Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.Hà Nội mới đây vừa công bố danh sách 33.330 đơn vị chậm đóng bảo hiểm của người lao động từ 1 tháng trở lên, số liệu nợ được tính đến hết ngày 31/3/2025 theo C12-TS lấy ngày 10/4/2025.
Trong đó, có nhiều đơn vị đã chậm đóng bảo hiểm trong khoảng thời gian dài với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Đơn cử như Công ty Cổ phần Anh ngữ APAX (số 23 LK 14B Khu ĐT Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội) vẫn dẫn đầu danh sách chậm đóng bảo hiểm với 61,05 tháng chậm đóng, số tiền gần 61,4 tỷ đồng.
Xếp ở vị trí thứ hai cũng là cái tên "quen thuộc" Công ty Cổ phần LILAMA3 (số 86 đường Tân Xuân, Phường Xuân Đỉnh, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) với số tháng nợ bảo hiểm là 119,95 tháng, tổng số tiền hơn 47,4 tỷ đồng.
Ảnh minh họa
Tiếp đến là Công ty Cổ phần Cầu 12 (số 463 Nguyễn Văn Linh, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Hà Nội) chậm đóng bảo hiểm cho người lao động 93,81 tháng với số tiền hơn 30 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn 20 doanh nghiệp khác nợ bảo hiểm với số tiền từ 10 tỷ đồng đến hơn 25 tỷ đồng như: Công ty Cổ phần Sông Đà 6 (Nhà TM, Văn Khê, La Khê, Hà Đông, Hà Nội); Công ty TNHH May mặc XK VIT Garment (Khu công nghiệp Quang minh, Mê linh, Hà nội); Công ty Cổ phần Khóa Minh Khai (Km14 Ql1A Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội); Tập đoàn FLC (tầng 28, Tòa nhà FLC Twin Tower, đường Cầu Giấy, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội)...
Có 29 doanh nghiệp khác chậm đóng bảo hiểm từ 5 đến dưới 10 tỷ đồng. Trong nhóm này có một số doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần Giầy Thượng Đình (số 277, Nguyễn Trãi, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội); Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thương mại Công nghiệp Việt Á (Toà nhà Việt Á, phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội); Công ty TNHH Trường Minh (Tầng 5, Tòa N02 GoldSeason, 47 Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội)....
Trong một diễn biến khác, mới đây BHXH TP.Hà Nội vừa đưa ra một số lưu ý quan trọng khi sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) để tránh bị phạt tiền.
Cụ thể, theo quy định tại Luật BHYT năm 2008 và sửa đổi bổ sung năm 2014, các trường hợp dẫn đến việc thu hồi hoặc tạm giữ thẻ BHYT gồm gian lận khi cấp thẻ, người có thẻ không còn tham gia BHYT và thẻ BHYT bị cấp trùng.
Tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP có quy định rõ ràng về việc xử phạt hành vi mượn thẻ BHYT của người khác hoặc cho người khác mượn thẻ BHYT.
Cụ thể, tại Điều 30 của Nghị định này, các hành vi mượn thẻ BHYT của người khác hoặc cho người khác mượn thẻ sẽ bị xử phạt 1 - 2 triệu đồng đối với với trường hợp vi phạm nhưng chưa làm thiệt hại đến quỹ BHYT.
Còn đối với trường hợp vi phạm làm thiệt hại đến quỹ BHYT sẽ bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng và buộc phải hoàn trả số tiền đã vi phạm vào tài khoản thu của quỹ BHYT.
Trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực từ 1/7/2025 đã đưa ra một số thay đổi quan trọng trong việc quản lý và thực hiện các chính sách bảo hiểm y tế.
Theo đó, thẻ BHYT điện tử bị thu hồi đối với thẻ đã cấp không thuộc đối tượng tham gia BHYT, phát hiện hành vi gian lận trong việc cấp thẻ BHYT điện tử.
Thẻ điện tử bị tạm khóa giá trị sử dụng nếu sử dụng thẻ của người khác để đi khám chữa bệnh BHYT; có hành vi gian lận, giả mạo, vi phạm pháp luật trong việc sử dụng thẻ BHYT.
Khánh Hân
Đặng Thị Quỳnh
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/hon-33000-don-vi-tren-dia-ban-tpha-noi-no-bao-hiem-205250414105338984.htm