VN-Index tiếp tục có phiên giao dịch tích cực với việc dòng tiền xoay vòng ở các nhóm cổ phiếu. Áp lực bán không quá mạnh giúp nhiều cổ phiếu thuận lợi tăng tốt, đặc biệt là nhóm vốn hoá lớn như "bank, chứng thép".
Kết phiên, VN-Index tăng tốt 13,29 điểm (+1,09%) lên 1.237,46 điểm sát giá cao nhất 1.240,81 điểm ngày 23/02/2024.
Việc hướng sát tới vùng điểm 1.250 khiến nhiều công ty chứng khoán nhận định thị trường sẽ phải đối diện với rủi ro điều chỉnh, nhà đầu tư cũng được khuyến nghị nên giao dịch thận trọng và tránh mua đuổi. Ngược lại, một số chuyên gia vẫn bày tỏ quan điểm tích cực vào đà tăng tiếp nối của thị trường.
Chứng khoán SHS đánh giá dưới góc nhìn ngắn hạn, thị trường dù hồi phục nhưng chỉ số VN-Index đang tiệm cận cản mạnh 1.250 điểm, do đó thị trường sẽ tiếp tục có những vận động khó dự báo trong thời gian tới, với ngưỡng cản mạnh thị trường cần những nhịp rũ bỏ và tích lũy để tạo đà trước khi vượt qua. Hiện tại, SHS không đánh giá cao khả năng VN-Index sớm vượt 1.250 điểm.
Công ty khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn không nên mua đuổi trong các phiên tăng điểm và có thể xem xét chốt lãi dần các mã đã đạt mục tiêu ở giai đoạn hiện tại vì rủi ro thị trường vào nhịp giảm ngắn hạn là cao.
Tương tự, Chứng khoán Agibank (Agriseco) cho rằng VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng đi ngang hoặc giảm điểm trong ngắn hạn do áp lực đến từ ngưỡng cản quan trọng quanh 1.240 - 1.250 điểm; rủi ro về tỷ giá vẫn tiếp tục hiện hữu và chênh lệch giữa hợp đồng phái sinh VN30F1M và VN30 Index tiếp tục duy trì ở mức âm.
Theo đó, các nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục bán hạ tỷ trọng trong các nhịp tăng điểm về lại ngưỡng kháng cự đã đề cập. Chỉ mở mua trở lại đối với các mã cổ phiếu thuộc nhóm VN30 và các cổ phiếu đầu ngành khi VN-Index xuất hiện nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng hỗ trợ đáng lưu ý quanh 1.200 điểm.
Chứng khoán Asean (AseanSe) thì nhận định thị trường tiếp tục duy trì xu hướng tiến về vùng 1,240-1,250 điểm. Tuy nhiên, cần cẩn trọng với rủi ro áp lực chốt lời có thể quay trở lại bất cứ lúc nào.
AseanSe khuyến nghị nhà đầu tư duy trì sự thận trọng, tận dụng các nhịp rung lắc để cơ cấu lại danh mục và chỉ mua khi thị trường quay trở về kiểm định vùng 1.200-1.220 điểm, các hành động mua đuổi và đẩy nhanh tỷ trọng sẽ không còn được ưu tiên. Tỷ trọng khuyến nghị ở ngưỡng 60-65% cổ phiếu.
Có quan điểm tích cực hơn, Chứng khoán Yuanta cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm tra lại ngưỡng 1.245 điểm trong phiên kế tiếp. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu giảm dần cho thấy chỉ số VN-Index có khả năng sớm vượt mức kháng cự 1.245 điểm trong những phiên tới, cơ hội mua mới đang gia tăng.
Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư có thể xem xét mua mới trở lại và tăng tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao trong danh mục, đặc biệt chú ý ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Với Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), mặc dù nhiều khả năng VN-Index sẽ đối mặt với áp lực rung lắc trở lại quanh vùng ngưỡng 1.250, song đà hồi phục của chỉ số được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì dưới sự hỗ trợ của lực cầu tiềm năng tham gia trở lại. Nhà đầu tư được khuyến nghị trải lệnh mua từng phần khi chỉ số hoặc các mã mục tiêu quay xuống các vùng hỗ trợ, đặc biệt là các điểm đỡ tương ứng với vùng quanh 1.180 (+-10) điểm của VN-Index.
Năm Dòng Kẻ
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/goc-nhin-ctck-vn-index-co-the-gap-kho-tai-vung-1250-diem-20510177.htm