Tháng 12/2023, Cục Thuế tỉnh Hậu Giang đã quyết định cưỡng chế thuế CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro, mã chứng khoán: PSH) với số tiền nợ thuế hơn 1.159 tỷ đồng. Lý do bị cưỡng chế được phía Cục Thuế tỉnh Hậu Giang đưa ra là NSH Petro có tiền thuế nợ quá 90 ngày quy định. Thời gian thực hiện cưỡng chế thuế từ ngày 18/12/2023. Quyết định có hiệu lực thi hành trong vòng 1 năm kể từ ngày 18/12/2023 đến ngày 17/12.
Đồng thời, ngày 22/12/2023, Cục Thuế thành phố Cần Thơ đã ban hành quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hoá đơn đối với chi nhánh của NSH Petro tại Cần Thơ (Lô 2.7 KCN Trà Nóc, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ). Lý do bị cưỡng chế, chi nhánh của NSH Petro tại Cần Thơ có tiền thuế nợ quá 90 ngày quy định. Số tiền bị cưỡng chế hơn 92,5 tỷ đồng. Quyết định có hiệu lực thi hành trong vòng một năm kể từ ngày 22/12/2023 đến ngày 22/12.
Được biết, NSH Petro có địa chỉ tại ấp Phú Thạnh, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, được thành lập ngày 14/2/2012, vốn điều lệ hiện nay là hơn 1.261 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT là ông Mai Văn Huy. Theo cập nhật trên website, doanh nghiệp có 67 cửa hàng và 550 đại lý. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có nhà máy lọc hóa dầu công suất 700.000 lít thành phẩm/ngày, hệ thống 9 kho cầu cảng với tổng sức chưa hơn 500.000 m3.
Định hướng của doanh nghiệp năm nay là tập trung mảng bán với mục tiêu đạt 500 cây xăng trong tương lai, chiếm lĩnh thị phần. NSH Petro đã phát triển và trở thành công ty đại chúng sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận vào ngày 20/12/2019. Đến đầu năm 2020, hơn 126 triệu cổ phiếu PSH của công ty này đã được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Trong thời gần đây, không chỉ riêng NSH Petro mà nhiều doanh nghiệp xăng dầu đã bị "bêu tên" trong danh sách nợ thuế tại nhiều tỉnh thành. Số tiền nợ của một số doanh nghiệp có thể lên đến cả nghìn tỷ đồng.
Xuyên Việt Oil nợ hơn 1.500 tỷ đồng, một loạt nhân lãnh đạo bị khởi tố
Một trong những vụ việc doanh nghiệp trong ngành xăng dầu nợ thuế gây "chấn động" trong thời gian gần đây phải kể đến công ty Xuyên Việt Oil. Vụ việc này không chỉ đơn thuần dừng lại ở câu chuyện thuế mà lãnh đạo công ty cũng như một số vị quan chức đã bị khởi tố, bắt tạm giam.
Cụ thể, theo Cục Thuế TP.HCM, tính đến hết ngày 30/6/2023, Xuyên Việt Oil nợ 1.531 tỷ đồng tiền thuế, tức chiếm đến gần 19% tổng số nợ của địa phương này. Số tiền Quỹ Bình ổn xăng dầu hình thành tại doanh nghiệp này cũng là con số rất lớn, lên tới hàng trăm tỷ đồng. Sau thông tin chậm nộp thuế của công ty này, Bộ Công thương vào cuộc thanh tra doanh nghiệp và kết quả chỉ ra hàng loạt điểm bất thường.
Đáng chú ý, tháng 1/2020, Xuyên Việt Oil chỉ nợ ngân sách Nhà nước hơn 89,6 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường. Nhưng chỉ 3 năm sau, số nợ đã tăng lên hàng nghìn tỷ. Xuyên Việt Oil lý giải về tình trạng nợ thuế của mình là do thực tế đứt gãy nguồn cung xăng dầu tại TPHCM năm 2022 và sự thay đổi đột ngột chính sách tín dụng của ngân hàng khiến công ty không cân đối kịp nguồn tài chính để nộp các khoản thuế tới hạn theo quy định.
