Rider - ngôi trường đại học 158 tuổi tại Mỹ đang phải vật lộn với tình hình tài chính khó khăn. Chỉ trong 1 thập kỷ, trường đã mất khoảng 1/5 số sinh viên. Triển vọng xếp hạng tín dụng của Rider, vốn đã ở dưới mức đầu tư, nay cũng tiếp tục bị hạ xuống ngưỡng tiêu cực.
Gregory Dell'Omo, chủ tịch Rider, đang cố gắng ổn định tất cả. Ông sa thải nhân viên, cắt giảm các chương trình học, thậm chí còn đưa cả ‘viên ngọc quý’ là khuôn viên Princeton đi đấu giá. Chi phí tăng phi mã trong khi lượng sinh viên đăng ký học ngày càng giảm khiến bối cảnh giáo dục đại học Mỹ trong mắt ông Dell'Omo buộc phải thay đổi.
Rider chỉ là một trong số khoảng 170 ngôi trường mà tờ Bloomberg xem xét để xác định áp lực ngày càng gia tăng đối với các tổ chức giáo dục đại học. Quá trình phân tích - kéo dài đến năm 2021 - đã ghi lại toàn bộ quãng thời gian đặc biệt khó khăn đối với các ngôi trường. Bùng phát Covid-19 buộc nhiều học sinh phải tạm dừng hoặc trì hoãn chương trình học tập.
Dự báo dài hạn cho thấy áp lực tuyển sinh vẫn sẽ tiếp diễn. Khoảng 10 trường đại học hệ 4 năm đã đóng cửa hoặc công bố kế hoạch đóng cửa trong năm nay, chẳng hạn như Đại học Iowa Wesleyan và Đại học Holy Names ở California. Những ngôi trường khác như Đại học Salus ở Pennsylvania cũng đang phải sáp nhập với trường lân cận để tiếp cận nhóm sinh viên mới.
Fitch Ratings dự đoán mỗi năm sẽ có khoảng 20-25 ngôi trường phải đóng cửa. Điều này có nguy cơ làm gián đoạn con đường học tập của hàng nghìn học sinh, đồng thời ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương khi giảng viên mất việc làm. Tác động có thể lan sang cả hệ thống tài chính rộng lớn - nơi các nhà đầu tư nắm giữ một lượng trái phiếu nhất định. Khoảng 650 triệu USD trong số đó bị cho là nợ xấu.
Theo dữ liệu của NCES, nguyên nhân phần lớn là do yếu tố nhân khẩu học. Số sinh viên đăng ký học đại học toàn thời gian đã giảm từ 11,5 triệu vào năm 2010 xuống còn 9,5 triệu vào năm 2021. Ngoài ra, theo số liệu thống kê quốc gia, sau năm 2007, tỷ lệ sinh ở Mỹ đã giảm mạnh.
Ít sinh viên đồng nghĩa với việc nguồn thu giảm sút. Các trường đại học không có đầu tư hoặc tài trợ dự phòng sẽ cần phải đổi mới để thu hút sinh viên. Theo một báo cáo tháng 4, tỷ lệ chiết khấu trung bình của các trường đại học dành cho sinh viên năm đầu đã tăng khoảng 10 điểm phần trăm kể từ năm 2013.
Hiện tại, chi phí theo học một ngôi trường tư 4 năm rơi vào khoảng 41.000 USD/năm. Tỷ lệ sinh viên mắc nợ tăng cao, trong khi khoảng cách về lương giữa những người có và không có bằng cấp ngày càng thu hẹp. Tất cả đã làm lung lay nhận thức của mọi người về việc học đại học.
Theo Bloomberg, Đại học Cardinal Stritch tại Wisconsin đã bắt đầu ngừng hoạt động vào tháng 5 do đại dịch và xu hướng tuyển sinh giảm. Đầu năm nay, Đại học Seattle Pacific ở Washington cắt giảm 40% ngân sách dành cho các chương trình học thuật, trong khi Hội đồng quản trị trường Cao đẳng Saint Rose bỏ phiếu đóng cửa trụ sở tại New York.
