Ngay sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, các sở, ngành, địa phương của tỉnh Hưng Yên tập trung kiểm tra, rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh.
Theo đó, toàn tỉnh Hưng Yên mới hiện nay có 18 công trình, dự án trọng điểm đang được triển khai. Trong đó có 5 dự án giao thông, 1 dự án khu công nghiệp, 7 dự án cụm công nghiệp, 4 dự án phát triển nhà ở, 1 dự án nhà máy nhiệt điện.
Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8 km, đi qua 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh, với tổng mức đầu tư gần 86.000 tỷ đồng.
Bản đồ đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Trong đó, đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có vốn đầu tư khoảng 5.200 tỷ đồng, chiều dài 19,3 km đi qua 4 huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm (cũ).
Đoạn qua địa phận tỉnh đến nay đã thu hồi và bàn giao đất cho chủ đầu tư được 93,24% diện tích mặt bằng cần thu hồi. Phần diện tích đất nông nghiệp và đất nghĩa trang, các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).
Ông Nguyễn Quốc Chương, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trụ cho biết: Sau khi thực hiện theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, UBND xã đã khẩn trương họp triển khai công tác GPMB tới các bộ phận liên quan. Hiện nay, xã đang tập trung GPMB phần diện tích đất ở của các hộ dân trong vùng dự án.
Đến thời điểm hiện tại, địa phương đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư 36/70 thửa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ về tài sản cho 23 hộ; chi trả cho 17 hộ số tiền 4,04 tỷ đồng; 11 hộ có đất nằm trong lưu không sông Bắc Hưng Hải với kinh phí 4,6 tỷ đồng; phê duyệt tài sản cho 12 hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với kinh phí 9,5 tỷ đồng.
Tiếp đến là dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình cũ (Dự án CT.08). Dự án này được đầu tư theo phương thức đối tác công tư với chiều dài khoảng 60,9km; trong đó, trên địa bàn tỉnh Nam Định (cũ) 27,6km, trên địa bàn tỉnh Thái Bình (cũ) 33,3km.
Hướng tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đi qua Nam Định, Thái Bình. (Ảnh: Thaibinh.gov)
Dự án có tổng mức đầu tư 19.784,55 tỷ đồng, được đầu tư theo tiêu chuẩn đường bộ cao tốc với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 24,75m, vận tốc thiết kế 120km/h, thời gian thực hiện dự án từ năm 2023, cơ bản hoàn thành vào năm 2027, đưa vào khai thác vận hành từ năm 2028.
Dự án CT.08 có tổng diện tích đất cần thu hồi để thực hiện là 478 ha, toàn tỉnh có hơn 3.000 hộ dân bị ảnh hưởng, với tổng diện tích đất cần thu hồi khoảng 284 ha. Đến thời điểm hiện tại, các địa phương đã phê duyệt, bồi thường hỗ trợ đất nông nghiệp với diện tích gần 215 ha (đạt tỷ lệ 97%), tương ứng với gần 2.600 hộ gia đình đã nhận hỗ trợ bồi thường GPMB.
Dự án đường Tân Phúc – Võng Phan (giao ĐT.378) được thực hiện trên địa bàn của 14 xã thuộc 3 huyện Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ cũ của tỉnh Hưng Yên. Tuyến đường này có điểm đầu ở nút giao Tân Phúc - Quốc lộ 38 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Điểm cuối tuyến đấu nối vào ĐT.378 tại Km24+00.
Tổng diện tích đất thu hồi cho dự án khoảng 65 ha, trong đó có trên 41 ha đất nông nghiệp; có gần 100 hộ dân cần bố trí tái định cư.
Bên cạnh đó, tỉnh còn có dự án xây dựng tuyến đường kết nối di sản văn hoá du lịch và phát triển kinh tế dọc sông Hồng.
Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông - xây dựng tỉnh Hưng Yên đang lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án này với tổng mức đầu tư 9.275 tỷ đồng.
Tuyến đường có tổng chiều dài gần 56 km, trên tuyến dự kiến xây dựng 2 cầu vượt qua kênh thủy lợi tại Trạm bơm Liên Nghĩa, Trạm bơm Nghi Xuyên và cầu Nghi Xuyên. Dự án nhằm hình thành tuyến đường liên kết vùng, kết nối các công trình di sản văn hóa, tâm linh dọc sông Hồng theo trục Thăng Long - Phố Hiến - Tam Chúc - Bái Đính - Chùa Hương...
Tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương nâng cao trách nhiệm, chủ động xử lý vướng mắc, tăng tốc thi công bù tiến độ tại các dự án đang chậm; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, nhất là tại các khu vực thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng.
UBND tỉnh giao cụ thể từng đơn vị phụ trách theo từng nhóm dự án. Trung tâm Phát triển quỹ đất số 1, số 2 và các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp tỉnh phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Môi trường, các huyện, xã rà soát hiện trạng, tổ chức giải phóng mặt bằng, quản lý chặt chẽ địa bàn, không để phát sinh xây dựng trái phép hoặc trục lợi chính sách.
Các dự án dự kiến khởi công trong tháng 8 và 9.2025 phải hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực, chuẩn bị đầy đủ điều kiện để khởi công đúng tiến độ.
Ngoài ra còn có tuyến đường kết nối từ thành phố Thái Bình (cũ) đến huyện Hưng Hà (cũ), nối với tỉnh Hưng Yên.
Dự án có chiều dài khoảng 24,8km, đi qua TP Thái Bình (cũ) và 3 huyện là Vũ Thư, Đông Hưng, Hưng Hà (cũ), sử dụng 182,23ha đất. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4.928 tỷ đồng
Điểm đầu tuyến đường nằm tại nút giao giữa đường vào Khu công nghiệp TBS Sông Trà với quốc lộ 10 (tuyến tránh S1, thuộc địa phận TP Thái Bình cũ), điểm cuối tại đầu cầu vượt sông Luộc, trên địa bàn xã Cộng Hòa, huyện Hưng Hà (cũ).
Dự án sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải liên vùng, liên tỉnh, liên khu vực, tăng cường kết nối giữa các khu đô thị, cụm công nghiệp, khu công nghiệp trong tỉnh.
Tỉnh Hưng Yên và Thái Bình được sáp nhập để thành lập một tỉnh mới mang tên Hưng Yên. Theo đó, tỉnh Hưng Yên mới có diện tích hơn 2.500km2; dân số trên 3,5 triệu người và 104 phường, xã.
Phương Hoàng
Nguyễn Đức Hải
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/hang-trieu-nguoi-dan-hung-yen-se-vui-mung-khi-biet-thong-tin-nay-205250713084319805.htm