Kỷ lục mới của ngành ngân hàng: Số tài khoản thanh toán cá nhân tại Việt Nam cán mốc 200 triệu tài khoản

Lãnh đạo Vụ Thanh toán cho biết, tính đến đầu năm 2025, tại nhiều tổ chức tín dụng, hơn 90% giao dịch tài chính được thực hiện qua các kênh số.

Tại Hội nghị WFIS 2025 với chủ đề “Đổi mới Tài chính” diễn ra mới đây, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, tính đến đầu năm 2025, số lượng tài khoản thanh toán cá nhân đạt hơn 200 triệu. 

Nhiều ngân hàng đã giảm tỷ lệ chỉ phí trên thu nhập (CIR) xuống dưới ngưỡng 30%, thể hiện tính hiệu quả nhờ chuyển đổi số toàn diện, tiệm cận với các tổ chức tài chính hàng đầu trong khu vực.

Theo ông Lê Anh Dũng, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, với khát vọng vươn tầm trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, như định hướng trong Nghị quyết 57- NQ/TW của Bộ Chính trị về về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. 

Trong kỷ nguyên này, chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là động lực cốt lõi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Là huyết mạch của nền kinh tế, ngành Ngân hàng giữ vai trò tiên phong trong hành trình chuyển đổi số, không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng mà còn đóng góp vào mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.

Những năm vừa qua, ngành Ngân hàng Việt Nam đã đạt được những bước tiến nhanh và mạnh trong chuyển đổi số, phù hợp với Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 810/QĐ-NHNN). Các tổ chức tín dụng đã đầu tư mạnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy, dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud), tự động hóa quy trình bằng rôbốt (RPA)... để nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng trải nghiệm khách hàng và quản lý rủi ro hiệu quả hơn. 

Đặc biệt, xu hướng siêu cá nhân hóa (hyper-personalization) đang trở thành điểm nhấn, cho phép chào mời, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ may đo theo từng khách hàng gắn với bối cảnh giao dịch dựa trên phân tích dữ liệu thời gian thực.

Những nỗ lực này đã mang lại kết quả ấn tượng. Tính đến đầu năm 2025, tại nhiều tổ chức tín dụng, hơn 90% giao dịch tài chính được thực hiện qua các kênh số, phản ánh nỗ lực lớn và thành công của toàn Ngành trong phương châm lấy khách hàng làm trọng tâm, cung cấp trải nghiệm vượt trội và cung cấp lợi ích thiết thực cho người dùng dịch vụ. Phần lớn ngân hàng đã kết nối và khai thác hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, triển khai định danh khách hàng qua căn cước công dân gắn chip. 

Tăng trưởng giao dịch qua Internet, thiết bị di động và mã QR lần lượt đạt 35%, 33% và 66% so với cùng kỳ năm 2024. 

"Những con số này không chỉ minh chứng cho tốc độ chuyển đổi số mà còn thể hiện sự phổ cập tài chính, giúp hàng chục triệu người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa, tiếp cận các dịch vụ tài chính tiện ích, hiện đại", ông Lê Anh Dũng nhấn mạnh.

Lan Anh

Nguyễn Đức Hải

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/ky-luc-moi-cua-nganh-ngan-hang-so-tai-khoan-thanh-toan-ca-nhan-tai-viet-nam-can-moc-200-trieu-tai-khoan-205250416100205743.htm