Theo Wall Street Journal (WSJ), kinh tế khó khăn đang khiến giới trẻ Mỹ ngày càng ngập trong nợ nần, chủ yếu là do giá thực phẩm, nhu yếu phẩm, tiền thuê nhà tăng cao. Đó là chưa kể đến khoản nợ học phí mà nhiều bạn trẻ ngày nay phải gồng mình kiếm tiền thanh toán.
Số liệu của TransUnion cho thấy bình quân mỗi bạn trẻ 22-24 tuổi đang nợ 2.834 USD, tương đương hơn 72 triệu đồng trong thẻ tín dụng vào quý IV/2023, cao hơn so với mức 2.248 USD cùng kỳ năm 2013.
Tờ WSJ nhận định những người trẻ có khoản nợ cao thường lệ thuộc vào thẻ tín dụng nhiều hơn, trễ hạn trả nợ nhiều hơn và phải ăn bám vào gia đình, bố mẹ khi bị mất việc. Chính điều này càng làm trì hoãn việc mua nhà và kết hôn của giới trẻ.
"Đây là thế hệ gặp áp lực tài chính gay gắt hơn so với thế hệ đi trước cách đây 10 năm", chuyên gia Charlie Wise của TransUnion thừa nhận.
Điều trớ trêu là dù tác giả Robert Kiyosaki của "Cha giàu, cha nghèo" hay nhà đầu tư Warren Buffett đã cảnh báo về kinh tế Mỹ nhưng giới trẻ vẫn không thoát được thói quen sống dựa vào thẻ tín dụng.
Tiền đâu?
Số liệu của Cục dự trữ liên bang (FED) chi nhánh New York cho thấy mức lương trung bình hàng năm của những sinh viên mới tốt nghiệp đại học là 60.000 USD vào năm 2023, không thay đổi nhiều so với mức 58.858 USD vào năm 2020.
Thế nhưng trong khi thu nhập không tăng, giá cả cuộc sống từ nhu yếu phẩm cho đến tiền thuê nhà, thường chiếm 1/3 mức lương bình quân hàng tháng của người lao động, lại tăng phi mã.
Nghiên cứu của hãng Rent cho thấy giá thuê nhà trung bình tại Mỹ vào tháng 1/2024 đạt 1.987 USD, tăng 22% trong 4 năm qua.
Chuyên gia kinh tế Scott Fulford tại Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB) cho biết khoảng 1/3 số hộ gia đình đang thuê nhà tại Mỹ hiện nay không còn quá trẻ hoặc thuộc diện có thu nhập thấp.
"Những người trẻ hiện nay có mức tài sản trung bình thấp hơn so với những tầng lớp khác. Thời gian qua lại càng đặc biệt khó khăn hơn nữa vì lạm phát tăng cao", ông Fulfold nói.
Cô Adriana Cubillo mới 26 tuổi đã chuyển đến căn hộ ở Thành phố Salt Lake cách đây hơn một năm với giá thuê là 1.000 USD. Tuy nhiên tiền thuê nhà đã tăng thêm 200 USD, khiến cô càng phải dựa dẫm vào thẻ tín dụng để chi tiêu cho nhu yếu phẩm, tiền gas sưởi ấm...
Hiện cô Cubillo đang nợ 1.500 USD trong thẻ tín dụng và thường thanh toán tối thiểu 50 USD/tháng để giữ thẻ kích hoạt.
Xin được nhắc rằng dù trả mức tối thiểu cho thẻ tín dụng nhưng ngân hàng vẫn tính lãi trên số dư nợ hàng tháng cộng dồn.
"Tôi tưởng mình đã sẵn sàng làm người trưởng thành, sống tự lập nhưng rồi nền kinh tế khó khăn đã cho thấy thực tế khắc nghiệt như thế nào", cô Cubillo nói.
Lối sống ‘quẹt thẻ’
Theo WSJ, các tổ chức tín dụng và ngân hàng đã nới lỏng điều kiện mở thẻ từ năm 2021 nhằm tận dụng làn sóng người Mỹ nhận được tiền hỗ trợ hậu đại dịch Covid-19 từ chính phủ.
Số liệu của VantageScore cho thấy giới trẻ Gen Z mở thẻ tín dụng với tốc độ nhanh hơn các thế hệ khác trong và hậu đại dịch. Gần 5% số người tiêu dùng dưới 27 tuổi tại Mỹ có ít nhất một thẻ tín dụng mở mới vào tháng 3/2020 khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành cao điểm.
Đồng quan điểm, TransUnion cho biết giới trẻ ngày nay chịu ảnh hưởng rất lớn từ thói quen tiêu dùng tín dụng của cha mẹ. Nhiều hộ gia đình còn ủy quyền thẻ tín dụng cho con cái sử dụng.
Chính điều này càng thúc đẩy tư tưởng "mua trước trả sau", vay thẻ tín dụng rồi làm việc trả nợ sau của giới trẻ Mỹ ngày nay.
Thêm vào đó, việc thiếu sự giáo dục của gia đình, nhà trường cũng như xã hội về quản lý chi tiêu, tài chính khiến ngày càng nhiều bạn trẻ lâm vào cảnh nợ nần để rồi bị khóa thẻ tín dụng và bị ngân hàng đòi nợ.
Trước năm 2022, việc FED giữ mức lãi suất thấp đã khiến xu thế "quẹt thẻ tín dụng" của giới trẻ Mỹ không có gì khó khăn. Công việc dồi dào với mức lợi tức không quá cao khiến lối sống hưởng thụ trở nên phổ biến.
Ngoài ra, mức thuế thừa kế cao ngất ngưởng cùng các khoản thuế đất khiến việc đầu cơ bất động sản hay tích tiền để lại cho con cháu không được ưa chuộng. Thay vào đó là xu hướng tiêu dùng, hưởng thụ và "quẹt thẻ".
Tuy nhiên kể từ khi FED nâng lãi suất kịch liệt vài năm trở lại đây, lạm phát tăng cao cùng nền kinh tế bất ổn sau hàng loạt vụ sa thải lao động ngành công nghệ đã khiến tình hình trở nên khó khăn hơn cho những người nợ nần.
Xin được nhắc rằng chính nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett trong Đại hội cổ đông thường niên mới đây cũng phải thừa nhận thị trường rủi ro và tích lượng lớn tiền mặt kỷ lục chứ không rót vốn đầu tư.
Tác giả Robert Kyosaki của "Cha giàu, cha nghèo" cũng liên tục khuyên người dân mua vàng, đừng tích tiền vì nền kinh tế Mỹ đang đối mặt khủng hoảng nợ chưa từng thấy.
Tuy nhiên có lẽ việc thoát khỏi thói quen dùng thẻ tín dụng chẳng hề dễ dàng khi những cám dỗ chi tiêu ngày nay là quá lớn, trong khi việc mở thẻ, quẹt thẻ lại quá đơn giản.
*Nguồn: WSJ
Băng Băng