Khối ngoại chi nghìn tỷ sở hữu 14% cổ phần Saigonbank, cơ cấu cổ đông tiếp tục xáo trộn

Cổ phiếu SGB ghi nhận phiên giao dịch khủng thứ hai kể từ đầu tháng khi khối ngoại chi 1.000 tỷ đồng mua ròng 44 triệu cổ phiếu bằng phương thức thỏa thuận, tương đương 14,3% cổ phần tại Saigonbank.

Cổ phiếu SGB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) tiếp tục ghi nhận phiên giao dịch khủng thứ hai kể từ đầu tháng 8. Cụ thể, ngày 8/8, đã có tổng số 58,1 triệu cổ phiếu SGB được "sang tay", giá trị hơn 1.400 tỷ đồng và chiếm gần 19% vốn cổ phần Saigonbank.

Đáng chú ý, trong số đó khối ngoại đã mua ròng 44 triệu cổ phiếu SGB trên sàn UPCoM, thông qua giao dịch thỏa thuận. Ước tính giá trị giao dịch khoảng 1.000 tỷ đồng, tương đương 14,3% cổ phần tại Saigonbank. Qua đó, khối ngoại đã nâng sở hữu tại ngân hàng này lên 14,8%.

Dù có khối lượng giao dịch khủng nhưng diễn biến giá SGB trong phiên 8/8 lại giảm 7,83% xuống còn 20.000 đồng/cổ phiếu.

SGB đang được giao dịch trên sàn UPCoM, thường có thanh khoản rất thấp, chỉ vài trăm triệu đồng/phiên. Tuy nhiên, gần đây, cổ phiếu SGB là một trong những mã cổ phiếu ngân hàng gây chú ý khi ghi nhận khối lượng giao dịch đột biến.

khoi-ngoai-chi-nghin-ty-so-huu-14-co-phan-saigonbank-co-cau-co-dong-tiep-tuc-xao-tron-1691557093.png
Cổ phiếu SGB ghi nhận hai phiên giao dịch khủng từ đầu tháng 8. Ảnh minh họa

Trước đó, ngày 1/8, đã có hơn 58,7 triệu cổ phiếu (tương đương gần 19,1% vốn) được giao dịch theo phương thức thỏa thuận. Tổng giá trị giao dịch lên tới hơn 863 tỷ đồng. Hiện, danh tính của bên mua chưa được hé lộ.

Cùng với giao dịch đột biến, thị giá SGB cũng biến động mạnh. Tạm tính trong 1 tháng qua, SGB tăng gần 56% từ mức 13.200 đồng/cổ phiếu (phiên 7/7) lên mức 20.500 đồng/cổ phiếu (phiên 7/8).

Cổ phiếu SGB "nổi sóng" gần đây được cho là "điềm báo" về xáo trộn cơ cấu cổ đông Saigonbank trong tương lai. Hiện cổ đông lớn nhất của Saigonbank là Văn phòng Thành ủy TP. Hồ Chí Minh sở hữu 18,18%. Tiếp đến, Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận sở hữu 16,6%. Ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch HĐQT ngân hàng đang là đại diện phần vốn góp của 2 cổ đông này.

Các cổ đông lớn khác gồm: Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (14%) và Công ty TNHH MTV Du lịch TM Kỳ Hòa (16,3%). Cả hai cổ đông này đều được đại diện vốn góp bởi bà Trần Thị Phương Khanh, thành viên HĐQT Saigonbank.

SaigonBank là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên của Việt Nam, hiện có quy mô tổng tài sản 26.848,6 tỷ đồng - thuộc top thấp nhất trong hệ thống ngân hàng. 

Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2023 của Saigonbank ở mức 183 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ và nằm trong nhóm có lợi nhuận thấp nhất trong số những ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính.

Ngân hàng này cũng có biến động nhân sự cấp cao đầu năm khi công bố thông tin bất thường về việc ông Nguyễn Cao Trí không còn là thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2019-2024 kể từ ngày 19/1.

Văn bản cho biết, ông Nguyễn Cao Trí "đương nhiên mất tư cách", không còn là thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương kể từ ngày 19/1/2023 theo quy định tại Điều 35 Luật các Tổ chức tín dụng (đã sửa đổi, bổ sung).

Theo báo cáo quản trị của Saigonbank, ông Trí tham gia vào HĐQT SaigonBank 10/2021 sau khi mua 579.199 cổ phiếu SGB (tương đương 0,19% vốn điều lệ) từ tháng 6/2021. Ông Trí và những cá nhân, tổ chức liên quan chỉ sở hữu 579.199 cổ phiếu SGB tại thời điểm ngày 31/12/2022, tương đương tỷ lệ sở hữu 0,188%.

Hiện HĐQT Saigonbank còn 5 người. Đó là ông Vũ Quang Lãm, ông Trần Thanh Giang, bà Trần Thị Phương Khanh, ông Trần Quốc Thanh và bà Phạm Thị Kim Lệ. 

Hà Ly (t/h)

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/khoi-ngoai-chi-nghin-ty-so-huu-14-co-phan-saigonbank-co-cau-co-dong-tiep-tuc-xao-tron-2053314.htm