Các thương vụ đấu giá đất "đình đám" đang hâm nóng câu chuyện về bất động sản thời gian gần đây. Không chỉ trên bàn giấy, thị trường bất động sản dân dụng và ngành xây dựng nhìn chung cũng đang có những tín hiệu khởi sắc hơn và được kỳ vọng sẽ tiếp tục hồi phục từ nửa sau của năm 2024.
Theo KBSV, số lượng dự án bất động sản được cấp phép xây dựng mới và quay trở lại xây dựng trong nửa cuối 2024 sẽ cải thiện so với nửa đầu năm. Bên cạnh đó, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) được áp dụng sẽ rút ngắn thời gian hoàn thiện pháp lý các dự án, cải thiện nguồn cung, tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển bền vững hơn.
Thị trường bất động sản hồi phục được kỳ vọng sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ nhựa xây dựng nói chung và ống nhựa nói riêng cũng được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn từ nửa sau năm 2024 trở đi. KBSV cho rằng, tốc độ hồi phục nhanh hơn của nhu cầu vật liệu xây dựng trong nước là chỉ báo dẫn dắt cho nhu cầu tiêu thụ ống nhựa trong thời gian tới.
Với vị thế là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất ống nhựa với thị phần dẫn đầu tại thị trường nội địa, Nhựa Bình Minh (BMP) được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn từ xu hướng trên. Theo KBSV, sản lượng tiêu thụ nửa cuối năm của doanh nghiệp này có thể đạt 44.625 tấn, tăng 25% so với 6 tháng đầu năm.
Kỳ vọng biên lợi nhuận cao trong ngắn hạn nhờ giá đầu vào thấp
Trong ngắn hạn, Nhựa Bình Minh được kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện biên lãi gộp khi giá bột nhựa PVC duy trì ở vùng thấp do nhu cầu thấp tại Trung Quốc trong bối cảnh thị trường bất động sản tại quốc gia này chưa hồi phục. KBSV chorằng giá nguyên vật liệu đầu vào của Nhựa Bình Minh có thể tiếp tục duy trì ở mức thấp trong 6-9 tháng tới đây.
Tuy nhiên, xu hướng này sẽ khó duy trì trong dài hạn khi ngành bất động sản tại Trung Quốc được dự báo sẽ dần hồi phục mạnh hơn từ 2025, cùng với đó là rủi ro địa chính trị duy trì ở mức cao. Bên cạnh đó, việc gia tăng chiết khấu cơ bản cho đại lý để cải thiện doanh thu có thể sẽ ảnh hưởng đến biên lãi gộp của Nhựa Bình Minh.
So sánh với các đối thủ, chiến lược kinh doanh của Nhựa Bình Minh tập trung vào việc duy trì hiệu quả sinh lời của hoạt động kinh doanh trong bối cảnh ngành ống nhựa nội địa hiện tại đã bão hòa và các đối thủ khác đang duy trì sức cạnh tranh bằng các chương trình chiết khấu cơ bản lớn cho các đại lý.
Trong lịch sử, tỷ lệ chi phí chiết khấu của Nhựa Bình Minh cho các kênh phân phối có xu hướng thấp hơn các đối thủ trong ngành, giúp tối ưu hiệu quả sinh lời. KBSV cho rằng chi phí bán hàng có thể gia tăng do Nhựa Bình Minh đẩy mạnh chương trình bán hàng với các đại lý nhằm gia tăng doanh thu khi nhu cầu tiêu thụ quay trở lại
Tiếp tục dốc hầu bao chia cổ tức
Một điểm đáng chú ý khiến Nhựa Bình Minh hấp dẫn nhà đầu tư là chính sách cổ tức ở mức cao trong nhiều năm. 5 năm gần nhất, doanh nghiệp này đều "dốc" gần như toàn bộ lợi nhuận để chi trả cổ tức. Năm 2023, cổ đông của Nhựa Bình Minh còn nhận được cổ tức bằng tiền cao kỷ lục với tổng tỷ lệ 126% sau 2 đợt.
KBSV kỳ vọng chính sách trả cổ tức của Nhựa Bình Minh sẽ tiếp tục được duy trì ở mức trung bình 97% lợi nhuận sau thuế trong tương lai. Lợi suất cổ tức tiền mặt 2024/2025 ước tính đạt 11,6%/11,2%. Điều này có được nhờ cơ cấu tài sản lành mạnh, hiệu quả kinh doanh ở mức cao trong 2024/2025 với biên lãi ròng dự phóng đạt 21,5%/18,2%.
Mặt khác, Nhựa Bình Minh sẽ phải đối mặt với rủi ro mất thị phần khi tập trung ưu tiên duy trì hiệu quả sinh lời ở mức cao nhằm gia tăng cổ tức tiền mặt, khiến cho chính sách chiết khấu của doanh nghiệp thường kém cạnh tranh hơn so với Nhựa Tiền Phong (NTP), Hoa Sen Group (HSG).
KBSV cho rằng, trong dài hạn, việc tiếp tục duy trì các chương trình chiết khấu ở mức thấp sẽ khiến thị phần của Nhựa Bình Minh suy giảm, có thể tác động trực tiếp lên doanh thu trong bối cảnh thị trường ống nhựa vốn đã bão hòa và đang gặp tình trạng dư cung.
C%E1%BB%99ng%20t%C3%A1c%20vi%C3%AAn