Theo báo cáo tổng quan Thị trường sàn bán lẻ trực tuyến của Metric, trong quý I/2025, người tiêu dùng Việt Nam đã đặt mua hơn 80,6 triệu sản phẩm từ các nhà bán quốc tế trên nền tảng Shopee. Tuy nhiên, điều gây bất ngờ là giá trị trung bình cho mỗi sản phẩm chỉ rơi vào khoảng 45.206 đồng – tương đương chưa đến 2 USD. Đáng chú ý, mức giá này đã bao gồm cả chi phí vận chuyển hoặc được miễn phí ship nhờ chính sách hỗ trợ từ nền tảng, dù nhiều đơn hàng chỉ có duy nhất một món đồ giá rẻ.
Điều này cho thấy sự hấp dẫn rất lớn của hàng nhập khẩu đối với nhóm khách hàng săn giá tốt, đồng thời phản ánh sự đầu tư mạnh mẽ của các nền tảng TMĐT trong việc hỗ trợ người bán quốc tế tiếp cận thị trường Việt Nam.
Dù chỉ chiếm 5,9% tổng doanh số trên Shopee, nhóm hàng nhập khẩu đang cho thấy đà tăng trưởng đáng kể. Doanh số đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng cũng tăng 7,18%, cho thấy mức tiêu thụ ổn định và sức hút không nhỏ từ các mặt hàng giá rẻ, mẫu mã đa dạng đến từ các nhà cung cấp quốc tế.
Người tiêu dùng dường như có xu hướng "săn" các mặt hàng nhập khẩu với số lượng lớn nhưng giá trị từng đơn hàng thấp, điều này phản ánh thói quen mua sắm tiết kiệm, ưu tiên giá rẻ của một bộ phận khách hàng trên nền tảng thương mại điện tử.
Xu hướng này cũng đang gia tăng áp lực cạnh tranh cho các nhà bán nội địa – vốn đang nắm giữ đến 94,2% thị phần – buộc họ phải cân nhắc lại về chất lượng, chiến lược định giá, cũng như tối ưu chi phí logistics nếu muốn giữ vững vị thế. Trong bối cảnh người dùng ngày càng nhạy cảm với giá, lợi thế "địa phương" như tốc độ giao hàng hay khả năng đổi trả dễ dàng sẽ là yếu tố then chốt để nhà bán trong nước duy trì thị phần trước làn sóng hàng quốc tế giá rẻ.
Bên cạnh đó, dữ liệu từ nền tảng Shopee cho thấy, các kho hàng trong nước vẫn đang tập trung mạnh tại Hà Nội và TP.HCM, chiếm đến 81% tổng doanh số. Cụ thể, Hà Nội chiếm 45%, còn TP.HCM nắm 36%.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là một số địa phương khác như Bình Dương, Đà Nẵng, Nam Định đang ghi nhận mức tăng trưởng đột phá về doanh số và sản lượng. Bình Dương dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng doanh số, đạt mức 122,1%, theo sau là Hải Dương với 80,3% và Đà Nẵng là 48,8%. Về sản lượng, mức tăng trưởng mạnh nhất ghi nhận tại Bình Dương với 79,46% và Nam Định là 31,78%.
Điều này cho thấy các nhà bán đang dần chuyển dịch chiến lược vận hành kho ra ngoài các trung tâm truyền thống để giảm chi phí logistics và tối ưu khả năng tiếp cận người dùng ở vùng ven. Sự phân tán hợp lý hệ thống kho hàng giúp cải thiện tốc độ giao hàng và mở rộng vùng phủ sóng bán lẻ, nhất là trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng bùng nổ ở các địa phương.
Thúy Hạnh
Đàm Thị Thuý Vân