Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Cục Hải quan, tháng 5/2025, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt hơn 616 triệu USD, tăng 17,8% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, nước ta thu về 2,3 tỷ USD từ xuất khẩu rau quả, giảm 13,5% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh trong thời gian vừa qua, nhất là khi mặt hàng sầu riêng bị ảnh hưởng bởi những quy định mới về kiểm dịch thực vật.
Ngoài sầu riêng và mít tốc độ xuất khẩu giảm so với mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, các chủng loại khác ghi nhận mức tăng trưởng khả quan. Tính chung 5 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng giảm 57,9%; thanh long giảm 0,9%, mít giảm 27,1%, trong khi kim ngạch xuất khẩu các chủng loại khác tăng khá mạnh.
Đáng chú ý, dừa trở thành điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong các tháng đầu năm nay nhờ nhu cầu từ các thị trường tăng, đẩy giá tăng cao. Xuất khẩu dừa đạt 43,6 triệu USD trong tháng 5, tăng 18% so với cùng kỳ. 5 tháng đầu năm, Việt Nam thu về 216 triệu USD, tăng tới hơn 40% so với cùng kỳ và trở thành mặt hàng rau quả xuất khẩu lớn thứ 3, sau sầu riêng và thanh long.
Giá dừa của Việt Nam đã tăng từ 1,21 USD/kg (31,6 nghìn đồng) năm 2022 lên đến 7,26 USD/kg (190 nghìn đồng) hiện nay, tức tăng gần gấp 6 lần.
Ngoài Việt Nam, giá dừa đang tăng vọt trên khắp thế giới khi điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại những quốc gia sản xuất hàng đầu làm gián đoạn nguồn cung, tác động trực tiếp đến nhiều ngành công nghiệp – từ thực phẩm, đồ uống đến mỹ phẩm.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương là trung tâm toàn cầu về trồng dừa, trong đó Philippines, Indonesia và Ấn Độ chiếm tới 70% sản lượng dừa. Theo các chuyên gia, tình trạng hạn hán kéo dài, mưa thất thường và bão nhiệt đới tại đây đã khiến sản lượng sụt giảm nghiêm trọng trong năm qua, làm đứt gãy chuỗi cung ứng và đẩy giá cả leo thang.
Thời gian qua, Việt Nam đã mở cửa được nhiều thị trường lớn cho trái dừa, trong đó có thị trường Trung Quốc và Mỹ đã tạo hiệu ứng domino, nhiều thị trường đã tăng cường tìm kiếm dừa Việt Nam.
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dừa và sản phẩm từ dừa của Việt Nam đạt gần 1,1 tỷ USD, riêng dừa tươi đóng góp 390 triệu USD. Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cả nước hiện có 200.000 ha dừa, sản lượng 2 triệu tấn một năm. Một phần ba diện tích đạt chuẩn hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu, chủ yếu tại miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long.
Trái dừa xiêm Bến Tre đã được cấp chỉ dẫn địa lý, với 133 mã số vùng trồng và hơn 8.300 ha phục vụ xuất khẩu. Hiện, cả nước có khoảng 600 doanh nghiệp sản xuất, chế biến. Việt Nam đứng thứ 4 về xuất khẩu dừa tại châu Á - Thái Bình Dương và thứ 5 thế giới. Theo đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 của ngành nông nghiệp, cây dừa phấn đấu đạt sản lượng 2,1 - 2,3 triệu tấn/năm.
Khánh Vy
Nguyễn Đức Hải