Không chỉ nợ thuế, cũng theo số liệu mà chúng tôi thu thập được, vào cuối tháng 8/2023, Xuyên Việt Oil có dư nợ gần 5.500 tỷ tại 4 ngân hàng trong nước, tất cả đều thuộc nhóm nợ xấu.
Theo tìm hiểu, Xuyên Việt Oil có trụ sở chính tại 465-467 Hai Bà Trưng, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM. Công ty này là 1 trong số gần 40 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn trên cả nước, được quyền xuất nhập khẩu xăng dầu, sở hữu 13 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu và 49 đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối.
Tháng 9/2023, Cơ quan ANĐT Bộ Công an khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", xảy ra tại Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan.
Theo cơ quan điều tra, Xuyên Việt Oil dùng nhiều "chiêu" để gian lận, qua mặt cơ quan quản lý trong kinh doanh xăng dầu. Đến ngày 21/12 vừa qua, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải bị bắt với cáo buộc có sai phạm trong vụ án liên quan đến Xuyên Việt Oil. Trước đó, ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài chính TP HCM và ông Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cũng bị khởi tố, tạm giam để điều tra liên quan vụ án tại doanh nghiệp này.
Về phía Xuyên Việt Oil, hai lãnh đạo công ty là Mai Thị Hồng Hạnh, sinh năm 1979, Giám đốc Xuyên Việt Oil và Nguyễn Thị Như Phương, sinh năm 1992, Phó Giám đốc cũng bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Đại gia xăng dầu Nghệ An nợ thuế gần 1.000 tỷ, bị cấm xuất cảnh
Ngày 27/12, Cục Thuế tỉnh Nghệ An cho biết vừa có thông báo về việc công khai danh sách người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước. Đứng đầu danh sách nợ thuế là CTCP Tập đoàn Thiên Minh Đức có địa chỉ tại số 2, đường Lê Mao, thành phố Vinh (Nghệ An) với số tiền nợ thuế lên đến 950 tỷ đồng. Công ty này do bà Chu Thị Thành (SN 1960, trú thành phố Vinh, Nghệ An) giữ chức Chủ tịch HĐQT và cũng là người đại diện pháp luật.
Cùng với đó, Cục Thuế tỉnh Nghệ An cũng đã có yêu cầu Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), tạm hoãn xuất cảnh với bà Chu Thị Thành, Chủ tịch Thiên Minh Đức.
Theo giới thiệu của tập đoàn này, lĩnh vực xăng dầu là trụ cột quan trọng làm nên tên tuổi của doanh nghiệp, khi là công ty đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu và khí hóa lỏng có quy mô lớn ở Bắc Trung Bộ. Năm 2022, Thiên Minh Đức có mạng lưới hệ thống phân phối 100 đại lý bán lẻ xăng dầu và khoảng 100 đơn vị mua hàng trực tiếp để phân phối trên toàn quốc, hệ thống cảng biển và kho chứa ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Riêng tại Nghệ An, tập đoàn Thiên Minh Đức sở hữu tổng kho xăng dầu lớn nhất Bắc Trung bộ. Tổng kho xăng dầu này có tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng và đi vào hoạt động từ năm 2019. Tại thành phố Vinh (Nghệ An), CTCP Trung Long (thuộc tập đoàn Thiên Minh Đức) là chủ đầu tư của công viên lớn nhất thành phố này.
Theo thông tin trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp, Thiên Minh Đức hiện có vốn điều lệ hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, bà Chu Thị Thành nắm 77,15% vốn; ông Chu Đăng Khoa hay còn được gọi "đại gia kim cương" là con trai bà Thành nắm 22,77% vốn và ông Vương Đình Quán nắm 0,08%.
