Quản lý, sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước còn hạn chế
Theo kết quả kiểm toán của KTNN, 9/9 Tập đoàn, tổng công ty, Công ty sản xuất kinh doanh có lãi, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu tại một số đơn vị đạt trên 10%, thậm chí có đơn vị trên 20% (Vinataba, Sonadezi,...).
Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp còn một số hạn chế.
Cụ thể, phần lớn các đơn vị còn sai sót trong công tác hạch toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (NSNN), qua kiểm toán điều chỉnh tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí.
Một số đơn vị chưa xây dựng quy chế quản lý tiền, quản lý dòng tiền chưa hiệu quả (Dược Trung ương 3, Dược phẩm Trung ương Codupha..); quản lý nợ chưa chặt chẽ, còn phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn, tỷ lệ đối chiếu thấp (CTCP Nhiên liệu bay Petrolimex 2.297 tỷ đồng; Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex: Công ty mẹ 24,3 tỷ đồng, Công ty TNHH Nhựa đường Petrolimex gần 533 tỷ đồng, Công ty TNHH Hóa chất Petrolimex 137 tỷ đồng; HUD hơn 228 tỷ đồng...); tạm ứng tồn đọng nhiều năm chưa thu hồi; bán hàng, đặt cọc cho nhà cung cấp không có bảo lãnh, tài sản đảm bảo; trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định; ....
Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao; chưa chi trả đầy đủ cổ tức; chưa được góp đủ vốn điều lệ hoặc có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ nhưng chưa được phê duyệt phương án tăng vốn; bị đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt.
Một số đơn vị đầu tư tài chính hiệu quả chưa cao, hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ; một số khoản đầu tư của Tập đoàn, TCT vào công ty liên doanh, liên kết, đầu tư dài hạn khác bị thua lỗ; trích lập dự phòng đầu tư tài chính không đúng quy định. Đơn cử như tại thời điểm 31/12/2023, TKV có 4 khoản đầu tư vào công ty con lỗ lũy kế tổng giá trị hơn 412 tỷ đồng, dù vốn góp ban đầu lên tới 1.759 tỷ đồng.
Một số đơn vị quản lý chi phí, giá thành sản phẩm chưa chặt chẽ, định mức sản xuất kinh doanh chưa phù hợp thực tế; chưa xây dựng định mức tiêu hao nguyên vật liệu hoặc tiêu hao nguyên, nhiên liệu vượt định mức đơn vị quy định, khuyến mại không đúng quy định...
Tại SCIC, đơn vị này đã thoái vốn tại 37/77 doanh nghiệp với tổng giá vốn 2.801/12.821 tỷ đồng, bằng 21,8% kế hoạch 5 năm trong giai đoạn 2021-2023; bán hết vốn tại 50 doanh nghiệp nhưng chưa thu hồi hết cổ tức, lợi nhuận được chia, khoảng 23,8 tỷ đồng.
Quá trình bán vốn còn trường hợp xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính giá trị vốn nhà nước không đúng quy định hoặc đơn vị tư vấn xác định chưa đầy đủ giá trị vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Một số khoản SCIC trực tiếp đầu tư cũng không hiệu quả, với 3/14 doanh nghiệp lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2023 là gần 32.582 tỷ đồng; 2/14 doanh nghiệp không chia cổ tức, lợi nhuận trong giai đoạn 2019-2023.
Theo đánh giá của KTNN, trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiểm soát lạm phát ở mức 3,25%, ổn định tỷ giá và thanh khoản hệ thống ngân hàng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Các tổ chức tài chính, ngân hàng cơ bản đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động, kinh doanh có lãi, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%.
Tuy nhiên, một số tồn tại, bất cập còn tồn đọng, trong hoạt động của các tổ chức tài chính ngân hàng.
Cụ thể, cơ cấu tín dụng chưa đúng định hướng ưu tiên; dư nợ tín dụng bất động sản cuối năm 2023 tăng 11,8% so với cuối năm 2022 (trong đó cho mục đích đầu tư, kinh doanh bất động sản tăng 35,4%, gấp 2,5 lần mức tăng trưởng chung của toàn ngành), chất lượng tín dụng có chiều hướng suy giảm, tiềm ẩn rủi ro; nợ xấu của nhóm khách hàng có dư nợ cấp tín dụng trên 500 tỷ tăng cao về cả tỷ lệ và dư nợ (chủ yếu tại SCB), trong đó dư nợ của nhóm khách hàng này tại một số ngân hàng thương mại cổ phần tăng mạnh (dư nợ của nhóm khách hàng này tại Sacombank tăng 536,2%, tại Vietcombank tăng 110,8%).
NHNN chưa xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành chiến lược, kế hoạch về phát triển thị trường vàng, chưa can thiệp kịp thời để bình ổn thị trường vàng theo quy định. Công tác phối hợp cung cấp thông tin, số liệu của các Bộ, ngành liên quan cho NHNN để phục vụ việc xây dựng Báo cáo dự báo cán cân thanh toán quốc tế còn hạn chế qua nhiều năm nhưng chưa được xử lý.
Một số đơn vị đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp; còn tồn đọng nợ phải thu chưa được xử lý dứt điểm; hạch toán doanh thu, thu nhập, chi phí chưa đúng quy định; còn diện tích đất để trống; ...
Một số ngân hàng phân loại nợ chưa phù hợp, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chưa chính xác, còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay; còn trường hợp sử dụng vốn vay ngân hàng để mua chứng chỉ tiền gửi không đúng quy định.
Đơn cử như Agribank có Công ty Cho thuê tài chính I - Agribank (ALCI) lỗ lũy kế tại 31/12/2023 là 783,1 tỷ đồng, ngân hàng này đã trích lập dự phòng đầu tư tài chính 100% số tiền 172,08 tỷ đồng.
Công ty Cho thuê tài chính II - Agribank (ALCII) đã bị tuyên bố phá sản, chấm dứt hoạt động, dù Agribank đã trích lập dự phòng đầu tư tài chính 100% số tiền hơn 294,4 tỷ đồng tại ALCII.
Co-opBank chưa thu hồi được khoản tiền gửi 330 tỷ đồng tại CTCP Tài chính Handico.
Ngân hàng Chính sách xã hội còn các trường hợp cho vay giải quyết việc làm không đúng đối tượng; cho vay vượt hạn mức; hỗ trợ lãi suất chưa đúng quy định; một số chi nhánh có tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh cao so với bình quân toàn hệ thống.
Về hoạt động bảo hiểm xã hội, chi tiền thù lao cho tổ chức dịch vụ thu chưa chính xác, quyết toán chi phí quản lý bao gồm số chưa thực chi trong năm, một số đơn vị chuyển nguồn năm sau các khoản kinh phí đã hết nhiệm vụ chi.
PV
Phạm Thị Tâm
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/ktnn-nhieu-doanh-nghiep-nha-nuoc-dau-tu-kinh-doanh-kem-hieu-qua-205250722104422404.htm