Anh Phạm Thanh Huy (Ba Đình, Hà Nội), 26 tuổi, từng là một nhân viên kinh doanh tại một có mức lương 15 triệu đồng mỗi tháng cùng với một số khoảng thưởng hấp dẫn. Huy đã có một cuộc sống khá thoải mái, không phải lo lắng nhiều về tài chính. Tuy nhiên, cuộc đời của Huy nhanh chóng rẽ sang một hướng khác khi anh bị cuốn vào một sai lầm liên quan đến việc "bùng" nợ.
Khi công ty gặp khó khăn, thu nhập của Huy giảm sút nghiêm trọng, Huy bắt đầu tìm đến các khoản vay tiêu dùng từ công ty tài chính để duy trì cuộc sống. Ban đầu, Huy chỉ vay khoảng 30 triệu đồng để mua sắm, trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày và duy trì trả lãi, gốc đều đặn được khoảng 4 tháng. Với hy vọng sớm cải thiện tình hình tài chính, Huy tiếp tục vay thêm cả công ty tài chính khác, thậm chí là App tín dụng đen với số tiền lên 70 triệu đồng.
Mọi chuyện bắt đầu trở nên tồi tệ hơn khi Huy mất việc vào cuối năm 2022. Không còn thu nhập ổn định, Huy rơi vào tình trạng khó khăn khi phải đối mặt với các khoản nợ ngày càng chồng chất. Trong lúc bế tắc, Huy tình cờ bị lôi kéo vào một nhóm trên mạng xã hội chuyên "tư vấn" cách bùng nợ. Những thành viên trong nhóm này chia sẻ với nhau những cách thức để tránh nợ, chẳng hạn như thay đổi số điện thoại, chuyển địa chỉ cư trú, thậm chí là bỏ luôn công việc để không bị truy cứu.
Những lời khuyên nghe có vẻ hợp lý và dễ dàng đã khiến Huy bị cuốn theo. Anh quyết định không trả nợ, chặn số điện thoại, và chuyển đến sống tại nhà một người bạn để tránh bị truy tìm. Ban đầu, Huy cảm thấy nhẹ nhõm khi không phải trả các khoản nợ và tin rằng mình có thể "thoát" khỏi những rắc rối tài chính.
Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, Huy bắt đầu nhận ra những hệ lụy của quyết định này. Các công ty tài chính nhanh chóng đưa Huy vào danh sách nợ xấu, và điểm tín dụng của anh bị giảm xuống mức rất thấp. Số tiền nợ thì lãi chồng lãi lên đến gần 200 triệu đồng chỉ trong vòng 6 tháng.
Không chỉ dừng lại ở đó, cuộc sống của Huy bị đảo lộn hoàn toàn. Những cuộc gọi đòi nợ bắt đầu không chỉ ảnh hưởng đến anh mà còn đến cả gia đình và bạn bè. Huy cảm thấy xấu hổ khi người thân bị liên lụy vì những quyết định sai lầm của mình. Bạn bè dần tránh xa anh, sợ bị liên quan đến các vấn đề tài chính của Huy.
Khi Huy cố gắng tìm một công việc mới để cải thiện tình hình, anh nhanh chóng nhận ra rằng việc có tên trong danh sách nợ xấu đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của mình. Bên cho vay tín dụng đen thậm chí còn nhắn tin đến cơ quan anh làm việc, đe dọa đòi nợ.
Trong một lần gặp gỡ người bạn cũ, Huy nhận ra rằng việc bùng nợ đã khiến anh mất đi nhiều cơ hội trong cuộc sống. Bạn của Huy, người từng làm việc cùng anh tại công ty cũ, chia sẻ rằng đã vay vốn từ ngân hàng để mở một cửa hàng nhỏ và hiện đang rất thành công. Huy cảm thấy cay đắng khi nhớ lại những cơ hội đã bị đánh mất vì những quyết định sai lầm của mình.
Hậu quả khó khắc phục và sự hối hận muộn màng
Điều này khiến Huy rơi vào một vòng xoáy của nợ nần và tuyệt vọng. Nhưng khi nhìn vào ánh mắt lo lắng của cha mẹ, Huy nhận ra rằng mình phải đối mặt với hậu quả do chính mình gây ra. Sau cùng, Huy quyết định làm lại từ đầu. Anh bắt đầu liên hệ với công ty tài chính để thương lượng kế hoạch trả nợ, dù biết rằng điều này sẽ đòi hỏi nhiều năm làm việc chăm chỉ. Huy chấp nhận những công việc lao động phổ thông để kiếm từng đồng trả nợ. Mặc dù thu nhập thấp, nhưng với quyết tâm sửa chữa sai lầm, Huy đã bắt đầu trả dần từng khoản nợ.
Câu chuyện của Huy là một ví dụ điển hình về hậu quả nghiêm trọng của việc bùng nợ. Hậu quả không chỉ dừng lại ở tài chính mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống cá nhân, sự nghiệp và cả mối quan hệ xã hội của anh. Sự hối hận của anh đến quá muộn, nhưng Huy đã học được bài học quý giá: Trách nhiệm tài chính là nền tảng quan trọng cho một cuộc sống ổn định và bền vững. Chuyện của Huy là lời cảnh tỉnh cho những ai đang nghe theo cái hội nhóm tiêu cực. Đừng để những quyết định nhất thời mang đến cho bạn nhiều hậu quả khó khắc phục và sự hối hận muộn màng.
Theo các công ty tài chính, tình trạng khách hàng "bùng nợ", cố tình không trả nợ tăng đột biến trong vài năm gần đây, khiến họ rơi vào hoạt động kinh doanh khó khăn, thậm chí bắt đầu siết chặt các quy định cho vay. Điều này không tránh khỏi đã ảnh hưởng tới những người đi vay chân chính.
Có thể nói, làn sóng "bùng nợ" chưa bao giờ ồn ào và gia tăng mạnh như vài năm gần đây, để lại rất nhiều hậu quả nghiêm trọng, với cả người vay và người cho vay. Với những người "bùng nợ", họ dễ rơi vào vòng lặp nợ nần luẩn quẩn, bị xếp vào nhóm nợ xấu dẫn đến uy tín cá nhân xuống thấp, không có khả năng vay vốn ngân hàng trong tương lai. Thậm chí họ sẽ bị khởi kiện nếu không có thái độ hợp tác trả nợ, cố tình chây ì, trồn nợ.
Khi bị khởi kiện, tùy mức độ, người vay có thể sẽ bị kết "Tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản" nếu cố tình vay để bùng hoặc vay xong trốn nợ, bán tháo tài sản bảo đảm… Khung hình phạt tối thiểu là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, tối đa có thể từ 12 đến 20 năm tại điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Do đó, người vay trước hết phải tính toán được khả năng trả nợ trước khi vay tiền. Trong trường hợp không trả được nợ nên liên hệ với công ty tài chính, ngân hàng để thương lượng có giải pháp. Việc nghe theo những lời cổ vũ trốn nợ trên mạng là rất sai trái, chỉ vì trốn tránh trách nhiệm trước mắt mà để lại hậu quả khôn lường về sau.
C%E1%BB%99ng%20t%C3%A1c%20vi%C3%AAn
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/hoi-han-vi-nghe-theo-nhom-bung-no-tren-mang-205242408135811483.htm