LTS: TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo về kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 và dự báo cả năm. Chúng tôi xin đăng tải báo cáo chi tiết để quý độc giả tiện theo dõi.
-------
Bối cảnh kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2024
Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế thế giới (KTTG) cơ bản đi ngang, phục hồi chậm và không đồng đều, có sự phân hóa giữa các nước và giữa khu vực dịch vụ và sản xuất. Lạm phát đang hạ nhiệt rõ rệt (dù còn cách xa so với lạm phát mục tiêu của nhiều nước) nhờ giá hàng hóa giảm hoặc không tăng, các chuỗi cung ứng cơ bản phục hồi, tạo tiền đề để ngân hàng Trung ương (NHTW) các nước hạ lãi suất nhằm hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính toàn cầu (như Thụy Sỹ đã hạ lãi suất từ tháng 3/2024, Canada và ECB từ tháng 6/2024, Fed dự kiến từ tháng 9/2024, nhiều NHTW khác cũng đang xem xét hạ lãi suất…).
Tuy nhiên, kinh tế thế giới vẫn còn nhiều rủi ro, thách thức bởi căng thẳng địa chính trị (xung đột tại Ukraina, Biển Đỏ và Trung Đông…) kéo dài, khó đoán định; tình hình chính trị tại một số nước trong và sau bầu cử; cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn về thương mại và công nghệ cung với sự phân mảnh và bảo hộ thương mại gia tăng; lãi suất, rủi ro nợ và chi phí đầu vào còn ở mức cao, khiến đà phục hồi chậm lại; rủi ro an ninh năng lượng và lương thực vẫn hiện hữu, biến đổi khí hậu bất thường, khó lường hơn…v.v.
Về triển vọng, các tổ chức quốc tế (WB, IMF, ADB, OECD, UN…) cập nhật dự báo với tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2024-2025 có thể đạt 2,6-3,2%, tương đương năm 2023, lạm phát (CPI bình quân) hạ nhiệt về mức khoảng 4% năm 2024 và 3-3,5% năm 2025; thương mại toàn cầu dự báo phục hồi, tăng 2,5-3,3% năm 2024-2025 (từ mức 0,4% năm 2023), đầu tư FDI phục hồi nhẹ (tăng khoảng 2-3% năm 2024-2025).
Bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024
Trong bối cảnh kinh tế thế giới như trên, kinh tế Việt Nam trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2024 đạt nhiều kết quả tích cực, ghi nhận 8 điểm sáng sau:
Một là, Quốc Hội, Chính phủ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Về hoàn thiện thể chế, Quốc hội đã thông qua nhiều Luật, Nghị quyết quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, tháo gỡ rào cản thể chế, trong đó có Nghị quyết cho phép Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh BĐS 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 (sớm hơn 5 tháng so với dự kiến khi ban đầu). Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, nghị quyết, chỉ thị, các bộ ngành ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện các Luật đã được thông qua (nhất là Luật khám chữa bệnh 2023, Luật đấu thầu 2023, Luật giá 2023, Luật giao dịch điện tử 2023, Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh BĐS 2023, Luật TCTD 2024…) để kịp thời giải quyết các tồn đọng, khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội…v.v. Tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc Hội cũng đã thông qua 11 luật (trong đó có 1 số luật đáng lưu ý như Luật Đấu giá tài sản sửa đổi, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Luật Thủ đô sửa đổi…) và Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TP. Đà Nẵng và Nghệ An. Cùng với đó, nhiều nghị quyết, giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho các thị trường đất đai, bất động sản, tài chính, y tế, du lịch, điện năng…cũng đã được ban hành và tích cực triển khai.
Về chính sách tài khóa (CSTK) theo hướng mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tiền tệ (CSTT) để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, Quốc Hội, Chính phủ đã quyết nghị nhiều chính sách, gói hỗ trợ tài khóa thông qua giảm, giãn thuế, phí, lệ phí năm 2024…với tổng giá trị danh nghĩa khoảng 185.000 tỷ đồng, tương đương giảm thu NSNN 68.000 tỷ đồng (gần bằng những năm dịch Covid-19).
Chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, chủ động, kịp thời và hiệu quả, đảm bảo cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa lãi suất và tỷ giá, phối hợp chặt chẽ với CSTK; Chính phủ, NHNN đã ban hành nhiều quyết sách thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, kiểm soát chất lượng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng cường khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, tiếp tục cho phép cơ cấu lại nợ (giữ nguyên nhóm nợ) đến hết năm 2024, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, dùng nhiều công cụ ổn định tỷ giá, thị trường vàng cùng với việc ban hành nhiều Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật TCTD 2024.
