Mới đây, UBND TP.Hà Nội đã có công văn chỉ đạo rà soát ngay toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, lập hồ sơ và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở 3 mỏ cát trên nhằm tránh để các tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý để trục lợi, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm.
Cụ thể, UBND TP.Hà Nội giao Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì cùng các Sở, ngành: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, Công Thương, Công an TP và các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát ngay toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, lập hồ sơ và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở 3 mỏ cát: Liên Mạc, Châu Sơn và Tây Đằng - Minh Châu.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng có nhiệm vụ kiểm tra, rà soát toàn bộ giấy phép khai thác cát đã cấp trên địa bàn thành phố đã hết thời hạn khai thác, báo cáo hiện trạng, cơ sở pháp lý, việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; nghĩa vụ tài chính về đất đai, môi trường, khoáng sản; đóng cửa mỏ theo quy định.
Trên cơ sở đó báo cáo đề xuất UBND TP đưa vào Kế hoạch khai thác khoáng sản của TP đối với các mỏ còn trữ lượng khai thác nhưng hết thời hạn theo quy định; không gia hạn giấy phép khai thác cát, không cấp giấy phép đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật theo Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 5/9/2022 của UBND thành phố.
Đối với các mỏ cát chưa hết thời hạn khai thác, UBND TP.Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật có liên quan của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác khoáng sản; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời tổng hợp báo cáo và đề xuất UBND TP chỉ đạo thực hiện các biện pháp quản lý trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Trước đó, ngày 5/11, Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) đã tổ chức Phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 3 điểm mỏ cát tại huyện Ba Vì và quận Bắc Từ Liêm gồm Châu Sơn, Tây Đằng - Minh Châu và Liên Mạc.
Kết quả, Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Việt Sơn đã giành được quyền khai thác mỏ cát Châu Sơn với trữ lượng hơn 700.000m3 với giá 396 tỷ đồng, cao gấp 137 lần so với mức giá khởi điểm (gần 2,9 tỷ đồng).
Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ KSP giành quyền khai thác mỏ Liên Mạc trữ lượng hơn 500.000m3 với mức giá hơn 408 tỷ đồng, gấp khoảng 204 lần giá khởi điểm (2 tỷ đồng). Công ty TNHH Thương mại Phúc Lộc Thịnh trúng đấu giá mỏ Tây Đằng - Minh Châu trữ lượng 4.899.000m3, với giá gần 884 tỷ đồng, cao gấp 46 lần giá khởi điểm (19 tỷ đồng).
Như vậy, 3 mỏ cát này có tổng số tiền giá khởi tuy chỉ ở mức chưa đến 24 tỷ đồng nhưng các nhà đầu tư đã bỏ ra gần 1.700 tỷ đồng (cao gấp 70 lần) để có quyền khai thác. Theo kết quả trên, nếu tính trung bình, mỏ Châu Sơn có giá hơn 500.000 đồng/m3, còn mỏ Liên Mạc có giá hơn 800.000 đồng/m3... trong khi giá cát trên thị trường hiện nay dao động từ 60.000 - 80.000 đồng/m3 (giá tại mỏ).
Hà Anh (t/h)
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/ha-noi-ra-soat-toan-bo-qua-trinh-dau-gia-3-mo-cat-1700-ty-dong-2055780.htm