Ngọc Hồi là huyện miền núi biên giới, nằm ở phía bắc tỉnh Kon Tum, tiếp giáp với hai nước Lào và Campuchia, có ngã ba Đông Dương và đường Hồ Chí Minh đi qua, vì vậy hay được ví là nơi mà “một con gà gáy cả ba nước cùng nghe”. Huyện Ngọc Hồi có diện tích 824 km2, ngang ngửa với quy mô toàn tỉnh Bắc Ninh (822km2).
Thành lập năm 1991, với xuất phát điểm là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Kon Tum lúc bấy giờ. Sau 30 năm, kinh tế huyện đã có sự tăng trưởng liên tục, đặc biệt là trong những năm gần đây.
Riêng năm 2023, tổng giá trị sản xuất ước đạt 9.403 tỷ đồng, đạt 103,9% so với kế hoạch và bằng 113,8% do với năm trước. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 421,54 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 52,02 triệu đồng. Hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Quốc tế Bờ Y tính đến ngày 15/11/2023 đạt hơn 264 tỷ đồng và đạt 90,4% kế hoạch giao. Năm 2023 đón trên 6.000 lượt khách du lịch. Tỷ lệ hộ nghèo từ đầu năm 2023 là 4,5%, đến cuối năm 2023 giảm còn 2,96%; hộ cận nghèo từ 2,85% giảm xuống còn 2,37%.
Theo quy hoạch tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, huyện Ngọc Hồi thuộc Trung tâm đô thị phía Bắc - một trong ba đô thị động lực của tỉnh này. Huyện này là hạt nhân của vùng đô thị phía Bắc tỉnh Kon Tum và là một trong ba vùng kinh tế động lực của tỉnh; tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, dịch vụ, du lịch. Giai đoạn đến năm 2030, huyện dự kiến trở thành thị xã trực thuộc tỉnh Kon Tum.
Trong đó khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y trở thành khu kinh tế động lực, trọng tâm trong tam giác phát triển ba nước Lào - Việt Nam - Campuchia; định hướng phát triển 3 ngành, lĩnh vực kinh tế chủ lực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, du lịch. Khu kinh tế này nằm ở trung tâm của Khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, thuận lợi cho việc đi lại với các tỉnh Nam Lào và đi đến các tỉnh giáp ranh của Vương quốc Campuchia; là cung đường ngắn nhất nối các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải Miền Trung, đồng bằng Nam Bộ với Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Đông Bắc Thái Lan, có thể liên kết với các tuyến hành lang kinh tế Đông -Tây để phát triển thương mại, du lịch.
Về hạ tầng giao thông, huyện có đường biên giới trên bộ dài 64,5km tiếp giáp với hai nước Lào và Campuchia. Trong tương lai huyện sẽ có mạng lưới giao thông phát triển như hệ thống đường giao thông liên vùng tương đối phát triển nối liền với tỉnh lỵ Kon Tum, các tỉnh Nam Lào và khu vực duyên hải miền Trung thông qua các tuyến đường quan trọng gồm QL14 (đường Hồ Chí Minh), QL40, QL14C, Cao tốc Bắc - Nam phía Tây, cao tốc Thạnh Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y, Cao tốc Ngọc Hồi - Kon Tum - Pleiku, đường tỉnh 657,...
Nhật Minh
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/huyen-rong-ngang-ngua-tinh-bac-ninh-sap-len-thi-xa-noi-ma-mot-con-ga-gay-ca-ba-nuoc-cung-nghe-2057882.htm