CTCP Đầu tư và Thương mại TNH (Mã: TNG) vừa công bố doanh thu tiêu thụ tháng 10 đạt 570 tỷ đồng, giảm 5% so với tháng 9, tăng nhẹ 1 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 10 tháng đầu năm 2023, doanh thu của TNG đạt 6.007 tỷ đồng, hoành thành 88% chỉ tiêu kinh doanh của năm và tăng 178 tỷ đồng, tương ứng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, TNG cho biết số lượng lớn các đơn hàng công ty thực hiện có đơn giá giảm trong khi chi phí trả cho người lao động vẫn phải đảm bảo, chi phí sản xuất kinh doanh không giảm, dẫn đến lợi nhuận sau thuế quý III giảm tới hơn 34% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của TNG là 171 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ. Mặc dù kết quả kinh doanh của công ty đi lùi và lợi nhuận mới chỉ hoàn thành được 59% kế hoạch năm, tuy nhiên so với bức tranh chung của ngành, TNG còn khá tươi sáng.
Năm 2020, Việt Nam vượt qua Bangladesh trở thành nhà xuất khẩu may mặc lớn thứ 2 thế giới, theo thống kê từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày đã phải thu hẹp sản xuất do tác động kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát tăng cao ở Mỹ, Anh, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... làm giảm nhu cầu về hàng dệt may dẫn đến thiếu đơn hàng, giá gia công giảm mạnh.
Theo ông Cao Hữu Hiếu - Tổng giám đốc Vinatex, 9 tháng của năm 2023 là 9 tháng khó khăn nhất trong lịch sử hoạt động của Vinatex. Ngay cả trong giai đoạn dịch COVID-19 cũng không căng thẳng như hiện tại.
Một loạt những tên tuổi tiếng tăm trong lĩnh vực dệt may như Hòa Thọ, May Hưng Yên, TCM, Sợi Thế Kỷ, Dệt may Huế, May Nhà Bè... đều báo kết quả kinh doanh đi lùi. Thậm chí, trước bài toán cân đối chi phí, khi càng làm càng lỗ, có những doanh nghiệp dệt may lớn đã chọn cách dừng sản xuất để bảo toàn vốn cho cổ đông. Chẳng hạn như Garmex Sài Gòn, doanh nghiệp may mặc từng có tới 4.000 công nhân, 5 nhà máy, nay chỉ còn vỏn vẹn 35 người.
TNG là một Công ty dệt may có quy mô lớn và lịch sử phát triển lâu đời gần 1/2 thế kỷ với với đội ngũ công nhân có tay nghề cao và hệ thống máy móc dây chuyền hiện đại.
Ngành nghề sản xuất kinh doanh cốt lõi của TNG là sản xuất hàng may mặc xuất khẩu với các Khách hàng là các nhà bán lẻ có thương hiệu lớn như Decathlon, Columbia TCP, H&M, The Children’s Place, Capital, Itochu, Cahard, John New York,... Các khách hàng này đều cam kết đặt hàng lâu dài, ổn định với Công ty và đều đề nghị TNG tăng thêm sản lượng hàng năm.
Hầu hết các Nhà máy hoạt động của TNG đều đóng quân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là nơi tập trung các trường Đại học lớn của khu vực, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 100 km, cách cảng Hải Phòng 200 km, tạo cơ hội cho TNG tiếp cận nguồn nhân lực có chất lượng cao, thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa.
Năm 2022, TNG vừa đạt kỷ lục doanh thu và lợi nhuận cao nhất từ khi thành lập và vươn lên thành công ty đứng thứ 2 trong ngành dệt may Việt Nam (không tính các DN FDI).
Năm 2023, TNG đặt mục tiêu doanh thu 6.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng. Công ty cũng dự kiến tăng thêm 15% lượng lao động, nâng tổng số lao động lên 20.000 người với mức thu nhập bình quân tăng 5,3% so với năm 2022, lên 10 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, TNG cũng định hướng tăng cường chủ động cung cấp nguyên phụ liệu và chuyển dần sang làm mẫu phát triển để tăng giá trị lợi nhuận trên sản phẩm.
Trọng Nghĩa