Thuộc miền Đông Nam bộ, nằm về phía Bắc của Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương là một trong 8 tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh Bình Dương có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 4 huyện và 5 thành phố; 91 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 39 xã, 47 phường và 5 thị trấn. Bình Dương cũng trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước có 5 thành phố trực thuộc gồm: Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên và Bến Cát.
Vào thời điểm tỉnh được tái thành lập (1997), quy mô kinh tế của địa phương chỉ đạt khoảng 3.919 tỷ đồng. Với định hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), Bình Dương đã đi tiên phong để chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kết quả, đến hết năm 2023, quy mô nền kinh tế của tỉnh Bình Dương đạt 486,4 nghìn tỷ đồng, gấp 124 lần năm 1997; GRDP bình quân đầu người đạt 7.665 USD.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng GDP trên địa bàn theo giá so sánh giai đoạn 1997 - 2021 đạt trung bình 10,86%/năm. Trong giai đoạn 10 năm từ 2010 – 2020, kinh tế tỉnh Bình Dương tăng trưởng khá ấn tượng, đạt mức 8,7%/năm trong cả giai đoạn, nằm trong top 3 tỉnh,thành có chỉ số tăng trưởng cao nhất, cùng với Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai, và cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước (5,6%).
Bình Dương được biết tới như là "Thủ phủ công nghiệp" hàng đầu của Việt Nam. Với bề dày lịch sử phát triển các ngành công nghiệp, tới năm 2021, quy mô ngành công nghiệp của tỉnh đã đạt 276 nghìn tỷ đồng và là tỉnh có quy mô ngành công nghiệp lớn nhất cả nước. Không chỉ vậy, hiện nay Bình Dương là một trong ba địa bàn thu hút được vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất cả nước. Lũy kế đến 7/2024, Bình Dương đứng thứ ba cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (4.327 dự án và 41,5 tỷ USD vốn đầu tư), sau Thành phố Hồ Chí Minh (13.015 dự án và 58 tỷ USD) và Hà Nội (7.483 dự án và 43,5 tỷ USD).
Một trong những điểm sáng của ngành công nghiệp Bình Dương là đã thu hút được nhiều tập đoàn lớn là người thuê chủ chốt. Nhiều tập đoàn đa quốc gia có cơ sở sản xuất hoặc có các nhà thầu chính trong chuỗi sản xuất toàn cầu được đặt tại Bình Dương. Điều này giúp các ngành công nghiệp của tỉnh có sự tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Một số doanh nghiệp có thể kể đến như Nike, Adidas, P&G, Unilever, Suntory Pepsico...
Về tình hình xuất nhập khẩu, báo cáo của UBND tỉnh cho hay, tình hình xuất khẩu của ngành thương mại trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2019-2021 nhìn chung là khá tích cực, tuy tốc độ tăng trưởng vẫn có khiêm tốn hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của cả nước. Cụ thể, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của tỉnh Bình Dương tăng trưởng bình quân hàng năm ở mức 12%, từ 25,3 tỷ USD năm 2019 lên 31,5 tỷ USD năm 2021, trong khi tốc độ tăng trưởng cùng kỳ của cả nước là 13%.
Sang đến năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa của tỉnh Bình Dương ước xuất siêu 8.782,1 triệu USD. Trong đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trong nước xuất siêu 2.454,8 triệu USD, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xuất siêu 6.327,4 triệu USD.
Mục tiêu GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 15.800 USD năm 2030
Quy hoạch tỉnh đã nêu rõ, đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh.
Trong đó, đến năm 2030, Bình Dương sẽ có 3 đô thị đạt tiêu chí đô thị loại I (thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Dĩ An, thành phố Thuận An); 2 đô thị đạt tiêu chí đô thị loại II (thành phố Tân Uyên, thành phố Bến Cát); 1 đô thị đạt tiêu chí thị xã - đô thị loại IV (huyện Bàu Bàng); 3 đô thị đạt tiêu chí đô thị loại IV (thị trấn Tân Thành - huyện Bắc Tân Uyên; thị trấn Phước Vĩnh - huyện Phú Giáo; thị trấn Dầu Tiếng - huyện Dầu Tiếng); thành lập mới một số đô thị thuộc huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo và Dầu Tiếng, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 88-90%.
Về các chỉ tiêu kinh tế, quy hoạch cũng nêu rõ, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 10%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 15.800 USD.
Về cơ cấu kinh tế, ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 64%; ngành dịch vụ chiếm 28%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6%. Tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GRDP.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030 có 42 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích khoảng 18.600ha -21.000ha. Trong đó, tiếp tục thực hiện 33 KCN đã được quy hoạch (gồm 29 KCN đã thành lập và 4 KCN đang chuẩn bị đầu tư); thành lập mới 10 KCN; nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi chức năng 1 KCN (KCN Bình Đường) theo đúng quy định của pháp luật.
Cộng tác viên