Sáng nay (8/5), TAND Cấp cao tại TP.HCM mở lại phiên xét xử phúc thẩm đối với Nguyễn Thái Luyện (36 tuổi) và các đồng phạm trong vụ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền xảy ra tại Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba.
Phiên tòa do thẩm phán Võ Văn Khoa làm chủ tọa, dự kiến kéo dài đến ngày 19/5. Phiên phúc thẩm được mở theo đơn kháng cáo kêu oan của Nguyễn Thái Luyện, Võ Thị Thanh Mai và đơn xin giảm nhẹ hình phạt của Nguyễn Thái Lực, Nguyễn Thái Lĩnh và 12 bị cáo khác.
Tuy nhiên, trước phiên xử diễn ra trong số 18 bị cáo kháng án có 3 bị cáo rút đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ngoài ra, còn có gần 100 bị hại và tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm đề nghị xem xét lại tiền bồi thường.
Trước đó, phiên tòa xét xử hôm 27/3 đã không diễn ra như dự kiến. HĐXX cho rằng cần hoãn xét xử với lý do nhiều luật sư bào chữa cho một số bị cáo vắng mặt tại tòa. Đây là các luật sư do gia đình các bị cáo mời.
Nguyễn Thái Luyện kháng cáo kêu oan, cho rằng đến thời điểm vụ án bị khởi tố và đến ngày xét xử phúc thẩm, Công ty Alibaba vẫn có đất để trả cho khách hàng và không chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Tại phiên xét xử sơ thẩm vào tháng 12/2022, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thái Luyện tù chung thân; Nguyễn Thái Lĩnh 17 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Nguyễn Thái Luyện) bị tuyên 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 12 năm tù về tội “Rửa tiền”, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.
Cũng hai tội danh này, bị cáo Nguyễn Thái Lực bị tuyên phạt 17 năm và 10 năm tù, tổng hợp hình phạt là 27 năm tù.
Các bị cáo khác cũng lãnh án từ 10-19 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc vợ chồng Luyện liên đới bồi thường toàn bộ số tiền 2.446 tỉ đồng cho 4.548 bị hại. Tòa cũng kiến nghị cơ quan điều tra các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận cần làm rõ vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tách thửa, nếu có sai phạm xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tòa kiến nghị Công an TP.HCM tiếp tục làm rõ và thu hồi số tiền 9 tỷ đồng mà bị cáo Mai đã chuyển cho bị cáo Huỳnh Kim Thắng và Nguyễn Thái Lực vì đây là tiền phạm tội mà có.
Bản án sơ thẩm xác định, lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Nguyễn Thái Luyện đã thành lập 22 công ty trực thuộc Công ty địa ốc Alibaba, giao những người thân trong gia đình hoặc thân tín làm người đại diện pháp luật.
Sau đó, Luyện chỉ đạo người thân và nhân viên thân tín đứng ra mua lượng lớn đất nông nghiệp ở các tỉnh, thành như: Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... Sau khi mua đất, các cá nhân này sẽ lập hợp đồng ủy quyền cho các pháp nhân do chính Luyện thành lập để tiến hành san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng trái phép, vẽ ra các "dự án ma", quảng bá hoành tráng là dự án khu dân cư đẳng cấp... để bán cho khách hàng.
Thậm chí, Công ty Alibaba còn đưa ra nhiều hình thức thanh toán linh hoạt, mua lại thửa đất với giá cao, trả lãi cao dựa trên số tiền khách hàng đóng vào hoặc thuê lại... Số tiền có được từ các dự án ma được chuyển về công ty mẹ.
Bên cạnh đó, Luyện giao cho vợ, em ruột phối hợp cùng kế toán là Huỳnh Thị Kim Thắng sử dụng một phần tiền để vận hành hệ thống trả lương nhân viên, mặt bằng, mua các khu đất vẽ dự án ma. Phần lớn nguồn tiền chuyển lòng vòng nhằm che giấu nguồn gốc thực sự.
Hà Ly (t/h)
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/hom-nay-xet-xu-phuc-tham-cuu-chu-tich-alibaba-nguyen-thai-luyen-va-dong-pham-2051307.htm