Đại gia xăng dầu Thái Bình nợ hơn nghìn tỷ đồng tiền thuế
Vào cuối tháng 8/2023, Cục thuế tỉnh Thái Bình đã công bố việc công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) nợ tiền thuế và các khoản phải thu khác thuộc ngân sách Nhà nước trên 1.736 tỷ đồng tính đến 31/7/2023.
Ngày 30/8/2023, Cục Thuế tỉnh Thái Bình có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an về việc đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của Hải Hà Petro, hiện là bà Trần Tuyết Mai. Lý do tạm hoãn xuất cảnh, do doanh nghiệp này thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Thời gian tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 30/8/2023 đến khi doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Theo tìm hiểu, Hải Hà Petro là một công ty xăng dầu lớn khu vực miền Bắc, được cấp phép năm 2012. Theo giới thiệu, doanh nghiệp này hiện có 22 cửa hàng kinh doanh xăng dầu và 200 khách hàng là thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý mua bán tiêu thụ trực tiếp trên cả nước.
Không chỉ kinh doanh xăng dầu, Hải Hà Petro còn lấn sân sang các mảng kinh doanh khác như bất động sản, dược phẩm. Điển hình như thương vụ công ty này đã chi 250 tỷ đồng để thâu tóm 17,65% cổ phần của CTCP Dược phẩm Trung ương I - Pharbaco (PBC) vào năm 2020. Đến cuối năm 2022, Hải Hà Petro và hệ sinh thái của mình đã nắm giữ 65% cổ phần tại công ty dược phẩm này.
Bên cạnh số nợ thuế lên tới gần 1.800 tỷ đồng, HaiHa Petro cũng đang bị ngân hàng rao bán tài sản để xử lý nợ xấu.
Chiều 4/1, Thanh tra Chính phủ ban hành thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu. Theo đó, Thanh tra Chính phủ cho biết, hơn 5 năm, Bộ Công Thương đã cấp 37 giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu (không gồm 4 giấy phép kinh doanh xăng dầu hàng không) và 347 giấy phép làm thương nhân phân phối bán lẻ.
Một trong những điều kiện để được cấp phép doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, theo Nghị định 83/2014, là họ phải có kho, bể xăng dầu hoặc thuê từ đơn vị khác từ 5 năm trở lên. Việc này dẫn tới thực tế, doanh nghiệp, thương nhân phân phối thuê kho theo mùa vụ để được cấp giấy phép. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới vi phạm cấp phép của Bộ Công Thương, theo kết luận thanh tra.
Thực tế, sau khi được cấp phép nhiều thương nhân đầu mối đã không đảm bảo được hệ thống phân phối xăng dầu. Nhiều hợp đồng thuê kho, bể chứa không phát sinh gửi hàng, thanh lý hợp đồng... ảnh hưởng tới nguồn cung của thị trường.
"Bộ Công Thương đã thiếu kiểm tra, giám sát, quản lý lỏng lẻo và không kịp thời phát hiện các vi phạm trong duy trì điều kiện kho, bể chứa và hệ thống phân phối", kết luận thanh tra nêu.
Ngoài ra, việc quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng tồn tại nhiều bất cập. Theo kết quả thanh tra, cơ quan quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn đùn đẩy trách nhiệm; thiếu quy định, quy chế phối hợp, phân công nhiệm vụ giữa cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp (Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương) trong việc quản lý quỹ, kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện các quy định pháp luật đối với quỹ.
Theo kết quả thanh tra, số liệu từ Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho thấy, tại thời điểm 31/10/2022, một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu còn nợ, chưa nộp ngân sách nhà nước số tiền thuế bảo vệ môi trường hơn 6.323 tỷ đồng. Mặc dù còn nợ ngân sách Nhà nước tiền thuế bảo vệ môi trường nhưng một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã cho một số cá nhân vay, nợ để sử dụng vào mục đích cá nhân hàng nghìn tỷ đồng.
Trọng Hiếu