Ngày 25/12, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ra thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình điện theo quy hoạch điện VII và quy hoạch VII điều chỉnh.
Theo đó, TTCP đánh giá công tác quản lý thực hiện quy hoạch đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, giúp tăng sản lượng điện, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, cũng theo cơ quan thanh tra, vẫn có hàng loạt tồn tại, hạn chế, khuyết điểm và vi phạm liên quan đến việc bổ sung các dự án điện mặt trời, năng lượng tái tạo.
Đáng chú ý, tại kết luận này, TTCP đã chỉ ra nhiều sai phạm liên quan đến một số dự án thủy điện, điện mặt trời của Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group).
Tại phụ lục thông báo kết luận thanh tra tại tỉnh Ninh Thuận kèm theo thông báo số 3116 ngày 25/12/2023 của TTCP, TTCP cho biết, về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc 204 MW và Trung Nam Thuận Nam: Việc thẩm định năng lực tài chính nhà đầu tư Dự án ĐMT Trung Nam Thuận Bắc và Dự án ĐMT Trung Nam Thuận Nam chưa thực hiện đúng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2014; không đảm bảo năng lực tài chính theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 58 Luật Đất đai 2013, điểm c khoản 1 và điểm a, điểm b khoản 2 Điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ- CP ngày 15/5/2014.
Theo TTCP, trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Ninh Thuận, các cơ quan tham mưu có liên quan thuộc UBND tỉnh.
Được biết, Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc 204 MW nằm tại huyện Thuận Bắc (tỉnh Ninh Thuận), là dự án điện mặt trời đầu tiên của Trung Nam tại Ninh Thuận.
Dự án được hoàn thành sau gần 12 tháng thi công; sản lượng điện tối đa khoảng 450 triệu kWh/năm với hơn 700.000 tấm pin.
Liên quan đến Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc 204 MW, sau một thời gian bán điện, đến năm 2021, Công ty CP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) đã mua 49% cổ phần nhà máy này.
Sau khi hoàn tất chuyển nhượng 49% số cổ phần, phía Trung Nam cũng đã chuyển giao chức vụ Giám đốc Công ty CP Điện mặt trời Trung Nam cho ông Nguyễn Đăng Khoa - Phó Tổng Giám đốc ACIT.
Theo kết luận của TTCP, ngày 9/5/2014, Công ty Mua bán điện và Công ty CP Thủy điện Trung Nam đã ký hợp đồng mua bán điện với giá tạm tính là 1.740 đồng/kWh, cao hơn 757 đồng/kWh so với mức giá trần khung giá phát điện năm 2013.
Mặc dù sau đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề xuất thanh toán theo mức giá trần của từng năm, nhưng Bộ Công thương đã chấp thuận giá tạm thanh toán là 1.740 đồng/kWh, vượt khung giá quy định.
TTCP đánh giá, việc làm này là chưa đúng quy định của Luật Điện lực và Nghị định số 137/2013/NĐ-CP, theo đó, quy định giá mua điện không được vượt khung giá do Bộ Công Thương ban hành.
Cũng theo kết luận của cơ quan thanh tra, sau khi Chủ đầu tư phê duyệt quyết toán vốn đầu tư Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 2, Công ty Mua bán điện và Chủ đầu tư đàm phán lại nhưng giá mua điện vẫn vượt khung quy định là ngoài thẩm quyền phê duyệt hợp đồng của Cục Điều tiết điện lực. Tuy nhiên, Cục Điều tiết điện lực chưa thực hiện kiểm tra hợp đồng mua bán điện, báo cáo Bộ trưởng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền quy định tại khoản 6 Điều 23 Thông tư số 56 ngày 19/12/2014 của Bộ Công Thương.
Vẫn theo kết luận thanh tra, EVN và Công ty cổ phần Thủy điện Đồng Nai 2 chưa kịp thời báo cáo Cục Điều tiết điện lực để kiểm tra hợp đồng mua bán điện sau khi đàm phán và ký tắt Hợp đồng mua bán điện trên cơ sở quyết toán vốn đầu tư là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 23 Thông tư số 56/2014/TT-BCT ngày 19/12/2014, khoản 1 Điều 19 Thông tư số 57/2020/TT-BCT ngày 31/12/2020 của Bộ Công Thương.
TTCP đánh giá, vệc đàm phán giá điện trên cơ sở số liệu quyết toán vốn đầu tư do chủ đầu tư cung cấp, trong khi số liệu kiểm toán vốn đầu tư dự án do đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện thiếu tin cậy, do đó giá mua điện đang tạm thanh toán 1.740 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT) là chưa đảm bảo cơ sở pháp lý; nguyên nhân, lý do dẫn đến giá mua bán điện vượt khung quy định cần phải được Bộ Công Thương, EVN kiểm tra, xem xét để giá mua bán điện đảm bảo căn cứ, chính xác, khách quan theo quy định của pháp luật.
Từ những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm nêu trên dẫn đến, việc đàm phán, kiểm tra, phê duyệt, xử lý các vướng mắc về giá mua điện, hợp đồng mua bán điện của Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 2 diễn ra từ tháng 12/2008, đến nay chưa được giải quyết dứt điểm theo quy định của pháp luật và hợp đồng mua bán điện.
Theo TTCP, trách nhiệm thuộc về EVN, Cục Điều tiết điện lực và Bộ Công Thương.
Bạch Hiền