Hyosung và mối duyên với EEMC - doanh nghiệp 'họ' GELEX

Trong phiên giao dịch cuối tuần, cổ phiếu của Thiết bị điện Đông Anh (TBD) đã tăng trần 15% lên 73.800 đồng xác lập mức vốn hóa gần 2.400 tỷ đồng.

Ngày 2/2, tại Hà Nội, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An đã tiếp và làm việc với ông Takeshi Yokota - Tổng Giám đốc điều hành, kiêm Phó Chủ tịch thường trực Công ty TNHH Hyosung Việt Nam về các nội dung hợp tác.

Hyosung mong muốn phát triển chiến lược hợp tác lâu dài với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong các lĩnh vực mà Hyosung có nhiều kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến như GIS STATCOM, ESS, xây dựng đường dây truyền tải, năng lượng tái tạo...

Thông tin trên website của EVN ghi nhận, Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An cho biết EVN sẵn sàng hỗ trợ những đề xuất của Hyosung. Bên cạnh đó, lãnh đạo EVN cũng giao Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh - Công ty Cổ phần (EEMC - mã chứng khoán TBD, Upcom) tiếp tục trao đổi chi tiết hơn với Hyosung Việt Nam để mở rộng hợp tác, không chỉ trong phát triển công nghệ máy biến áp mà còn các công nghệ tiên tiến khác như SVC (bộ điều khiển bù tĩnh), STATCOM (bộ điều khiển bù đồng bộ),…

Đối với EEMC, đây là công ty mà Hyosung từng muốn mua cổ phần thuộc phần sở hữu của EVN.

 

Hyosung chưa từ bỏ mong muốn mua cổ phần của doanh nghiệp 'họ' GELEX - Ảnh 1.

Đoàn công tác Hyosung Việt Nam làm việc tại EVN. Ảnh: EVN

Hồi tháng 5/2018, Công ty TNHH Hyosung Việt Nam, đơn vị thành viên của Tập đoàn Hyosung Hàn Quốc đã có thư đề nghị gửi EVN về việc mua thỏa thuận trọn lô hơn 13 triệu cổ phiếu của Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh (tức 46,58% vốn điều lệ) từ EVN với mức giá lên tới 90.000 đồng/cổ phiếu hoặc cao hơn, tương đương khoảng 1.180 tỷ đồng. 

Thư đề nghị được gửi sau thông báo bán toàn bộ 13.131.632 cổ phiếu TBD của EVN vào giữa tháng 3/2018. Phương thức giao dịch là khớp lệnh, yhời gian thực hiện dự kiến từ ngày 2/4 – 27/4/2018. Tuy nhiên, kế hoạch này sau đó không thành do cổ phiếu TBD biến động bất thường, giá cổ phiếu tăng quá cao. Trong bối cảnh đó, EVN lo ngại nếu bán thành nhiều đợt thì nhà đầu tư có thể chỉ mua đủ tỷ lệ chi phối và EVN có thể không thoái hết vốn theo chỉ đạo của Bộ Công Thương.

Theo Hyosung Việt Nam, nhu cầu về điện chất lượng cao ở Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng ổn định khi ngành công nghiệp phát triển và thu nhập quốc gia tăng. Để đáp ứng nhu cầu đó, EVN cần một công ty máy biến áp được trang bị năng lực phục vụ hậu mãi cùng với tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu.

Trên phương diện này, Hyosung có thể đưa EEMC thành một doanh nghiệp toàn cầu có thể sản xuất máy biến áp lên đến 500kV.

Tuy nhiên đến ngày 19/5/2018, Hyosung Việt Nam chưa nhận được thông tin phản hồi từ phía EVN. Trong khi đó, cùng với tin thoái vốn của EVN thì các lãnh đạo cấp cao của TBD đã bán hết cổ phần. CTCP Thiết bị Điện (THIBIDI, mã chứng khoán THI) mua gom dần và trở thành cổ đông lớn thứ 2 chỉ sau EVN. 

Tháng 8/2020, EVN một lần nữa đưa hơn 13 triệu cổ phiếu TBD ra đấu giá trọn lô với giá khởi điểm lên tới 153.100 đồng, tương ứng giá khởi điểm trọn lô là hơn 2.000 tỷ đồng. Thị giá của TBD khi đó chỉ 88.000 đồng/cp. Cuộc đấu giá này tiếp tục không thành. 

Thời điểm đó, THI đang nắm 24,89% cổ phần TBD. Hiện tại, cơ cấu cổ đông của TBD bao gồm EVN vẫn nắm 46,58% cổ phần, THIBIDI nắm 46,17%. Công ty này vừa nâng tỷ lệ sở hữu sau khi chào mua công khai 6,88 triệu cổ phiếu TBD với giá 96.600 đồng vào hồi tháng 8/2023. 

THIBIDI là doanh nghiệp được sở hữu 98,7% bởi CTCP Điện lực Gelex (GEE) – Công ty con do tập đoàn GELEX (GEX) nắm 79,99% vổn cổ phần. 

Theo báo cáo tài chính quý 4/2023 mới công bố của CTCP Thiết bị điện Đông Anh, doanh thu thuần đạt 890,5 tỷ đồng – tăng gần 40% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt gần 35 tỷ đồng – tăng 84%. Lũy kế cả năm 2023, công ty đạt 1.818 tỷ đồng doanh thu – tăng 8,4% so với năm 2022 và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 50 tỷ - tăng 17,7%. Trong phiên giao dịch cuối tuần, TBD đã tăng trần 15% lên 73.800 đồng xác lập mức vốn hóa gần 2.400 tỷ đồng.

photo-1707014591740

Ở Việt Nam, Hyosung là một Chaebol kín tiếng, không quá nổi bật như Samsung, LG, Huyndai, Lotte… do các sản phẩm của họ không phải là hàng tiêu dùng, đồ gia dụng hay hàng công nghệ. Mặc dù vậy, Hyosung được biết đến là một Nhà đầu tư lớn tại Việt Nam và lớn nhất tại tỉnh Đồng Nai. Tập đoàn hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất các loại sợi phục vụ cho công nghiệp dệt may, lốp xe ô tô; sản xuất máy biến áp, hóa chất, vật liệu công nghiệp, công nghiệp nặng và công nghệ thông tin.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc năm 2023, Chủ tịch Tập đoàn Hyosung, ông Cho Hyun Joon từng chia sẻ Tập đoàn đã đầu tư hơn 20 năm tại Việt Nam với tổng số vốn khoảng 20.000 tỷ Won (khoảng 3,5 tỷ USD) và khoảng hơn 9.000 lao động.

Hồi cuối năm 2023, đại diện Tập đoàn Hyosung đã trình bày ý tưởng xây dựng Nhà máy sản xuất sợi sinh học tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 2 với tổng mức đầu tư 720 triệu USD. Đây là dự án đầu tiên của Tập đoàn Hyosung trên toàn thế giới áp dụng công nghệ hiện đại, tiến tiến, thân thiện với môi trường để sản xuất sợi vải Spandex.


 

Lan Hạ

Lan Hạ

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/hyosung-va-moi-duyen-voi-eemc-doanh-nghiep-ho-gelex-2059241.htm