Về chuyển đổi số và cải cách hành chính, nhiều chính sách, giải pháp được triển khai nhằm đẩy mạnh việc thực hiện Đề án 06 về phát triển dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số tại các Bộ, ngành, địa phương; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường liên thông, tích hợp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia…v.v.
Hai là, GDP quý 2 ước đạt 6,93% và 6 tháng đầu năm đạt 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn mục tiêu tại Nghị quyết 01. Các động lực tăng trưởng cả phía cung và cầu đều tăng tích cực. Về phía cầu, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 15,7% (tăng mạnh từ mức giảm -15,2% của 6T/2023 và cao hơn mức tăng 9% của 6T/2019), cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 11,6 tỷ USD; tích lũy tài sản (đầu tư) tăng 6,72% (gấp 5,8 lần 6T/2023, thấp hơn mức 7,15% cung kỳ 2019); tiêu dùng cuối cùng tăng 5,78% (gấp 2,2 lần 6T/2023 song vẫn thấp hơn mức trước dịch (7,05% cung kỳ năm 2019).
Về phía cung, khu vực nông nghiệp tăng 3,4%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,51% (trong đó công nghiệp chế biến - chế tạo tăng 8,7%); dịch vụ tăng 6,64%, cao hơn so với mức nền thấp của cùng kỳ 6T/2023 (3 lĩnh vực tăng lần lượt 3,07%, 1,13% và 6,33%) song mức tăng của khu vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ vẫn thấp hơn so với trước dịch (hai lĩnh vực này tăng 8,93% và 6,69% trong 6T/2019). Mặc dù còn một số cấu phần chưa đạt mức trước dịch song đây là mức tăng trưởng khả quan trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, cho thấy nền kinh tế tiếp tục khởi sắc, nhiều khả năng đạt "cận trên" mục tiêu tăng trưởng (6,5%) cả năm 2024.
Ba là, xem xét cụ thể một số động lực tăng trưởng truyền thống cho thấy đà phục hồi khá đồng đều. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 190,1 tỷ USD, tăng 14,5% (từ mức giảm -11,3% trong 6 tháng đầu năm 2023, cao hơn mức tăng 7,2% của 6T/2019), nhờ đà phục hồi của nhu cầu thế giới, nhất là tại các đối tác lớn của Việt Nam (xuất khẩu sang Mỹ tăng 22,1% sang EU tăng 14,1%, ASEAN tăng 12,9%...). Cán cân thương mại thặng dư 11,63 tỷ USD, góp phần ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối.
Thu hút và giải ngân FDI tiếp tục khởi sắc. Trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam ước đạt 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ, giải ngân vốn FDI đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 6 năm (Trong 6T/2019, FDI đăng ký giảm 9,2%, giải ngân tăng 8,1%; Trong 6T/2023, FDI đăng ký giảm 4,3%, giải ngân tăng nhẹ 0,5%). Kết quả khả quan này khẳng định niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng tăng trưởng và cơ hội đến từ dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đối với Việt Nam.
Tiêu dùng tiếp tục đà phục hồi với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 6T/2024 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước nhờ lượng khách du lịch tăng mạnh (8,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019). Đà phục hồi tích cực của bán lẻ cùng với tiêu dùng của khu vực Nhà nước góp phần đưa tiêu dùng cuối cùng đóng góp cao nhất (64,26%) vào tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, mức tăng doanh thu bán lẻ vẫn thấp hơn 6T/2023 (11,3%) và mức trước dịch (6T/2019 tăng 10,8%).
Giải ngân đầu tư công đạt kết quả khả quan dù không đồng đều và còn chậm, đầu tư tư nhân phục hồi. Tổng số vốn giải ngân trong 6 tháng đầu năm ước đạt 244,41 nghìn tỷ đồng, bằng 33,8% kế hoạch năm và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư tư nhân tăng 6,7%, gấp 3,2 lần mức tăng 2,1% cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tốc độ tăng giải ngân đầu tư công vẫn thấp hơn cùng kỳ 6T/2023 ( 4,2%) và 6T/2019 ( 22,5%), trong đó một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công rất thấp, đòi hỏi phải quyết liệt hơn trong 6 tháng cuối năm mới đạt yêu cầu.
