Khi GenZ dạy lãnh đạo cách lãnh đạo, TS ở RMIT nói: Đã đến lúc vượt khỏi tư duy lãnh đạo một chiều từ trên xuống

Mentoring ngược, mô hình nơi nhân viên trẻ đóng vai trò cố vấn cho cấp lãnh đạo – đang dần trở thành chiến lược phát triển nhân sự tại các tổ chức hiện đại. Khi hành vi người lao động thay đổi và chuyển đổi số tăng tốc, chính những nhân viên thuộc thế hệ Gen Z và Millennials lại là người giúp tổ chức thích nghi nhanh hơn với thực tế mới.

"Nhân viên trẻ không phải là mối nguy, mà là tài sản chiến lược", Tiến sĩ Erhan Atay, giảng viên ngành Quản trị nhân sự tại RMIT Việt Nam, khẳng định. 

Theo ông, người trẻ có sự nhạy bén về công nghệ, hiểu hành vi người tiêu dùng hiện đại, đồng thời mang theo hệ giá trị mới mẻ: minh bạch, đa dạng và đề cao cân bằng cuộc sống và công việc. Những điều này, nếu được nhìn nhận đúng cách, sẽ giúp tái cấu trúc tư duy lãnh đạo trong các doanh nghiệp.

Mentoring ngược (reverse mentoring) là mô hình được khởi xướng từ cuối thập niên 1990 bởi cựu CEO General Electric Jack Welch. Thay vì cấp trên "cầm tay chỉ việc", chính người trẻ lại là người cố vấn cho lãnh đạo cấp cao trong các lĩnh vực như nền tảng số, mạng xã hội, xu hướng tiêu dùng và trải nghiệm người dùng. Đây là một hình thức trao đổi hai chiều, nơi cả hai phía là người đi trước và thế hệ mới cùng học hỏi và cùng phát triển.

Tiến sĩ Divya Juneja, cũng đến từ RMIT, cho rằng: "Mentoring ngược không phải là việc điều chỉnh góc nhìn của một phía, mà là để kết nối những góc nhìn khác biệt nhằm cùng tiến về phía trước". 

Khi người trẻ dạy lãnh đạo cách lãnh đạo, TS ở RMIT nói: Đã đến lúc vượt khỏi tư duy lãnh đạo một chiều từ trên xuống - Ảnh 1.

Bà nhấn mạnh rằng trong môi trường cởi mở và có cấu trúc rõ ràng, mô hình này sẽ tạo ra cơ hội phát triển thực chất cả về năng lực chuyên môn lẫn tư duy lãnh đạo cho mọi người tham gia.

Tại Mỹ, theo khảo sát của Deloitte năm 2024, 69% doanh nghiệp vừa đã triển khai mentoring ngược, và 72% có kế hoạch mở rộng. Mô hình này không chỉ giúp lãnh đạo nắm bắt nhanh công nghệ và tư duy số, mà còn tạo cơ hội cho người trẻ tham gia hoạch định chiến lược, tăng sự gắn bó và phát triển kỹ năng lãnh đạo sớm. Một nghiên cứu tại BNY Mellon Pershing cho thấy, tỷ lệ giữ chân nhân sự trong chương trình mentoring ngược đạt tới 96%, phần lớn nhờ cảm giác "được ghi nhận và tạo ảnh hưởng".

Theo Tiến sĩ Juneja, nhiều bạn trẻ ban đầu lo ngại không biết làm sao để góp ý với cấp trên mà vẫn thể hiện được sự tôn trọng. Tuy nhiên, chính điều đó lại giúp họ rèn luyện kỹ năng lãnh đạo bằng thấu cảm và giao tiếp linh hoạt, những yếu tố quan trọng trong môi trường làm việc hiện đại, nơi quyền lực không còn là công cụ duy nhất để dẫn dắt đội nhóm.

Tại Việt Nam, mentoring ngược vẫn còn rất mới. Rào cản lớn nhất đến từ chính văn hóa doanh nghiệp – nơi tuổi tác và cấp bậc vẫn chi phối mạnh mẽ cách vận hành. 

"Doanh nghiệp Việt chưa khai thác hết tiềm năng của lực lượng lao động trẻ. Khi còn coi tiếng nói của người trẻ là liều lĩnh thay vì chiến lược, họ sẽ bỏ lỡ lợi thế cạnh tranh dài hạn", TS. Atay nhận định.

Mentoring ngược, nếu được áp dụng đúng cách, không chỉ là một công cụ quản trị nhân sự. Nó là lời tuyên ngôn cho một thế hệ lãnh đạo mới. Linh hoạt hơn, thấu cảm hơn và sẵn sàng học hỏi từ bất kỳ vị trí nào trong tổ chức. Việc học không còn là đặc quyền của người trẻ hay trách nhiệm của người giàu kinh nghiệm. Nó là nỗ lực hai chiều, liên tục và chủ động.

"Đã đến lúc vượt khỏi tư duy lãnh đạo một chiều từ trên xuống và khai thác trí tuệ tiềm ẩn từ những vị trí thấp nhất trong tổ chức", TS. Atay nói.

Kỳ Thư

Đàm Thị Thuý Vân

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/khi-genz-day-lanh-dao-cach-lanh-dao-ts-o-rmit-noi-da-den-luc-vuot-khoi-tu-duy-lanh-dao-mot-chieu-tu-tren-xuong-205250728142006685.htm