Hạ tầng Giao thông Đèo Cả báo lãi bán niên cao kỷ lục, nợ ngân hàng gần 20.000 tỷ đồng

Trong 6 tháng đầu năm, Hạ tầng giao thông Đèo Cả đạt 1.151 tỷ doanh thu, tăng 237 tỷ so với bán niên 2022; lợi nhuận sau thuế tăng 20,9% lên 192,2 tỷ. Đây cũng là mức lãi bán niên cao nhất trong 4 năm trở lại đây.

ha-tang-giao-thong-deo-ca-bao-lai-ban-nien-cao-ky-luc-no-vietinbank-gan-20000-ty-dong-antt-1690875893.jpg
 

Báo cáo tài chính quý II/2023 của CTCP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (MCK: HHV) cho thấy doanh thu thuần đạt 612 tỷ, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó đóng góp nhiều nhất đến từ mảng thu phí BOT (405 tỷ), mảng xây lắp (191 tỷ), còn lại số ít là duy tu bảo dưỡng, hầm đường, cung cấp dịch vụ trung chuyển.

Giá vốn ghi nhận tăng 32,3%, lên 325 tỷ đồng. Trong kỳ, giá vốn bán hàng tăng mạnh hơn mức tăng của doanh thu khiến biên lãi gộp thu hẹp từ 52,4% về 46,9% quý này. Tuy nhiên tỷ lệ này của HHV cũng là mức cao nhất trong nhóm doanh nghiệp xây lắp.

Kỳ này, doanh thu tài chính của HHV tăng đột biến 6,5 lần lên 13,3 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí hoạt động cũng tăng 13% lên mức 176 tỷ đồng, riêng lãi vay chiếm 171 tỷ đồng.

HHV giải trình, mặc dù doanh thu có sự tăng trưởng, tuy nhiên chủ yếu là từ hoạt động thi công xây lắp với biên lãi mỏng. Bên cạnh đó các yếu tố thị trường, giá nhiên liệu, nguyên vật liệu leo thang dẫn đến tỷ giá giá vốn/doanh thu của hoạt động xây lắp tăng so với cùng kỳ (từ 70% lên 84%).

Trừ các chi phí khác, HHV lãi sau thuế 109 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ và cao nhất từ quý I/2021.

Tính đến hết quý II/2023, nợ phải trả của Đèo Cả hiện ở mức 27.517 tỷ đồng. Trong cơ cấu nợ, vay nợ tài chính ghi nhận 20.370 tỷ đồng trong đó ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) đang là chủ nợ lớn nhất với khoản cho vay hơn 19.300 tỷ đồng (phần lớn là vay dài hạn), tài sản đảm bảo cho các khoản vay này là quyền thu phí của dự án BOT, điều này cho thấy áp lực thanh toán nợ ngắn hạn của Đèo Cả là rất lớn.

Đặc biệt, tại thời điểm này, vốn chủ sở hữu của Đèo Cả cũng chỉ ở mức 8.562,1 tỷ đồng. Như vậy, tổng nợ phải trả cũng đã cao gấp 3,2 lần vốn chủ sở hữu, lại càng gây áp lực lớn cho công ty về việc trả nợ.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Hạ tầng giao thông Đèo Cả đạt 1.151 tỷ doanh thu, tăng 237 tỷ so với bán niên 2022; lợi nhuận sau thuế tăng 20,9% lên 192,2 tỷ. Đây cũng là mức lãi bán niên cao nhất trong 4 năm trở lại đây.

So với kế hoạch 2.478 tỷ đồng doanh thu và 338,6 tỷ đồng lãi sau thuế, sau 2 quý đầu năm, công ty đã thực hiện được 46,4% và 56,7% chỉ tiêu đã đề ra.

Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của HHV tăng vượt mức 36.000 tỷ đồng trong đó phần lớn là tài sản cố định.

Công ty nắm giữ tổng cộng 484 tỷ đồng tiền mặt, tiền gửi ngân hàng ngắn hạn và trái phiếu, đồng thời đầu tư 445 tỷ đồng vào hai công ty liên doanh liên kết là Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa và BOT Bắc Giang-Lạng Sơn-Hữu Nghị.

Hàng tồn kho ở mức 213 tỷ, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang liên quan đến chi phí các công trình xây lắp chưa hoàn thành.

Hà Anh (t/h)

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/ha-tang-giao-thong-deo-ca-bao-lai-ban-nien-cao-ky-luc-no-ngan-hang-gan-20000-ty-dong-2053149.htm