Hơn 20.000 đơn vị trên địa bàn TP.Hà Nội chậm đóng bảo hiểm

Tính đến hết ngày 30/6/2025, trên địa bàn TP.Hà Nội có 20.214 đơn vị sử dụng lao động chậm nộp bảo hiểm từ 2 tháng trở lên với số tiền từ hơn 1 triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Khu vực I mới đây vừa công bố danh sách 20.214 đơn vị trên địa bàn TP.Hà Nội sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm từ 2 tháng trở lên, số liệu nợ được tính đến hết ngày 30/6/2025 theo C12-TS lấy ngày 5/7/2025.

Trong danh này ghi nhận nhiều đơn vị đã chậm đóng các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp trong khoảng thời gian dài với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

Dẫn đầu danh sách vẫn là cái tên "quen thuộc" Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax có địa chỉ tại số 149 Trung Kính, quận Cầu Giấy, Hà Nội (nay là số 149 Trung Kính, phường Yên Hòa, Hà Nội) với 64 tháng nợ bảo hiểm, số tiền gần 62,3 tỷ đồng.

Hơn 20.000 đơn vị trên địa bàn TP.Hà Nội chậm đóng bảo hiểm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Xếp ở vị trí thứ hai là Công ty Cổ phần LILAMA3 (số 86 đường Tân Xuân, Phường Xuân Đỉnh, Hà Nội) với số tháng nợ bảo hiểm là 123 tháng, tổng số tiền gần 48,1 tỷ đồng.

Tiếp đến là Công ty Cổ phần Cầu 12 có địa chỉ tại số 463 Nguyễn Văn Linh, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Hà Nội (nay là số 463 Nguyễn Văn Linh, phường Phúc Lợi, Hà Nội), chậm đóng bảo hiểm cho người lao động 96 tháng với số tiền gần 30 tỷ đồng.

Ngoài ra còn có 18 doanh nghiệp khác nợ bảo hiểm với số tiền giao động từ 10 đến gần 26 tỷ đồng như Công ty Cổ phần Sông Đà 6; Công ty TNHH May mặc XK VIT Garment; Công ty Cổ phần Khóa Minh Khai; Công ty Cổ phần Cầu 14; Công ty Cổ phần Đầu tư Cơ khí và Xây dựng Hà Nội; Công ty Cổ phần Giáo dục Tư duy và Sáng tạo quốc tế CMS,...

Bên cạnh đó còn 26 doanh nghiệp khác chậm đóng bảo hiểm từ 5 đến dưới 10 tỷ đồng. Trong nhóm này có một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Trường Minh; Công ty Cổ phần Giầy Thượng Đình; Công ty Cổ phần Siêu Chung Kỳ; Công ty Cổ phần Viễn thông Di động Toàn Cầu;...

Trong một diễn biến khác, mới đây BHXH Việt Nam đã phát hiện trên không gian mạng có website giả mạo có tên miền, giao diện, hình ảnh tương tự với Cổng Dịch vụ công trực tuyến BHXH Việt Nam gây nhầm lẫn, có thể bị sử dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo, đánh cắp thông tin cá nhân.

Qua kiểm tra, BHXH Việt Nam nhận thấy, website được đặt trên máy chủ tại Việt Nam, trên website cũng giả mạo chứng nhận Tín nhiệm mạng của Trung tâm An ninh mạng quốc gia (Cục A05), khi kiểm tra thông tin Tín nhiệm mạng có thông báo “Bạn đang truy cập đến Tín nhiệm mạng từ một website chưa được chứng nhận tín nhiệm”.

BHXH Việt Nam nhận thấy, website giả mạo có thể được sử dụng để thực hiện các hành vi giả mạo cán bộ BHXH để gửi đường dẫn của website yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân như căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế… nhằm lừa đảo, đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản.

Để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an toàn tài sản và thông tin cá nhân của người dân, doanh nghiệp và tránh gây ảnh hưởng, làm mất niềm tin vào các dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước, BHXH Việt Nam đang phối hợp với các đơn vị chức năng để truy vết, xác định website giả mạo nêu trên.

PV

Đặng Thị Quỳnh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/hon-20000-don-vi-tren-dia-ban-tpha-noi-cham-dong-bao-hiem-20525070819555887.htm