Sản xuất công nghiệp (SXCN) phục hồi tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số SXCN tăng 7,7% so với cùng kỳ (so với mức giảm -1,2% của cùng kỳ năm 2023, song vẫn thấp hơn mức tăng 9,5% cùng kỳ 6T/2019) chủ yếu là do xuất khẩu và cầu nội địa tăng khá. Chỉ số PMI sản xuất đạt 54,7 điểm trong tháng 6/2024, tăng mạnh so với mức 50,3 điểm của tháng 5/2024 và mức 50,5 điểm của tháng 6/2023 và mức 52,5 điểm của tháng 6/2019, là mức cao nhất kể từ tháng 5/2022 nhờ sự cải thiện tích cực của đơn hàng mới, xuất khẩu và niềm tin kinh doanh. Tuy nhiên, đà phục hồi của sản xuất công nghiệp chưa đồng đều do, nhiều ngành còn khó khăn về điều kiện sản xuất, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng, mức độ tham gia chuỗi giá trị ngành chưa cao…v.v.
Bốn là, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát dù giá cả đầu vào tăng (chỉ số giá SXCN - PPI tăng 0,25%, chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023) và áp lực cầu kéo tăng dần (tín dụng hết 6 tháng đầu năm ước tăng 5,2% so với đầu năm, vòng quay tiền ở mức 0,65 lần (tương đương mức 0,64 lần cả năm 2023). CPI bình quân 6T/2024 tăng 4,08% và lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,75% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng cùng kỳ 6T/2023 (4,74%). Tuy nhiên, áp lực lạm phát vẫn còn, nhất là khi giá nhiều mặt hàng do Nhà nước quản lý (lương cơ sở, y tế, giáo dục, điện…) dự báo còn tăng theo lộ trình.
Năm là, mặt bằng lãi suất ổn định, tín dụng phục hồi: lãi suất tiền gửi tăng 0,5-1% từ đầu năm đến nay nhưng lãi suất cho vay cơ bản ổn định. Trong 6 tháng đầu năm, tín dụng ước tăng 5,2% so với cuối năm 2023, cải thiện khá mạnh so với mức 2,41% cuối tháng 5/2024, cao hơn mức tang 3,36% của 6T/2023 nhờ đà phục hồi của hoạt động đầu tư, tiêu dùng, thị trường BĐS. Tín dụng dự báo cả năm tăng 13-14%, phù hợp với diễn biến vĩ mô, nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực (chỉ số VNIndex tăng 10,2% so với đầu năm (tương đương mức tăng 11,2% của 6T/2023 và cao hơn mức 6,43% của 6T/2019) cùng với đà tăng trưởng kinh tế và cải thiện sức khỏe doanh nghiệp (lợi nhuận toàn thị trường ước tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2023); thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản đang dần phục hồi.
Sáu là, thu NSNN tăng khá cùng với đà phục hồi của sản xuất, tiêu dùng. Thu NSNN trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 1.021 nghìn tỷ đồng, bằng 60% dự toán năm, tăng 15,7%; chi ngân sách Nhà nước giảm nhẹ 0,1% so với cùng kỳ, một phần là do tốc độ tăng đầu tư công tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm. NSNN thặng dư 216,4 nghìn tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ 6T/2023, tạo dư địa tài khóa hỗ trợ người dân và DN. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, nợ công, nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách thấp hơn mức trung bình của thế giới và các nước đang phát triển và mới nổi; nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ dưới ngưỡng Quốc Hội cho phép; an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an sinh xã hội và sinh kế của người dân được đảm bảo. Nhờ đó, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P ngày 20/6 đánh giá Việt Nam ở mức Ổn định trong dài hạn và có thể phục hồi mức tăng trưởng 6,5-7% trong giai đoạn 2025-2030.
Bảy là, công tác quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng tiếp tục được quan tâm thúc đẩy. Quy hoạch phát triển KTXH, ngành, vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hoặc 2050 của nhiều vùng, địa phương, ngành; kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII đã được ban hành; công nghệ 5G đã thử nghiệm thành công, các dự án sân bay, cao tốc được đẩy nhanh tiến độ, tạo điều kiện phát triển KTXH trước mắt cũng như lâu dài.
Tám là, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Các chuyến thăm giữa lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga…; việc tích cực tham gia nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng như Liên hợp quốc, ASEAN, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Đại Liên 2024, Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF) 2024…tiếp tục góp phần nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam; tạo cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch thời gian tới.
