Nguyễn Đức Chi và dự án Nàng tiên cá Rusalka
Chủ tịch HĐQT của CTCP Crystal Bay là ông Nguyễn Đức Chi quê ở Nghệ An. Ông từng có thời gian học tập, lập nghiệp khá thành công tại Nga. Sau đó ông về nước cùng các cộng sự phát triển thành công hàng loạt dự án du lịch nghỉ dưỡng như hiện nay. Tên tuổi của ông Chi còn được gắn liền với vụ lùm xùm tại dự án Nàng tiên cá – Rusalka.
Dự án Nàng Tiên Cá Rusalka của Công ty Đầu tư và Phát triển du lịch Rus-Invest-Tur (RIT) do ông Nguyễn Đức Chi làm chủ tịch HĐQT được cấp phép năm 2000.
Sau 5 năm triển khai (2005), ông Chi vướng vòng lao lý khi bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt tạm giam về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sau đó ông bị kết án 5 năm 6 tháng tù về tội “sử dụng trái phép tài sản” và “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Dự án Rusalka dở dang và sau đó, Bộ Kế hoạch – Đầu tư ra quyết định chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy phép đầu tư của Công ty RIT. UBND tỉnh Khánh Hòa cũng ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận sử dụng đất của dự án này.
Tuy nhiên, sau 5 năm, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã ra quyết định hủy kê biên các tài sản tại Rusalka và trao trả lại cho ông Nguyễn Đức Chi khi ông ra tù vào năm 2010.
Đến năm 2010, ông Chi được ra tù trước hạn và xin tiếp tục được thực hiện dự án Rusalka. Ông Chi thành lập CTCP du lịch Trọng Điểm Nha Trang (Focus Travel Nha Trang) để tiếp tục thực hiện dự án Rusalka, khoác lên nó một màu “áo mới” với tên gọi Khu nghỉ dưỡng Champarama Resort & Spa.
Năm 2016, dự án Champarama Resort & Spa được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy phép chấp thuận. Theo đó, dự án rộng gần 44ha sẽ được đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp với tổng vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng và được thuê đất trong vòng 50 năm.
Hiện dự án này đã được chuyển nhượng cho Tập đoàn KDI Holdings của ông trùm tài chính Kiều Hữu Dũng và cũng đã được đổi tên thành Vega City Nha Trang.
'‘Hệ sinh thái’' Crystal Bay ra đời với hàng loạt dự án đình đám
Năm 2016, ông Nguyễn Đức Chi thành lập đã thành lập CTCP Crystal Bay với vốn điều lệ ban đầu là 250 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông sáng lập bao gồm: Ông Nguyễn Đức Tân góp 20%, bà Nguyễn Thị Duyên góp 20% và ông Nguyễn Đức Chi đóng góp 60% còn lại.
Tại lần thay đổi đăng ký doanh nghiệp vào ngày 17/6/2021, Crystal Bay đã tăng vốn điều lệ lên 1.150 tỷ đồng, tương ứng với 115 triệu cổ phần.
Hiện tại, Crystal Bay đang kinh doanh 3 lĩnh vực lớn là đầu tư phát triển hệ sinh thái du lịch, nghỉ dưỡng, trải nghiệm; du lịch lữ hành quốc tế và nội địa; quản lý khai thác khách sạn, chăm sóc sức khỏe và đạo tạo nguồn nhân lực.
Người đại diện pháp luật của công ty là ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch HĐQT. Trong khi đó, vị trí Tổng Giám đốc đã được thay đổi và người giữ vị trí này là ông Nguyễn Tiến Trung.
Theo tìm hiểu, ông Chi còn đứng tên cho loạt pháp nhân khác thuộc “hệ sinh thái” của Crystal Bay như CTCP Heritage Holdings, CTCP Vân Đồn Green Industrial Park, Công ty TNHH Đóng tàu Trường Sa, CTCP Xây dựng Lam Hồng MC, CTCP Cam Ranh Riviera Resort, CTCP Đầu tư và Phát triển Ngân Sơn, CTCP Câu lạc bộ Du thuyền Đệ Nhất, CTCP Nhật Tiến Khánh Hòa, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Minh Tú, Công ty TNHH Marina Park, CTCP Crystal Bay Hotels & Resorts, CTCP Marina City, Công ty TNHH Central Park Nha Trang.
