Kênh đầu tư nào mang lại hiệu quả trong năm 2025?

Năm 2025 sẽ mang đến những nhiều cơ hội và thách thức khi nền kinh tế vẫn đang trong thời gian phục hồi và có nhiều biến động bất ngờ. Do đó, việc lựa chọn kênh đầu tư hiệu quả và an toàn vẫn là một bài toán cần lời giải đối với nhà đầu tư.

Năm 2025 mở ra trong bối cảnh đầy bất ổn với những diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Xung đột địa chính trị chưa có dấu hiệu lắng dịu, và chính sách khó đoán định từ chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục đặt ra nhiều thách thức. Trong khi đó, xu hướng giảm lãi suất toàn cầu vẫn tiếp diễn nhưng chậm hơn kỳ vọng.

Trong nước, Việt Nam được kỳ vọng bước vào giai đoạn tăng trưởng bứt phá nhờ những nỗ lực cải cách thể chế và các động lực kinh tế mới. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức rất cao, với trọng tâm là thúc đẩy đầu tư công và thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.

Cũng trong năm 2025, các chuyên gia kinh tế đánh giá sẽ có nhiều kênh đầu tư hấp dẫn. Do đó, ngay từ những ngày đầu năm là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư phân tích tài sản một cách khoa học để nhìn rõ hiện trạng, đồng thời cân đối phân bổ các kênh đầu tư hợp lý.

Vàng có thể bước vào giai đoạn "ngủ đông"

Năm 2024, để ổn định thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã mở đấu thầu vàng miếng vào cuối tháng 4, nhưng diễn biến giá lại tiếp tục căng thẳng khi đạt mức cao nhất mọi thời đại 92,5 triệu đồng/lượng vào phiên ngày 10/5. Vàng trở thành kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời vượt xa gửi tiết kiệm ngân hàng, chứng khoán… Chênh lệch với giá thế giới neo ở mức cao, có thời điểm hơn 20 triệu đồng/lượng.

Đã có 6 phiên đấu thầu vàng thành công trong tổng số 9 phiên đấu thầu, với hơn 48.000 lượng vàng miếng được nhà điều hành tung ra thị trường. Tuy nhiên, giải pháp này không đạt được mục tiêu thu hẹp chênh lệch vàng miếng trong nước và thế giới.

Kênh đầu tư nào mang lại hiệu quả trong năm 2025?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Sau đó, nhà chức trách dừng đấu thầu và chuyển sang bán trực tiếp vàng "bình ổn" qua 4 ngân hàng quốc doanh (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) và Công ty SJC vào đầu tháng 6. Từ đó, kim loại quý trong nước "đổ đèo", trải qua nhiều phiên tăng - giảm về mức như hiện tại.

Vàng trong nước và thế giới hiện chỉ còn chênh 3-5 triệu đồng mỗi lượng, tùy thời điểm. Việc thu hẹp chênh lệch giữa giá đạt được, song lại xuất hiện tình trạng mua vàng khó, từ đó có hiện tượng giá vàng nhẫn có thời điểm vượt vàng miếng.

Đà tăng của kim loại quý năm vừa rồi được thúc đẩy với nhiều yếu tố, từ nguồn cung eo hẹp của thị trường trong nước, nhu cầu tăng lên trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm giảm cho tới sự cộng hưởng với giá thế giới khi thị trường quốc tế có nhiều phiên lập kỷ lục sau những bất ổn địa chính trị, quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương hay Mỹ bầu cử Tổng thống.

Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho rằng nếu tình hình thị trường giữ nguyên như hiện tại, giá vàng 2025 sẽ tăng chậm hơn năm 2024.

Do đó, đây là kênh đầu tư cần được cân nhắc kỹ lưỡng và chỉ nên phân bổ một phần vừa phải trong danh mục tài sản.

Gửi tiết kiệm - kênh đầu tư an toàn

Năm 2023, sau 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng bước vào "cuộc đua" giảm lãi suất huy động. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng từ mức đỉnh 10-12,5%/năm thời điểm đầu năm được điều chỉnh xuống chỉ còn 5% trước khi năm 2023 khép lại.

Sang năm 2024, làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu mạnh lên từ đầu tháng 4. Thời điểm đó, lãi suất cao nhất hệ thống cho kỳ hạn 12 tháng chỉ quanh 5%/năm nhưng đến cuối năm, các ngân hàng đã bắt đầu trả lãi suất từ 6%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng, tuy nhiên đa phần là ngân hàng quy mô vừa, nhỏ.

