Đó là những trích đoạn về đề cần nhấn mạnh của kiểm toán trong Báo cáo tài chính hợp nhất 2022 mà Tổng công ty Licogi - CTCP (Licogi, MCK: LIC, UpCOM) vừa công bố.
Theo Báo cáo của Licogi, tổng tài sản của công ty đạt 2.644 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm, trong đó tài sản ngắn hạn đạt 797 tỷ đồng và tài sản dài hạn là 1.847,5 tỷ đồng. Trong khi nợ phải trả của Licogi đang ở mức 2.111 tỷ đồng, chủ yếu đến từ nợ ngắn hạn với gần 1.690 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2022 của công ty đạt 215 tỷ đồng, giảm 47% so với năm trước. Tuy nhiên, các khoản từ lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh, thu nhập khác và lợi nhuận khác giúp Licogi đạt 12,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 31,5% so với 2021. Mặc dù vậy, Licogi vẫn đang lỗ lũy kế hơn 366 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả ngắn hạn gấp 2,1 lần so với tài sản ngắn hạn.
Kiểm toán cũng đã đưa ra những ý kiến loại trừ, những lưu ý và vấn đề cần nhấn mạnh trong Báo cáo tài chính của Licogi.
Cụ thể, kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ vì không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp, để từ đó có cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán. Tuy vậy, kiểm toán cho rằng những ảnh hưởng có thể xảy ra nếu có những sai sót có thể là trọng yếu nhưng sẽ không có tác động lớn tới báo cáo tài chính.
Tính đến thời điểm 1/1/2022, Licogi đã thực hiện vốn hóa lãi vay vào khoản mục "Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn" của dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt với tổng giá trị lũy kế là 393,1 tỷ đồng. Với việc tổng công ty tiếp tục thực hiện vốn hóa lãi vay vào "Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn" là 2,1 tỷ đồng trong năm 2022, tổng giá trị chi phí lãi vay được vốn hóa lũy kế đến ngày 31/12/2022 là 395,2 tỷ đồng.
Do dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt kéo dài nên phía kiểm toán không thể thu thập được các thông tin cần thiết để xác định chi phí lãi vay vốn hóa vào dự án theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 16 - Chi phí lãi vay.
Giải trình về vấn đề này phía Licogi cho biết dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt được ra quyết định cấp phép đầu tư xây dựng bởi UBND TP Hà Nội vào ngày 17/9/2007 cho Tổng Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng sau đó được chuyển giao lần lượt cho Tổng công ty Licogi - CTCP và Công ty TNHH MTV Nhà ở và đô thị Licogi.
Các chi phí lãi vay vốn hóa liên quan trực tiếp đến dự án này, tuy nhiên dự án kéo dài vì các yếu tố khách quan, đến thời điểm hiện tại dự án vẫn đang trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng và tiếp tục thực hiện trong thời gian tới nên Tổng công ty vẫn tiếp tục vốn hóa chi phí lãi vay liên quan đến dự án này mà không tạm dừng vốn hóa chi phí lãi vay.
Chi phí đi vay liên quan đến việc mua một mảnh đất cần có các hoạt động chuẩn bị mặt bằng sẽ được vốn hóa trong kỳ khi các hoạt động liên quan đến việc chuẩn bị mặt bằng đó. Nhưng chi phí đi vay sẽ phát sinh một khi mua mảnh đất đó để giữ mà không có hoạt động triển khai xây dựng liên quan đến mảnh đất đó thì chi phí đi vay không được vốn hóa.
Đồng thời khi thành lập các Công ty con là Công ty TNHH MTV nhà ở đô thị Licogi và Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Licogi 2, Tổng công ty xác định các chi phí lãi vay vốn hóa này là một phần tài sản góp vốn khi thành lập công ty con.
Vấn đề này được khắc phục khi Công ty Nhà ở đô thị Licogi thực hiện kinh doanh dự án, có lợi nhuận. Tổng công ty thu hồi được vốn đã đầu tư. Tuy nhiên, trường hợp Khu đô thị mới Thịnh Liệt hiện nay vẫn còn là bãi đất bỏ hoang.
Kiểm toán cũng lưu ý người đọc đến thuyết minh số II phần thuyết minh Báo cáo tài chính riêng, tại ngày 31/12/2022, lỗ lũy kế của Licogi là hơn 366 tỷ đồng (tại ngày 1/1/2022 là 377 tỷ đồng), tổng nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn số tiền 893 tỷ đồng (tại ngày 1/1/2022 là 980,7 tỷ đồng). Các vấn đề này cho thấy dự tồn tại các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty. Tuy nhiên, Ban Tổng giám đốc Licogi tin tưởng rằng, công ty có thể huy động được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng và từ các nguồn khác để thanh toán các khoản nợ đến hạn (nếu cần thiết) và duy trì nguồn vốn lưu động cần thiết để tiếp tục hoạt động trong tương lai.
Ngày 29/3/2023, doanh nghiệp Licogi có công bố lùi thời gian tổ chức Đại hội Cổ đông thường niên năm 2023, sẽ tiến hành tổ chức vào thời điểm thích hợp, dự kiến trước ngày 30/6/2023. Đồng thời, Licogi cũng đã công bố thông tin bổ nhiệm ông Nguyễn Anh Dũng chức vụ Phó tổng giám đốc Tổng công ty Licogi - CTCP và miễn nhiệm chức vụ Kế toán trưởng của ông.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên ngày 31/3/2023, mã LIC của công ty có giá 14.200 đồng/cổ phiếu, tăng 0,71% so với phiên trước đó. Tuy nhiên trong giai đoạn từ cuối năm 2022 đến nay cổ phiếu của LIC ghi nhận dấu hiệu trên đà dốc xuống.
Bình Đức
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/kiem-toan-luu-y-gi-trong-bao-cao-tai-chinh-cua-licogi-205624777.htm