Ngoài ra, ‘’hệ sinh thái’’ của tập đoàn này gồm nhiều công ty thành viên, trong đó phải kể tới Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam (khai thác dịch vụ du lịch quốc tế), CTCP Câu lạc bộ du thuyền Horizon (khai thác dịch vụ du thuyền Nha Trang), Crystal Bay Card (khai thác thẻ du lịch), Crystal Bay Hospital (thương hiệu quản lý và vận hành bất động sản du lịch thuộc hệ sinh thái trọn vẹn của tập đoàn Crystal Bay),...
Một trong những dự án nổi bật của Tập đoàn Crystal Bay chính là siêu dự án Con đường di sản Vân Đồn tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồng, tỉnh Quảng Ninh với quy mô hơn 3.300 ha. Dự án gồm biệt thự hướng biển, khách sạn, tháp hỗn hợp khách sạn, resort hội nghị với tổng số hơn 3.000 phòng nghỉ. Đó là chưa kể tới điểm nhấn là hai tòa tháp 88 tầng tạo hình chữ V, với quy mô 3.061 phòng. Vào tháng 8/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án "Con đường di sản Vân Đồn".
Doanh nghiệp dự án là CTCP Vân Đồn Heritage Road – một công ty thành viên được CTCP Heritage Holdings nắm giữ 68% vốn điều lệ. Trong khi đó, Crystal Bay lại sở hữu 66% vốn của Heritage Holdings.
Ngoài Vân Đồn, Crystal Bay cũng sở hữu loạt dự án tiêu biểu khác tại Ninh Thuận và Khánh Hòa như Cam Ranh Riviera Beach Resort & Spa (mức đầu tư 880 tỷ đồng), Selectum Noa Resort Cam Ranh (tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng), Ninh Chữ Sailing Bay Ninh Thuận (tổng vốn đầu tư ước tính tới 4.800 tỷ đồng), Mũi Dinh Cap Padaran Ninh Thuận (tổng vốn đầu tư là 1 tỉ USD), Crystal Marina Bay Nha Trang (tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng), Chala Bay Resort Ninh Thuận, Rocko Bay Resort Ninh Thuận…
Bên cạnh đó, Crystal Bay cũng bắt đầu tiến về Đà Lạt bằng việc tài trợ quy hoạch dự án Khu du lịch hồ Prenn với diện tích khoảng 1.000ha.
Trong đó, dự án Sunbay Park Hotel & Resort có tổng diện tích đất 8,3 ha, gồm 3 tòa nhà với 3.300 căn hộ. Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 4/2019, chủ đầu tư là CTCP Sunbay Ninh Thuận.
Đối với Cam Ranh Riviera Beach Resort & Spa, dự án này có tổng diện tích 10 ha thuộc Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, Khánh Hòa, gồm 1 tòa Condotel cao 25 tầng và nhiều phân khu chức năng khác nhau như biệt thự, căn hộ khách sạn.
Cam Ranh Riviera Beach Resort & Spa đang được quản lý bởi CTCP Cam Ranh Riviera Resort - công ty thành viên được Crystal Bay sở hữu 60% vốn điều lệ.
Ngoài ra, Crystal Bay còn muốn hoàn thiện "hệ sinh thái" trong lĩnh vực nghỉ dưỡng khi đầu tư vào một số lĩnh vực khác như: dịch vụ lữ hành trong nước và quốc tế; vận chuyển đường thủy và các dịch vụ vui chơi giải trí trên biển; quản lý và khai thác du lịch.
Trong đó, đơn vị thành viên cung cấp dịch vụ du lịch nội địa, bao gồm vận chuyển, lưu trú, thăm quan, mua sắm và vui chơi giải trí là Công ty TNHH Thương mại và Du lịch ABTours (ABTours).
Về tình hình kinh doanh, nửa đầu năm 2023, Crystal Bay báo lỗ sau thuế hợp nhất là 135,6 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 68,1 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) là âm 8,16%, cùng kỳ năm ngoái âm 6,4%.
Trước đó, năm 2022 Crystal Bay lỗ hợp nhất gần 95 tỷ đồng, trong khi năm 2021 vẫn còn có lãi hơn 89 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối tháng 6/2023, vốn chủ sở hữu của Crystal Bay giảm 4% so cùng kỳ, về mức gần 1.627 tỷ đồng.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ 2,17 lần của cùng kỳ lên 2,95 lần, tương ứng nợ phải trả của Crystal Bay gần 4.800 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu chiếm khoảng 2.110 tỷ đồng.
Hà Anh
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/he-sinh-thai-crystal-bay-cua-ong-nguyen-duc-chi-2054313.htm