầu của Amazon.
“Vì vậy, trong khi Amazon đạt được mức tăng doanh thu kỷ lục trong thời kỳ đại dịch chủ yếu do sự bùng nổ về lượng đặt hàng trực tuyến của người tiêu dùng thì ban lãnh đạo và người lao động của Gilimex đã mạo hiểm hàng ngày để lập kỷ lục đó theo đúng nghĩa đen”, đơn kiện viết.
Hiện tại, vụ kiện trị giá 280 triệu USD giữa Gilimex và Amazon chưa có kết quả.
Trọng Nghĩa