Tập đoàn IPA được thành lập năm 1998 với tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư và Tài chính IPA, gắn liền với tên tuổi của vợ chồng doanh nhân ông Vũ Hiền và bà Phạm Minh Hương – cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán VNDirect. Trong đó, ông Hiền là Chủ tịch HĐQT IPA từ năm 2007, còn bà Hương là thành viên HĐQT từ năm 2010 đến nay.
Doanh nghiệp này hoạt động trong 3 lĩnh vực chính: Đầu tư tài chính chứng khoán và các công ty tiềm năng; bất động sản; năng lượng.
Trong những năm qua, Tập đoàn IPA và VNDirect của vợ chồng ông Vũ Hiền, bà Phạm Minh Hương thực hiện đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp vào nhiều doanh nghiệp, trong đó có cả những doanh nghiệp có nguồn gốc nhà nước.
Có thể kể đến như HĐQT IPA thông qua việc góp vốn vào Công ty TNHH Bất động sản Anvie bằng cổ phần thuộc sở hữu của IPA tại CTCP Cơ khí ngành In (CKI) với giá trị góp vốn là trên 50% vốn điều lệ của Anvie. Sau giao dịch, IPA trở thành công ty mẹ gián tiếp của Công ty CKI thông qua Anvie.
Bên cạnh đó, IPA cũng sẽ góp vốn vào công ty Anvie bằng cổ phần thuộc sở hữu của IPA tại CTCP Ong Trung Ương với giá trị trên 50% vốn điều lệ của Anvie. Sau khi góp vốn thì IPA vẫn tiếp tục là Công ty mẹ gián tiếp của Công ty Ong Trung Ương.
Công ty TNHH Bất động sản Anvie được thành lập năm 2009, địa chỉ tại số 1, phố Nguyễn Thượng Hiền, phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội; người đại diện pháp luật là ông Vũ Hiền. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản.
CTCP Cơ khí ngành In được thành lập năm 2006, địa chỉ tại số 102A-B Hải Thượng Lãn Ông, Phường 10, Quận 5, người đại diện pháp luật là Lương Thu Hằng và hoạt động chủ yếu là lắp đặt và sửa chữa máy móc chuyên dùng trong ngành in.
CTCP Ong Trung Ương được thành lập năm 2007, địa chỉ số 19 phố Trúc Khê, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội; người đại diện pháp luật là Vũ Nam Hương.
Ngoài ra, IPA của Chủ tịch Vũ Hiền còn trực tiếp đầu tư 928 tỷ đồng để sở hữu 10,91% tỷ lệ biểu quyết tại CTCP Bất động sản Thế kỷ - Cen Land (MCK: CRE). Tuy nhiên, khoản đầu tư này của IPA đang gặp phải “trái đắng” khi mà giá trị phần vốn góp của công ty tính đến 31/3/2023 chỉ còn trị giá khoảng 356 tỷ đồng (giảm 572 tỷ đồng).
Việc phần vốn góp tại CRE giảm mạnh khiến IPA phải trích lập dự phòng gần 165 tỷ đồng trong quý I/2023, việc này góp phần khiến doanh nghiệp của Chủ tịch Vũ Hiền lỗ gần 148 tỷ đồng trong quý đầu năm.
Huy động trái phiếu cho vay lấy lãi thông qua Trustlink
Không chỉ trực tiếp đầu tư vào các doanh nghiệp, cổ phiếu, trái phiếu, Tập đoàn IPA và các công ty con trong những năm qua huy động hàng nghìn tỷ đồng từ trái phiếu, vay của cán bộ nhân viên.
Những công ty này lại phát sinh những khoản cho CTCP Dịch vụ và Đầu tư Trustlink (Trustlink) vay với lãi suất từ 8,3 – 10,9%/năm.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của IPA cho thấy, Tập đoàn này vẫn đang duy trì khoản phải thu về ngắn hạn của Trustlink gần 2.000 tỷ đồng. Trong đó, IPA trực tiếp cho vay 994 tỷ đồng, Năng lượng Bắc Hà 1.047 tỷ đồng và các công ty con trực tiếp hoặc gián tiếp của IPA cho vay từ vài tỷ cho đến hàng chục tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong các đợt huy động vốn của IPA và Năng lượng Bắc Hà thông qua trái phiếu, nguồn vốn được sử dụng hỗ trợ vốn (bao gồm cả cho vay) cho các doanh nghiệp liên quan, các công ty trong cùng tập đoàn, các doanh nghiệp khác để tối ưu hiệu suất sử dụng vốn.
Năng lượng Bắc Hà được biết đến là chủ đầu tư Dự án Nhà máy thủy điện Nậm Phàng B được đầu tư theo Quyết định số 489/QĐ-UBND tỉnh Lào Cai ngày 14/2/2017, với tổng mức đầu tư là 174,5 tỷ đồng. Tổng diện tích sử dụng đất là 13,545 ha tại xã Nậm Khánh, xã Nậm Đét, xã Bản Liền, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được UBND tỉnh ban hành quyết định chủ trương đầu tư. Dự án có công suất lắp máy 4,5 MW.
Trong khi nhiều doanh nghiệp sản xuất điện báo lỗ trong năm 2022 thì Năng lượng Bắc Hà báo lãi 112 tỷ đồng. Trong năm, dư nợ trái phiếu của công ty này cũng tăng từ gần 1.400 tỷ lên gần 1.700 tỷ đồng.
Với nguồn vốn “rẻ” từ nhóm IPA, Trustlink đã cho các doanh nghiệp khác vay lại với lãi suất cao hơn.
Có thể kể đến như: tháng 9/2021, HĐQT CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) đã phê duyệt phương án vay 70 tỷ đồng từ Trustlink nhằm thanh toán khoản nợ đến hạn của công ty tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) – Chi nhánh Đống Đa.Khoản vay này có kỳ hạn 1 năm, lãi suất 12%/năm.
Hay Trustlink từng cho CTCP Hoàng Anh Gia Lai (MCK: HAG) vay 93,3 tỷ đồng với lãi suất 14%/năm. Tài sản bảo đảm là 13,75 triệu cổ phiếu HNG thuộc sở hữu của công ty Hưng Thắng Lợi.
Một số "khách hàng" khác của Trustlink cũng có thể kể tới như CTCP Fecon (MCK: FCN), CTCP Kho vận Miền Nam (MCK: STG, lãi suất 13,5%/năm, tài sản bảo đảm là 3,75 triệu cổ phiếu PDN).
Trong năm 2022, IPA đã thông qua kế hoạch nhận chuyển nhượng Trustlink từ các cổ đông hiện hữu, tỷ lệ sở hữu có thể đến 99% vốn điều lệ. Tuy nhiên, đến nay việc chuyển nhượng này vẫn chưa hoàn thành.
PV
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/ipa-cua-chu-tich-vu-hien-boc-hoi-gan-600-ty-dong-vi-co-phieu-cre-2051474.htm