Theo ông Frandsen, chủ tịch trường Wittenberg, số lượng tuyển sinh đang tăng lên song về lâu về dài, ông hiểu những thách thức mà vấn đề nhân khẩu học đặt ra. Trường hiện chỉ có 6 triệu USD tài trợ.
Thách thức sẽ không biến mất và các trường học sẽ cần phải tìm ra hướng đi. Theo Emily Wadhwani, giám đốc cấp cao của Fitch Ratings, các ngôi trường sẽ phải tính toán xem mình cần thêm học sinh hay thu hẹp chương trình giảng dạy.
Tuy nhiên, theo ông Travis Carter, trưởng khoa tuyển sinh và hỗ trợ tài chính tại Randolph College ở Lynchburg, Virginia, số liệu không cung cấp bức tranh đầy đủ nhất về tình hình tài chính của một tổ chức, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch và suy thoái kinh tế. Trường Randolph hiện có khoản tài trợ khoảng 180 triệu USD và khả năng cao sẽ cải tạo trung tâm thể thao và tòa nhà khoa học.
Cũng theo ông Travis Carter, vào năm 2021 và 2022, số lượng sinh viên mới của trường Randolph đã tăng lên. Các lớp năm nhất năm nay đông hơn 40% so với năm ngoái.
Tại Đại học Willamette ở Salem, Oregon, số lượng tuyển sinh cũng đang tăng trở lại, theo phó Chủ tịch William Mullen. “Trong khi hầu hết các đối thủ cạnh tranh cắt giảm ngân sách, tình hình tài chính vững chắc của Willamette đã cho phép chúng tôi đầu tư vào các sáng kiến mới quan trọng”, ông Mullen cho biết.
Tuy nhiên, không phải ngôi trường nào cũng may mắn như thế. Được biết, Covid-19 đã khiến đại học Rider tiêu tốn khoảng 31 triệu USD. 19 triệu USD trường nhận được từ các gói kích thích dường như không có tác dụng.
Ban quản lý của Rider đã cố gắng huy động tiền mặt bằng cách chuyển địa điểm và bán bất động sản ở Princeton. Tuy nhiên, kế hoạch này đang đối mặt với một số thách thức, phần do sự phản đối của sinh viên và giảng viên, phần do các vụ kiện tụng kéo dài. Trong một thời gian, Rider đã phải dựa vào hạn mức tín dụng để trang trải chi phí hoạt động cho đến khi doanh thu bắt đầu quay trở lại vào tháng 8. Được biết, Rider đã loại bỏ một số chương trình cử nhân, đồng thời bổ sung thêm các chương trình mới liên quan đến công nghệ và chăm sóc sức khỏe.
Nhiều sinh viên không thực sự thoải mái với điều này. Họ cho rằng việc loại bỏ chương trình giảng dạy sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm của chính mình.
“Là một sinh viên, điều đó thực sự ảnh hưởng đến niềm tin của tôi đối với nhà trường. Có vẻ như tất cả chúng tôi đều thắc mắc chuyện gì sẽ xảy ra vậy?”, Meg Ryan, sinh viên năm cuối tại Đại học Rider, nói.
Không chỉ ở Mỹ, nhiều ngôi trường đại học tại Vương quốc Anh cũng phải cắt giảm mọi thứ từ nghiên cứu, lương giáo viên, ký túc xá… đồng thời tăng giờ học trực tuyến như một cách để thắt lưng buộc bụng trong thời kỳ lạm phát.
Theo cơ quan chính phủ, khoảng 30 trường đại học đã ghi nhận các tổn thất về tài chính trong năm học gần nhất và con số này có thể tăng gấp 3 trong năm nay. Ngoài ra, xếp hạng các trường đại học tại Vương quốc Anh cũng thay đổi nếu dựa trên một số các tiêu chí đánh giá, chẳng hạn như danh tiếng cũng như hoạt động nghiên cứu và giảng dạy.
Theo: Bloomberg, WSJ
Vũ Anh