Sáu rủi ro, thách thức chính
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với 6 rủi ro, thách thức chính.
Một là, bốn rủi ro, thách thức từ bên ngoài vẫn hiện hữu như: (i) khủng hoảng địa chính trị dai dẳng, khó đoán định (đặc biệt xung đột tại Ukraina, Biển Đỏ, Trung Đông…), (ii) cạnh tranh chiến lược về thương mại và công nghệ giữa các nước lớn còn phức tạp, làm tăng phân mảnh và bảo hộ thương mại; (iii) lạm phát và lãi suất dù giảm song còn cao; rủi ro tài khóa và nợ ở mức cao, khiến kinh tế thế giới phục hồi còn chậm và thiếu bền vững; (iv) rủi ro an ninh năng lượng, lương thực và thiên tai, khí hậu cực đoan vẫn thường trực…v.v.
Hai là, một số động lực tăng trưởng truyền thống phục hồi nhưng chưa đồng đều, còn ở mức thấp so với trước dịch và chưa bền vững. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ (loại trừ yếu tố giá tăng 5,7% chỉ bằng khoảng 66% mức tăng trung bình của cùng kỳ giai đoạn trước dịch 2018-2019 (8,6%); lượng khách du lịch quốc tế tăng mạnh (58,4%) nhưng doanh thu lưu trú - ăn uống và du lịch lữ hành 6T/2024 chỉ tăng 14,8%, thấp hơn mức trước dịch, cho thấy xu hướng tiêu dùng tiết kiệm của du khách. Tiêu dùng cuối cùng tăng 5,78%, cao hơn cùng kỳ các năm 2020-2023 song vẫn nhưng thấp hơn mức trước dịch (6T/2019 tăng 7,05%). Đầu tư tư nhân tăng 6,7%, cao hơn mức 2,1% cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn nhiều mức tăng 17% cùng kỳ giai đoạn trước dịch 2018-2019 và thấp hơn khu vực FDI (10,3%).
Đồng thời, thể chế cho các động lực tăng trưởng mới, nhất là thể chế cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng (đặc biệt là cơ chế thử nghiệm sandbox cho Fintech và các nền tảng số; danh mục phân loại xanh, Đề án phát triển thị trường tín chỉ carbon Việt Nam; tiêu chí đo lường quy mô, đóng góp của kinh tế số theo chuẩn quốc tế…) còn chậm ban hành so với yêu cầu phát triển.
Ba là, cơ cấu lại nền kinh tế, gồm cả các DNNN, các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm so với yêu cầu. Tiến trình cơ cấu lại, cổ phần hóa và thoái vốn DNNN còn chậm (trong 6T/2024, chưa có DNNN nào được cổ phần hóa theo kế hoạch; số tiền thu được từ thoái vốn mới chỉ đạt khoảng 4% kế hoạch năm); việc cơ cấu lại, xử lý dứt điểm các TCTD yếu kém còn chậm so với yêu cầu do quy trình, thủ tục phức tạp, khó khăn trong định giá tài sản và tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp. Sự chậm trễ này làm tăng nợ xấu, nợ tồn đọng trong nền kinh tế khiến việc phân bổ nguồn lực khó đạt hiệu quả cao và chi phí tốn kém, đòi hỏi quyết liệt hơn thời gian tới.
Bốn là, hoạt động doanh nghiệp (DN) còn nhiều khó khăn dù đã có dấu hiệu khởi sắc: trong 6T/2024, số DN gia nhập thị trường đạt gần 120 nghìn DN, cao hơn số DN rút lui khỏi thị trường (110 nghìn DN) là tín hiệu tích cực, tuy nhiên số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn vẫn tăng 18,6% so với cùng kỳ do các vướng mắc về pháp lý chưa được giải quyết kịp thời (đặc biệt là thị trường đất đai, BĐS); áp lực tài chính (áp lực đáo hạn nợ vay và nợ TPDN) và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao (chi phí logistics tăng, giá năng lượng tăng…).
Năm là, nợ xấu và tỷ giá tăng dù trong tầm kiểm soát, thị trường vàng còn nhiều biến động. Theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến hết tháng 4/2024 ở mức 4,93%, cao hơn mức 4,55% cuối năm 2023 và 2% cuối năm 2022; dư nợ xấu tăng 8,61% so với đầu năm. Nếu bóc tách nợ xấu của 5 TCTD thuộc diện kiểm soát đặc biệt thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%. Dù vẫn trong tầm kiểm soát song là thách thức lớn khi Luật các TCTD 2024 đã hạn chế quyền thu giữ tài sản bảo đảm nợ xấu của các TCTD.
