Trong số các đại diện trên sàn HNX, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC – mã PVS) là cái tên gần ngưỡng tỷ USD vốn hóa nhất. Cổ phiếu này hiện đang dừng ở gần đỉnh lịch sử với 45.000 đồng/cp, tăng hơn 18% từ đầu năm 2024. Giá trị vốn hóa thị trường tương ứng khoảng 21.500 tỷ đồng, cao nhất sàn HNX.
Ngày 17/6 tới đây, PVS sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 để thông qua nhiều nội dung quan trọng. Theo tài liệu họp công bố mới đây, PVS sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu 15.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 660 tỷ đồng, lần lượt giảm 29% và 38% so với thực hiện năm 2023. Chỉ tiêu lợi nhuận thấp nhất kể từ năm 2019 cho thấy sự thận trọng của ban lãnh đạo công ty.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích, tình hình kinh doanh của PVS trong năm 2024 có thể khả quan hơn nhiều. Báo cáo mới đây của Vietcap dự phóng doanh thu và lợi nhuận năm nay của PVS có thể đạt lần lượt 28.856 tỷ và 1.216 tỷ đồng. Con số này cao hơn 86% so với chỉ tiêu doanh thu và gấp đôi mục tiêu lợi nhuận mà PVS đề ra.
Thực tế, kết quả kinh doanh quý đầu năm của PVS cũng khởi sắc. Doanh thu quý 1/2024 đạt 3.710 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ giảm giá vốn và chi phí lãi vay, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt gần 305 tỷ đồng, tăng 34% so với quý 1/2023. Với kết quả đạt được, PVS đã hoàn thành 46% kế hoạch cả năm sau 1 quý.
Vietcap dự báo lợi nhuận của PVS tăng mạnh dựa trên kỳ vọng doanh thu mảng Cơ khí & Xây dựng (M&C) sẽ tăng khoảng 70% so với năm ngoái, nhờ sự phục hồi của hoạt động thăm dò và khai thác trong nước, dự án điện gió ngoài khơi mới và giả định biên lợi nhuận gộp của M&C sẽ tăng lên 3,5% so với 1,6% trong năm 2023.
Theo giả định của Vietcap, backlog M&C của PVS sẽ ở mức 7,2 tỷ USD cho giai đoạn 2024-30 và 6,4 tỷ USD cho giai đoạn 2024-28. Trong đó, giả định backlog M&C giai đoạn 2024-30 bao gồm mức đóng góp 43% từ các dự án dầu khí (giá trị hợp đồng của dự án Lô B chiếm 51% các dự án dầu khí) và mức đóng góp 47% từ các hợp đồng M&C của các trang trại điện gió ngoài khơi.
Siêu dự án Lô B có thể mang về tối thiểu 338 triệu USD lợi nhuận
PVS là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và là công ty trong nước duy nhất cung cấp tất cả các dịch vụ kỹ thuật dầu khí (trừ dịch vụ khoan). PVS chiếm thị phần áp đảo ở các ngành liên quan, như thị phần dịch vụ tàu kỹthuật dầu khí (97%), cơ khí dầu khí, dịch vụ căn cứ cảng (mảng cảng, 100%), và dịch vụ kho nổi (FSO/FPSO, 60%). PVS sở hữu và vận hành đội tàu gồm 21 tàu dịch vụ, 3 kho nổi FSO và 2 kho nổi FPSO.
Triển vọng dài hạn của PVS còn được đánh khả quan khi siêu dự án Lô B đạt nhiều cột mốc đảm bảo triển khai thượng nguồn & trung nguồn. Vào ngày 28/3/2024, Công ty TNHH Thăm dò và Khai thác Dầu khí Mitsui (MOECO) đã công bố quyết định đầu tư cuối cùng. Khoản tiền đầu tư 740 triệu USD bao gồm cả thượng nguồn và trung nguồn của giai đoạn 1 của dự án Lô B (tổng vốn đầu tư XDCB ước tính 3,4 tỷ USD).
Đến ngày 2/4, Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, đặt mục tiêu ngày vận hành thương mại (COD) của các nhà máy điện Ô Môn II, III & IV sẽ lần lượt vào các năm 2027/2030/2028 để sử dụng nguồn nguyên liệu khí của dự án Lô B. Vietcombank cũng đã công bố các kế hoạch giải ngân khoảng 1 tỷ USD cho dự án Lô B từ quý 2. Ngoài ra, theo Tổng Giám đốc PVS, PVN có thể tiến hành dự án mà không cần công bố quyết định đầu tư cuối cùng.
Theo các công ty trong ngành, các bên liên quan đã thống nhất giá khí của Lô B là 12-14 USD/triệu BTU. Khối lượng khí theo hợp đồng là khoảng 90%. Trong khi đó, sản lượng điện theo hợp đồng sẽ được giải quyết thông qua việc sửa đổi một số thông tư cho phép các nhà máy điện Ô Môn nằm ngoài thị trường phát điện cạnh tranh.
Vietcap kỳ vọng việc ký kết đầy đủ các hợp đồng EPCI (Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và lắp đặt & nghiệm thu) #1,2,3 sẽ diễn ra vào nửa đầu năm 2024 sau khi việc nhận trao thầu hạn chế (LLOA) đáo hạn vào cuối tháng 4.
Trước đó, trong quý 4/2023, PVS đã được trao 3 hợp đồng của Lô B (EPCI#1,2,3, với tổng giá trị 1,1 tỷ USD cho PVS) thông qua việc nhận LLOA (EPCI#1-2 do PQPOC trao, EPCI#3 do SWPOC trao). LLOA này có hiệu lực từ ngày 31/10/2023, cho phép giải ngân ngay 20 triệu USD cho hợp đồng EPCI #1 và bắt đầu khởi công xây dựng vào nửa đầu năm 2024.
Tính đến cuối quý 1/2024, PVS đã giải ngân 129 tỷ đồng cho dự án Lô B. Vietcap dự báo PVS sẽ ký được 6 hợp đồng từ Lô B với lợi nhuận tối thiểu 338 triệu USD trong giai đoạn 2024-50. Các hợp đồng này sẽ đóng góp 15-40% vào LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2024-28.
Chuỗi dự án Lô B có tổng mức đầu tư 12 tỷ USD, nằm ở khu vực ngoài khơi phía Tây Nam Việt Nam, thuộc khu vực vùng trũng Bể Malay - Thổ Chu vùng thềm lục địa Việt Nam. Toàn bộ nguồn khí Lô B khai thác sẽ được vận chuyển bằng đường ống về khu vực quận Ô Môn (Cần Thơ). Sản lượng khai thác khí dự kiến khoảng 5,06 tỷ m3 khí/năm, cung cấp cho tổ hợp 4 nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn với tổng công suất lắp đặt dự kiến lên đến 3.800 MW.
Hà Linh