Ngày 11/7, TAND TP Hà Nội sẽ tiến hành tuyên án bị cáo Nguyễn Văn Hậu- Chủ tịch Phúc Sơn cùng 40 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn và các tỉnh, thành phố liên quan.
Các bị cáo bị tuyên án về các tội “Đưa/Nhận hối lộ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Trong số các bị cáo có nhiều cựu Bí thư, Chủ tịch các tỉnh như: Hoàng Thị Thuý Lan (cựu Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc), Lê Duy Thành (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc), Cao Khoa (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi), Lê Viết Chữ (cựu Bí thư Quảng Ngãi), Nguyễn Doãn Khánh (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ)...
Phiên tòa xét xử vụ án Tập đoàn Phúc Sơn.
Trước đó, Viện kiểm sát (VKS) giữ quyền công tố tại tòa sau đó tiếp tục trình bày quan điểm luận tội. Theo VKS,đây là vụ án lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khi Nhà nước bị thiệt hại 1.160 tỷ đồng. Ngoài ra, hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Hậu còn kéo theo nhiều cán bộ, lãnh đạo vướng vòng lao lý.
Cơ quan tố tụng xác định, bị cáo Nguyễn Văn Hậu đã chi tổng cộng hơn 132 tỷ đồng cho một số cựu lãnh đạo địa phương trong quá trình triển khai các dự án từ năm 2008 đến 2023, qua đó tạo điều kiện cho Tập đoàn Phúc Sơn trong quá trình triển khai các dự án.
Hậu quả từ các hành vi sai phạm được xác định là thiệt hại cho Nhà nước hơn 1.160 tỷ đồng. Hành vi sai phạm của Chủ tịch Phúc Sơn còn dẫn đến hàng loạt cán bộ ở các địa phương bị xử lý hình sự, xử lý kỷ luật, làm giảm niềm tin của nhân dân, gây bức xúc dư luận.
Từ đó, cơ quan công tố nhấn mạnh quan điểm cần xử lý nghiêm khắc đối với nhóm bị cáo giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu; đặc biệt là những người từng là lãnh đạo các cơ quan nhà nước nhưng đã chỉ đạo, tạo điều kiện cho Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu và hưởng lợi bất chính.
Dù vậy, VKS nhìn nhận nhiều bị cáo từng nhận bằng khen, giấy khen trong quá trình công tác; một số người có thái độ hợp tác, khắc phục hậu quả nên được xem xét giảm nhẹ.
Tại phiên tòa hôm 4/7, đại diện Tập đoàn Phúc Sơn cho biết, doanh nghiệp này cùng ông Trần Công Bình đã nộp bổ sung 768 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho bị cáo Nguyễn Văn Hậu. Như vậy, toàn bộ thiệt hại của vụ án đã được khắc phục.
Ngoài ra, bị cáo Phùng Quang Hùng – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã nộp bổ sung 200 triệu đồng khắc phục hậu quả.
Trên cơ sở xem xét quá trình thành khẩn khai báo, hợp tác điều tra và khắc phục hậu quả, VKS đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Nguyễn Văn Hậu và một số bị cáo khác.
Cụ thể, VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Hậu 14-15 năm tù về tội "Đưa hối lộ"; 11–12 năm tù về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng"; 7–8 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Tổng hợp hình phạt chung là 30 năm tù.
Mức án này giảm so với đề nghị trước đó ngày 27/6 (tổng hình phạt 30 năm tù, nhưng với các khung hình phạt cụ thể cao hơn).
Ngoài ông Hậu, VKS cũng đề nghị giảm án cho 7 bị cáo khác, như bị cáo Phạm Văn Vọng (cựu Bí thư Vĩnh Phúc), Phùng Quang Hùng và Hà Hòa Bình cùng bị đề nghị từ 3 - 4 năm tù (mức cũ từ 4 năm - 4 năm 6 tháng tù).
Bị cáo Bùi Minh Hồng, cựu chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc được đề nghị 4-5 năm (trước đó 5-6 năm); bị cáo Hoàng Quốc Trị, cựu phó chủ tịch huyện, án 3-4 năm (trước đó từ 3 năm 6 tháng đến 4 năm 6 tháng).
Mai Linh (t/h)
Phạm Thị Tâm
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/hom-nay-tuyen-an-chu-tich-tap-doan-phuc-son-va-nhieu-bi-cao-205250711101206865.htm