Tỷ giá liên ngân hàng tăng 4,9% với đầu năm do cộng hưởng nhiều yếu tố: (i) đồng USD tăng giá (chỉ số DXY tăng 4,1% so với cuối năm 2023); (ii) chênh lệch lãi suất VND-USD giảm so với đầu năm những vẫn ở mức âm (khoảng -1-1,5/năm đối với kỳ hạn qua đêm); (iii) nhu cầu nắm giữ vàng vẫn ở mức cao và tình trạng buôn lậu vàng chưa được xử lý triệt để khiến nhu cầu USD tăng, đặc biệt trên thị trường tự do. Dự báo áp lực tỷ giá sẽ giảm dần từ này đến cuối năm 2024 cũng như đầu năm tới khi chênh lệch lãi suất VND và USD thu hẹp trong bối cảnh Fed có thể bắt đầu hạ lãi suất (trong tháng 9/2024 và có thể thêm một lần nữa cuối năm 2024), cung – cầu ngoại tệ được cân đối và thị trường vàng ổn định hơn.
Với thị trường vàng, dù giá vàng trong nước đã hạ nhiệt và chênh lệch giá vàng SJC và giá vàng thế giới được thu hẹp đáng kể song vẫn cần quyết liệt, nhất quán hơn và có giải pháp căn cơ hơn như bỏ độc quyền sản xuất, nhập khẩu vàng miếng, sửa đổi Nghị định 24/2012, minh bạch hóa giao dịch vàng, có chế tài nghiêm minh với các hành vi vi phạm, buôn lậu…để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Sáu là, thực thi chính sách còn bất cập, môi trường đầu tư - kinh doanh chậm cải thiện, một số đầu tàu kinh tế tăng trưởng thấp hơn tiềm năng
Việc ban hành văn bản, kế hoạch hành động triển khai các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ còn chậm, chưa đồng bộ, dẫn đến chưa có nhiều chuyển biến trong môi trường đầu tư - kinh doanh (Chỉ số PCI 2023 của Hà Nội giảm 8 bậc, Đà Nẵng giảm 7 bậc so với năm 2022...); nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công và chương trình mục tiêu quốc gia thấp; một số đầu tàu có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp so với bình quân cả nước trong 6T/2024 và dưới tiềm năng (như GRDP Hà Nội tăng 6%, Cần Thơ tăng 5,73%, Đà Nẵng tăng 5%, TP.HCM 6,46%...v.v., thấp hơn hoặc tương đương mức tăng của cả nước là 6,42%).
Dự báo kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm và cả năm 2024
- Về tăng trưởng GDP: trong bối cảnh quốc tế như nêu trên cùng với kết quả tăng trưởng khả quan của 6 tháng đầu năm, môi trường pháp lý ngày càng được hoàn thiện, các động lực tăng trưởng (cả truyền thống và mới) được khai thác, phát huy hiệu quả cao hơn; kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, niềm tin của doanh nghiệp và người dân được củng cố; tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm có khả năng đạt 6,3-6,8% và cả năm có thể đạt 6,3-6,5% (kịch bản cơ sở), đạt cận trên mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra, hoặc có thể khả quan hơn, khoảng 6,5-6,7% (kịch bản tích cực). Trong đó, tăng lương cơ sở có thể khiến GDP tăng thêm 0,3-0,5 điểm %, lạm phát tăng thêm 0,2-0,3 điểm % trong năm 2024 và có thể cao hơn trong năm 2025-2026 (chi tiết xem bài đánh giá tác động tăng lương).
- Về lạm phát: áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm 2024 dự báo sẽ ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2023 do yếu tố chi phí đẩy (đặc biệt là giá năng lượng, giá nguyên vật liệu, chi phí logistics còn ở mức cao; việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như tiền điện, học phí, tăng lương cơ sở, lương tối thiểu vùng theo lộ trình từ ngày 1/7/2024…) và cả yếu tố cầu kéo (cung tiền dự báo tăng cao hơn cùng với đà phục hồi kinh tế).
