Trong tập phát sóng năm 2019 của Shark Tank Việt Nam, Nguyễn Bá Cảnh Sơn – một kỹ sư phần mềm từng làm việc tại Thung lũng Silicon – bước lên sân khấu kêu gọi 50.000 USD cho 0,5% cổ phần công ty xe máy điện Dat Bike.
Dù được đánh giá là "nhân tài", Sơn vẫn bị các nhà đầu tư từ chối, thậm chí bị nhận xét gay gắt rằng sản phẩm của anh "không có cơ hội nào", không thể cạnh tranh về giá với xe xăng, cũng không thuyết phục được thị trường.
"Anh cảm thấy em đang vướng vào sai lầm của startup là làm ra sản phẩm xã hội chưa chắc đã cần, hoặc có cũng được, không có cũng không sao", Shark Bình.
Sáu năm sau, thị trường có vẻ đã tự đưa ra câu trả lời.
Sau khi xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam vào năm 2019 nhưng không nhận được đầu tư, Dat Bike tiếp tục theo đuổi hướng đi phát triển xe máy điện do người Việt thiết kế và sản xuất. Công ty bắt đầu thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế nhờ định hướng sản phẩm khác biệt và tầm nhìn dài hạn về điện hóa giao thông tại Việt Nam. Tính đến nay, tổng số vốn mà Dat Bike đã huy động được ước tính vượt 25 triệu USD.
Trong đó, tháng 9/2019, startup này bước vào giai đoạn tăng tốc với các vòng gọi vốn đầu tiên. Trong giai đoạn 2021–2022, Dat Bike huy động thành công 2,6 triệu USD trong vòng gọi vốn do Jungle Ventures dẫn dắt, cùng sự tham gia của các quỹ đầu tư khác như Wavemaker Partners, Hustle Fund và iSeed Ventures.
Nguồn vốn mới giúp công ty mở rộng đội ngũ kỹ thuật, nâng cấp sản phẩm và đưa ra thị trường phiên bản Weaver 200 với công suất và trải nghiệm sử dụng được cải thiện đáng kể.
Cuối năm 2022, theo dữ liệu từ Venture Cap Insights, Dat Bike đạt mức định giá 32 triệu USD. Trong vòng 12 tháng, doanh thu của công ty tăng gấp 10 lần. Đây là một trong những dấu mốc tăng trưởng đáng chú ý đối với một startup phần cứng trong lĩnh vực giao thông xanh.
Từ một startup không được đầu tư trên Shark Tank, Dat Bike huy động hơn 25 triệu USD, phát triển hệ sinh thái xe điện chạy 200–285 km mỗi lần sạc và mở rộng hệ thống chi nhánh khắp cả nước.
Tháng 3/2023, Dat Bike là một trong 9 doanh nghiệp được Chính phủ Anh lựa chọn tham gia chương trình Thúc đẩy Tài chính Khí hậu, với tổng nguồn lực hỗ trợ lên tới 11,8 triệu bảng Anh (khoảng 14,5 triệu USD). Chương trình này nhằm hỗ trợ các sáng kiến giúp giảm phát thải và thúc đẩy phát triển bền vững tại các nước đang phát triển.
Đến tháng 8/2024, Dat Bike tiếp tục công bố khoản vay chuyển đổi trị giá 4 triệu USD từ InfraCo Asia – đơn vị thuộc Tập đoàn Phát triển Hạ tầng Tư nhân (PIDG). Theo Dat Bike, khoản vốn này được sử dụng để đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, tăng cường năng lực tự động hoá và hướng tới mục tiêu sản xuất 30.000 xe/năm trong vòng hai năm tới.
Khởi nghiệp trong bối cảnh xe máy xăng chiếm tới 99% thị phần hai bánh tại Việt Nam, Dat Bike lựa chọn một hướng đi ít phổ biến: phát triển xe máy điện hiệu suất cao, thay vì tập trung vào dòng xe điện giá rẻ, công suất thấp như nhiều đối thủ.
Mẫu xe đầu tiên của công ty là Weaver, ra mắt sau khi nhà sáng lập Nguyễn Bá Cảnh Sơn trở về từ Thung lũng Silicon. Sản phẩm này được thiết kế với công suất và tốc độ tương đương xe xăng, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực tế tại Việt Nam.
Weaver sau đó được Bộ Giao thông Vận tải kiểm định và công nhận là xe máy điện "Made in Vietnam" đầu tiên đạt tiêu chuẩn tương đương xe xăng về hiệu năng. Từ nền tảng này, Dat Bike tiếp tục phát triển Weaver 200 với phạm vi hoạt động mở rộng và khả năng sạc nhanh hơn.
Tiếp nối dòng Weaver, Dat Bike giới thiệu ba mẫu xe điện Quantum S1, S2 và S3, với mức giá từ 34,9 đến 50,9 triệu đồng. Điểm chung của cả ba mẫu là phạm vi di chuyển dài – từ 200 đến 285 km mỗi lần sạc, hướng đến nhóm người dùng cần phương tiện thay thế xe xăng trong tầm giá phổ thông.
Trong đó, Quantum S1 là mẫu cao nhất, có giá gần 51 triệu đồng, phạm vi hoạt động 285 km, tốc độ tối đa 100 km/h. Quantum S2 có giá từ 42,9 triệu đồng, di chuyển được 265 km/lần sạc. Quantum S3 là lựa chọn phổ thông hơn, giá từ 34,9 triệu đồng, quãng đường khoảng 200 km.
Tất cả các mẫu xe đều được thiết kế trong nước, sử dụng động cơ từ 6.000 đến 7.000W, trang bị phanh đĩa và hỗ trợ sạc nhanh. Với hệ sản phẩm này, Dat Bike đang mở rộng tiếp cận nhiều nhóm người dùng hơn, giữa bối cảnh nhu cầu chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện tại Việt Nam có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây.
Ngoài hệ sinh thái sản phẩm, theo thông tin của hãng, trong quý IV/2024, Dat Bike đã mở rộng thêm nhà máy mới với diện tích sàn tăng gấp 5 lần, cho phép nâng số lượng xe sản xuất lên gấp 10 lần trong 2 năm tới. Song song, doanh nghiệp này cũng sở hữu 20 cửa hàng ở các tỉnh, thành: TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Cà Mau... Dự kiến cuối năm nay, Dat Bike sẽ sẽ có gần 50 cửa hàng trên toàn quốc đáp ứng nhu cầu di chuyển xanh của khách hàng.
Thảo Vân
Đàm Thị Thuý Vân