Kênh đầu tư nào mang lại hiệu quả trong năm 2025?- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Các ngân hàng tư nhân có nhiều lần điều chỉnh lãi suất. Còn nhóm 4 ngân hàng thương mại quốc doanh hiếm khi thay đổi lãi suất huy động trong năm qua. Thậm chí, lần gần nhất, Vietcombank cập nhật lãi suất huy động đã diễn ra cách đây tròn 9 tháng (1/4/2024).

Chỉ riêng tháng 12/2024, 12 ngân hàng tăng lãi suất huy động, gồm: Techcombank, BVBank, CBBank, DongA Bank, VPBank, VIB, OCB, MSB, GPBank, TPBank, ABBank và IVB. Trong đó, ABBank là ngân hàng đầu tiên tăng lãi suất 2 lần trong tháng.

Dù vậy, đây vẫn là sự lựa chọn phổ biến nhờ mức độ rủi ro thấp, phù hợp với phần lớn nhà đầu tư có xu hướng ưu tiên sự an toàn.

Dự báo cho thấy lãi suất huy động trong nước có thể tăng nhẹ trong quý I/2025, nhưng bình quân lãi suất kỳ hạn 12 tháng khó vượt qua mức 7%/năm, do xu hướng chung của lãi suất toàn cầu đang giảm.

Dù khả năng sinh lợi có thể cải thiện đôi chút trong nửa đầu năm, kênh tiết kiệm vẫn khó tạo ra lợi nhuận đột phá và chủ yếu phù hợp với những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp.

Thị trường chứng khoán chưa thể bứt phá ngay

Năm 2024, VN-Index cải thiện khi tâm lý thị trường dần lạc quan, tăng 12,1% so với đầu năm, ở mức 1.266,78 điểm, đánh dấu hai năm liên tiếp tăng điểm (năm 2023 tăng 12,2%).

VN-Index đang giao dịch ở mức P/E khoảng 13 lần, đây là mức tương đối thấp so với trung bình quá khứ. Với kỳ vọng lợi nhuận thị trường trong quý IV/2024 tăng khoảng 15% so với cùng kỳ, P/E dự phóng của VN-Index chỉ còn khoảng 12 lần. Chuyên gia cho rằng đây là mức hấp dẫn nếu như so với mặt bằng định giá trong quá khứ và các nước trong khu vực.

Kênh đầu tư nào mang lại hiệu quả trong năm 2025?- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Nhiều dự báo về thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 14-15% trong năm 2025, nhưng kèm theo những biến động mạnh. Động lực tăng trưởng đến từ sự phát triển kinh tế và kỳ vọng về việc thị trường được FTSE Russell nâng hạng vào tháng 9-2025.

Do đó, xu hướng tăng trưởng của thị trường còn có thể được kỳ vọng xa hơn nữa, nhưng đây là kênh đầu tư phù hợp với những nhà đầu tư có kinh nghiệm và khả năng chịu rủi ro.

Bất động sản - kênh đầu tư tiềm năng

Nhìn ở góc độ rộng khi cơ sở hạ tầng được kết nối, bất động sản là kênh đầu tư có nhiều tiềm năng. Kênh đầu tư này được cho là có tiềm năng trong bối cảnh các phân khúc, thị trường phục hồi rõ rệt hơn, đặc biệt tại khu vực phía Bắc.

Trong năm 2024, thị trường bất động sản đã liên tiếp đón tin vui khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng 2024, được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành sớm hơn 5 tháng (từ ngày 1/8/2024, thay vì 1/1/2025), đã thể chế nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, phát triển nhà ở.

Kênh đầu tư nào mang lại hiệu quả trong năm 2025?- Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Trong thời gian tới, nếu các yếu tố như chính sách pháp lý, tài chính và đầu tư công tiếp tục được cải thiện, thị trường bất động sản nhiều khả năng sẽ tiếp tục “tăng nhiệt” trong năm 2025.

Nhiều dự án đang dần được tháo gỡ pháp lý và sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ. Ngoài ra, ở một số khu vực chưa nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư sẽ trở thành khu vực tiềm năng có hiệu suất đầu tư cao.

Tuy nhiên, sự phục hồi vẫn sẽ tiếp tục phân hóa và có thể xảy ra những rủi ro do các tồn đọng cũ cần thời gian xử lý. Vì vậy, năm 2025 có thể là giai đoạn xác nhận cho chu kỳ tăng trưởng mới, nhưng chưa phải thời điểm lý tưởng để mang lại lợi nhuận cao.

Khánh Hân (t/h)

Đặng Thị Quỳnh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/kenh-dau-tu-nao-mang-lai-hieu-qua-trong-nam-2025-205250123013729653.htm