Tuy nhiên, lạm phát năm 2024 sẽ vẫn trong tầm kiểm soát và không đáng quan ngại (CPI bình quân tăng khoảng 3,8-4,2% theo kịch bản cơ sở) nhờ tác động cộng hưởng của các yếu tố hỗ trợ kiềm chế lạm phát (như giá cả và lạm phát toàn cầu đang hạ nhiệt, giá dầu dự báo đi ngang, ở mức tương đương năm 2023, cung tiền tăng song vòng quay tiền còn chậm, khoảng 0,7-0,9 lần, áp lực tỷ giá giảm dần và phối hợp chính sách ngày càng tốt hơn).
Năm kiến nghị
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô năm 2024 như nêu trên, Nhóm Nghiên cứu có 5 kiến nghị như sau:
Một là, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 01 và 02/NQ-CP ngày 5/1/2024; các Nghị quyết của Quốc Hội, các nghị quyết, Nghị định, Chỉ thị của Chính phủ như nêu trên; tiếp tục bám sát, chủ động phân tích, dự báo và có kịch bản ứng phó phù hợp đối với tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; các xu hướng mới về rủi ro công nghệ cao, an ninh mạng, lừa đảo; tăng cường bình ổn, lành mạnh hóa thị trường tài chính, BĐS, TPDN, thị trường vàng, củng cố niềm tin nhà đầu tư và người dân.
Hai là, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung vào: (i) quyết liệt ban hành và thực thi hiệu quả hơn các chính sách, giải pháp tháo gỡ các vướng mắc (nhất là về pháp lý, định giá đất, hoàn thuế GTGT, tiếp cận vốn, phát triển nhà ở xã hội, phòng cháy chữa cháy….); (ii) triển khai có hiệu quả Nghị định 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; (iii) kịp thời ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật kinh doanh BĐS 2023, Luật các TCTD 2024... chính thức có hiệu lực từ 1/8/2024, cũng như các đạo luật vừa được Quốc Hội thông qua nhằm đảm bảo nhất quán, đồng bộ và hiệu lực thực thi; (iii) sớm ban hành khung pháp lý nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng như cơ chế thử nghiệm - Sandbox, cơ chế thí điểm, đề án phát triển thị trường tín chỉ carbon, danh mục phân loại xanh, Quy hoạch điện VIII, cơ chế mua – bán điện trực tiếp (DDPA)...v.v.
Ba là, phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống (xuất khẩu, đầu tư - nhất là đầu tư tư nhân, tiêu dùng); khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, liên kết vùng...): (i) đẩy nhanh triển khai Quy hoạch điện VIII, cơ chế hỗ trợ các DN FDI khi Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu; (ii) quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, góp phần thu hút, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế như Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, TP.HCM cao hơn cả nước và tăng tính lan tỏa với các vùng và cả nước; (iii) đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, sớm có phương án điều chuyển các cấu phần có tỷ lệ giải ngân thấp và bố trí ngân sách hỗ trợ phát triển các lĩnh vực mới, quan trọng như công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, phát triển thị trường tín chỉ carbon, nhà ở xã hội (sớm thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội), phát triển du lịch bền vững (nhất là vấn đề xử lý rác thải du lịch và đào tạo nghề…); (iv) Các bộ ngành, địa phương triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ tài khóa như giãn, hoãn, gia hạn thời gian nộp thuế, tiền sử dụng đất, giảm thuế - phí, thuế VAT; triển khai hiệu quả gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho xuất khẩu lâm – thủy sản…v.v.
Bốn là, nâng cao hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác) nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá, thị trường tài chính - tiền tệ, đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, chính sách tài khóa giữ vai trò chủ lực, mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, gắn với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; chính sách tiền tệ đóng vai trò hỗ trợ, theo hướng chủ động, linh hoạt, tăng khả năng tiếp cận tín dụng gắn với kiểm soát rủi ro và xử lý nợ xấu; quyết tâm thực hiện các giải pháp nâng hạng TTCK trong năm 2025 và quan tâm kiểm soát rủi ro hệ thống (liên thông giữa ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm - BĐS).
Năm là, quan tâm phát triển bền vững, dài hạn; theo đó các yếu tố thúc đẩy chất lượng tăng trưởng (năng suất lao động, ứng dụng KHCN, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...) cần được kế hoạch hóa và phân khai thực hiện cụ thể; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, nhất là tiến trình cổ phần hóa DNNN, cơ cấu lại các dự án, các TCTD yếu kém nhằm giảm rủi ro, chi phí, tăng tính lành mạnh và hiệu quả của thị trường…v.v.
Cộng tác viên
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/kinh-te-viet-nam-6-thang-dau-nam-2024-va-du-bao-nam-2024-205241207155256982.htm