Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có nhiều biến động do phát sinh những vụ việc vi phạm pháp luật như vụ liên quan Tập đoàn Tân Hoàng Minh từ tháng 4/2022, đặc biệt là vụ việc của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB trong tháng 10/2022.
Sau các vụ việc vi phạm pháp luật của doanh nghiệp phát hành nêu trên, có tình trạng người dân, nhà đầu tư mua trái phiếu tập trung tại một số cơ quan Nhà nước. Bộ Tài chính nêu rõ, thị trường TPDN bị mất niềm tin, thanh khoản thị trường gặp khó khăn, bên cạnh đó kinh tế chưa phục hồi sau đại dịch nên một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu gặp khó khăn trong cân đối các nguồn lực để thanh toán gốc, lãi trái phiếu, dẫn đến chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ.
Đứng trước tình hình đó, Bộ Tài chinh đã báo cáo Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt, kịp thời để các bộ ngành triển khai đồng bộ các giải phap ổn định thị trường TPDN, giảm áp lực thanh khoản và khôi phục niềm tin thị trường để TPDN phát triển mnh bạch, an toàn, bền vững.
Bộ trưởng Bộ Tài chính đã làm việc trực tiếp với 39 doanh nghiệp và có văn bản yêu cầu từng doanh nghiệp phát hành ưu tiên sử dụng mọi nguồn lực để thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết, có trách nhiệm tới cùng trong việc thanh toán nghĩa vụ TPDN theo nguyên tắc "lợi ích hài hoà, khó khăn chia sẻ".
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng yêu cầu doanh nghiệp phát hành công bố thông tin minh bạch, đầy đủ, chủ động sử dụng các dịch vụ kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm, định giá tài sản để đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp và công bố thông tin cho nhà đầu tư.
Thêm vào đó, Bộ Tài chính đề xuất Bộ Công an tích cực đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm thời gian qua để sớm có phương án xử lý, thanh toán tiền cho nhà đầu tư TPDN, góp phần ổn định tâm lý thị trường.
Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, các đơn vị thuộc Bộ tăng cường thanh tra, giám sát nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động phát hành và cung cấp dịch vụ về TPDN.
Trong năm 2022, Bộ Tài chính đã thanh tra, kiểm tra 12 doanh nghiệp phát hành, 27 công ty chứng khoán, 7 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán, 16 doanh nghiệp kiểm toán và 15 doanh nghiệp thẩm định giá.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết tiếp tục theo dõi việc công bố thông tin của doanh nghiệp, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp có trái phiếu đến hạn lớn và yêu cầu các doanh nghiệp có trách nhiệm đến cùng về việc thanh toán đầy đủ nghĩa vụ trái phiếu cho nhà đầu tư theo điều kiện, điều khoản đã cam kết để không mất trật tự xã hội. Ngoài ra, Bộ đang kiến nghị lãnh đạo Chính phủ áp dụng một số biện pháp bổ sung đối với các doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.
Bộ Tài chính chỉ đạo đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng và đưa hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào hoạt động từ 16/6/2023 để phát triển thị trường thứ cấp minh bạch, tăng tính thanh khoản cho TPDN riêng lẻ.
Cơ quan này cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, các đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát, chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, các định chế tài chính có hoạt động liên quan đến phát hành TPDN theo quy định của pháp luật.
Về trung và dài hạn, Bộ Tài chính cho biết sẽ rà soát tổng thể, đề xuất sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đề xuất sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản, trong đó nghiên cứu quy định rõ về chỉ tiêu an toàn tài chính trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản. Phát triển hệ thống các nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt hệ thống các quỹ đầu tư (trong đó bao gồm quỹ đầu tư trái phiếu). Hoàn thiện cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin và giám sát liên thông giữa các bộ, ngành về ngân hàng, chứng khoán, bất động sản…
Phạm Ngọc (t/h)
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/he-thong-giao-dich-trai-phieu-doanh-nghiep-du-kien-hoat-dong-tu-ngay-166-205739777.htm