Mới đây, nguồn tin từ Techinasia cho biết, nhà sáng lập Kevin Tùng Nguyễn đã tạm thời đóng cửa hoạt động JobHopin và Skola.
Theo nguồn tin của Techinasia thì Kevin Tùng Nguyễn đang có tranh chấp pháp lý với người vợ của mình về quyền sở hữu tại Skola – một nền tảng edtech được đăng ký tại cả Việt Nam và Singapore.
Kevin Tùng Nguyễn là cái tên nổi danh trong giới statup với nền tảng tuyển dụng mang tên JobHopin và từng lọt vào danh sách Forbes 30 under 30 châu Á năm 2019. Chính vì thế, thông tin này được cộng đồng khởi nghiệp rất quan tâm, đặt trong bối cảnh JobHopin lỗ lớn và có vẻ đã sử dụng hết số vốn huy động được.
HUY ĐỘNG HƠN 100 TỶ TỪ CÁC VÒNG GỌI VỐN VÀ PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU
JobHopin có tên đăng ký kinh doanh là CTCP Doanh nghiệp Xã hội Ivy Care (Ivy Care). Công ty thành lập vào 5/8/2016, hoạt động chính trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người già với vốn điều lệ 2,5 tỷ đồng, sau đó tăng lên 3,4 tỷ đồng.
Năm 2018, JobHopin đã huy động được 710.000 USD trong vòng gọi vốn seed do KK Fund và công ty dịch vụ nhân sự Nhật Bản Mynavi Corporation dẫn đầu.
Tháng 5/2020, JobHopin gọi được 2,45 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A, nâng tổng số vốn mà họ huy động được là hơn 3 triệu USD (tương đương khoảng 75 tỷ đồng).
Cũng trong năm này, Ivy Care tăng vốn 20 lần lên 71,6 tỷ đồng với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài Singapore có tên JOBHOP PTE.LTD nắm 99% cổ phần. Sau đó tăng vốn lên 163,3 tỷ đồng vào hồi đầu năm 2023. Ngành nghề kinh doanh chính là tư vấn quản lý (trừ tư vấn tài chính, kế toán, pháp luật).
Bên cạnh dòng vốn huy động từ cổ phần, Ivy Care đã phát hành 2 lô trái phiếu huy động tổng cộng 37,5 tỷ đồng. Cụ thể, vào năm 2022, Ivy Care phát hành một lô trái phiếu trị giá 22,5 tỷ đồng.Tháng 6/2023, Ivy Care tiếp tục phát hành lô trái phiếu trị giá 15 tỷ đồng với lãi suất chỉ 1,33%/năm. Với cả 2 lô, trong trường hợp có vi phạm mà không được khắc phục, Ivy Care sẽ phải mua lại trái phiếu trước hạn với mức lãi chênh lệch 15%.
Theo giới thiệu, JobHopin sử dụng AI và machine learning để tự động hóa quy trình tuyển dụng. JobHopin cho biết họ đã tăng trưởng hơn 300% doanh thu hàng năm kể từ năm 2018 và dự kiến sẽ đạt được lợi nhuận tại thị trường Việt Nam vào đầu năm 2021.
Lãnh đạo startup này từng tự hào chia sẻ có hơn 2.000 khách hàng doanh nghiệp tại thời điểm năm 2020. Khi các doanh nghiệp upload CV của ứng viên lên ứng dụng, ứng dụng sẽ tự động phân tích ứng viên này phù hợp với công việc gì nhất và những kỹ năng, mong muốn nghề nghiệp của ứng viên đó phù hợp bao nhiêu % với tiêu chí của nhà tuyển dụng.
"Ngành tuyển dụng đã sống sót qua các cuộc chiến tranh thế giới. Nó đã sống qua những suy thoái kinh tế, và một điều bạn sẽ thấy qua quá trình tạo ra thế hệ này là: các doanh nghiệp phát triển mạnh hay thất bại tất cả phụ thuộc vào con người của họ", Kevin Tung Nguyen, Founder của JobHopin nói.
LỖ LIÊN TỤC VỚI TỔNG SỐ 115 TỶ
Theo công bố thông tin về kết quả kinh doanh trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, năm 2023, CTCP Doanh nghiệp Xã hội Ivy Care lỗ sau thuế gần 33 tỷ đồng, năm 2022 cũng lỗ hơn 25 tỷ đồng và năm 2021 lỗ 33 tỷ đồng. Với tình hình thua lỗ trên, đến tháng 12/2023, vốn chủ sở hữu Công ty tiếp tục giảm xuống còn 48 tỷ đồng. Tại thời điểm này, vốn điều lệ của công ty là 163,3 tỷ đồng nên ước tính lỗ luỹ kế tối thiểu 115 tỷ đồng.
Theo nguồn tin chúng tôi có được, năm 2019-2020, Ivy Care lỗ lần lượt là 2 tỷ và 21 tỷ đồng. Tổng lỗ từ 2019 - 2033 là 115 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2023, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu 0,82 lần, tương đương tổng nợ phải trả Công ty hiện vào mức 39 tỷ đồng, dư nợ trái phiếu là 37,5 tỷ đồng.
Tình hình năm 2022-2023
Tri Túc