Theo Niên giám thống kê 2022, bình quân đầu người cả nước khoảng 4,67 triệu đồng,tăng 11,1% so với năm 2021. nhóm thu nhập cao nhất kiếm 10,23 triệu đồng một tháng, còn thấp nhất 1,35 triệu đồng, chênh nhau 7,6 lần.
Các địa phương khu vực trung du và miền núi phía Bắc có mức chênh lệch thu nhập lớn nhất cả nước (8,8 lần), sau đó đến Tây Nguyên (8,1 lần), Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (6,6 lần), Đồng bằng sông Cửu Long (6,3 lần). Chênh lệch thu nhập thấp nhất lần lượt là Đông Nam Bộ (5,5 lần) và Đồng bằng sông Hồng (5,8 lần).
Xét về tỉnh, Cao Bằng là tỉnh có chênh lệch giữa nhóm thu nhập cao nhất với nhóm thấp nhất lớn nhất cả nước. Người thu nhập cao tại Cao Bằng kiếm 6,4 triệu đồng một tháng, trong khi nhóm thu nhập thấp chỉ 524.000 đồng, chênh nhau 12,2 lần. Tiếp đó là các tỉnh Bắc Kạn (11,7 lần), Quảng Trị và Trà Vinh (9 lần), Sơn La và Hà Giang (8,9 lần), Lào Cai (8,8 lần),...
Thái Bình có mức chênh lệch ít nhất - 3,6 lần. Nhóm thu nhập cao của tỉnh này kiếm bình quân 7,89 triệu đồng một tháng, nhóm còn lại 2,18 triệu. Những tỉnh có mức chênh lệch thấp là Bình Thuận (3,9 lần), TP HCM (4,5 lần), Đồng Tháp, Bắc Giang và Hưng Yên (4,8 lần).
5 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ có mức chênh lệch lần lượt là Hà Nội (6,5 lần), TP HCM (4,5 lần), Hải Phòng (5,2 lần), Đà Nẵng (5,3 lần) và Cần Thơ (6 lần).
Cũng theo thống kê trên, vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất là vùng Đông Nam Bộ (6,33 triệu đồng/người/tháng), cao gấp 2,2 lần vùng có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc (3,17 triệu đồng/người/tháng).
Chi tiêu theo giá hiện hành bình quân đầu người một tháng của cả nước năm 2022 đạt 2,8 triệu đồng, giảm 3,3% so với năm 2020, trong đó chi tiêu bình quân đầu người một tháng ở khu vực nông thôn đạt 2,5 triệu đồng, tăng 4,6%; khu vực thành thị đạt 3,3 triệu đồng, giảm 13,6%. Cơ cấu chi tiêu không có sự thay đổi đáng kể so với những năm trước. Tỷ trọng chi tiêu cho đời sống trong chi tiêu bình quân đầu người một tháng năm 2022 chiếm 95,5%, chi tiêu khác chiếm 4,5%.
Theo báo cáo mới của Tổng cục Thống kê, tính trong năm 2023, Việt Nam có số lao động không sử dụng hết tiềm năng là 2,3 triệu người. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng 2023 là 4,3%.
Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là chỉ tiêu tổng hợp cho biết mức độ “lệch pha” giữa cung và cầu lao động trên thị trường; phản ánh tình trạng dư cung về lao động. Trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng luôn tồn tại và thường tăng cao khi thị trường chịu các cú sốc về kinh tế – xã hội.
Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam thường dao động ở mức 4%. Giai đoạn quý I năm 2020 đến quý II năm 2022, tỷ lệ này đạt mức cao kỷ lục là 10,4% vào quý III năm 2021 sau đó giảm dần và duy trì tại mức 4,2%. Tại thời điểm quý IV năm 2023, tỷ lệ này là 4,2% (tương ứng hơn 2,2 triệu người).
Tính chung cả năm 2023, số lao động không sử dụng hết tiềm năng là 2,3 triệu người, giảm gần 0,3 triệu người so với năm trước. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng 2023 là 4,3%, giảm 0,6 điểm phần trăm so với năm 2022. Tỷ lệ này ở của khu vực thành thị và khu vực nông thôn là 4,3%.
Nhật Minh
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/khu-vuc-nao-co-khoang-cach-giau-ngheo-lon-nhat-va-nho-nhat-ca-nuoc-2059123.htm