Sau hơn 1 thập kỷ đi ngang, nhu cầu điện của Mỹ được dự báo sẽ tăng vọt vào năm 2030, theo báo cáo của hãng tư vấn Rystad Energy. Cuộc cách mạng AI, ngành bán dẫn và xu hướng điện khí hoá các phương tiện chính là nguyên nhân đẩy nhu cầu điện gia tăng. Đáng nói nhất, 3 yếu tố trên diễn ra ngay trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới nỗ lực tìm cách giải bài toán biến đổi khí hậu.
Theo CNBC, chỉ riêng hoạt động xây dựng trung tâm dữ liệu và phân phối xe điện đã có thể làm nhu cầu điện tăng thêm 290 terawatt giờ vào cuối thập kỷ này. Ông Surya Hendry, nhà phân tích của Rystad, cho hay: “Với tốc độ tăng trưởng nhu cầu như vậy, các doanh nghiệp sẽ phải chạy đua sản xuất thêm điện mà không làm hệ thống điện quá tải căng thẳng”.
Theo ông Petter Skantze, Phó Giám đốc cấp cao tại NextEra Energy Resources, các gã khổng lồ công nghệ như Amazon, Google, Microsoft và Meta đang khẩn trương kêu gọi các công ty điện lực tăng sản lượng. Trong một số trường hợp, các trung tâm dữ liệu có thể cần tới 1 gigawatt điện để đáp ứng nhu cầu vận hành. Để so sánh, 1 gigawatt tương đương với công suất của một lò phản ứng hạt nhân, theo CNBC.
“Đây là một tình huống khẩn cấp. Các công ty công nghệ cần thêm điện năng để thúc đẩy chu kỳ tăng trưởng tiếp theo”, ông Skantze phát biểu tại một hội nghị vào tuần trước. “Họ đến nhà máy điện, đập cửa và bày tỏ mong muốn được cấp thêm điện”.
Cũng theo ông Skantze, thách thức lớn hiện nay là liệu các công ty điện lực có đủ nguồn lực để kết nối những dự án trung tâm dữ liệu mới với lưới điện hay không. Rủi ro với nền kinh tế Mỹ theo đó là rất lớn.
“Chúng ta sắp chứng kiến nhu cầu điện năng tăng đột biến và cần thêm nhiều trạm truyền tải, biến áp. Thế nhưng điều này lại quá khó để thực hiện”, Cựu Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang (FERC) Neil Chatterjee nói.
Ủy ban FERC ước tính Mỹ sẽ cần xây mới thêm 34 nhà máy điện hạt nhân trong 5 năm tới để đáp ứng cuộc đua công nghệ hiện nay. Sự bùng nổ của thương mại điện tử, các nhà máy sản xuất bán dẫn, xu hướng tiêu dùng online.. đều là những yếu tố đẩy nhu cầu điện năng tại Mỹ tăng vọt.
“Nếu chúng tôi không thể tăng nguồn cung điện thì các trung tâm dữ liệu không thể vận hành, sản xuất. Chúng tôi không thể hỗ trợ hoạt động kinh doanh cốt lõi của một số doanh nghiệp lớn”, ông nói.
Trao đổi với các nhà đầu tư vào đầu tháng trước, CEO công ty điện lực NextEra Energy là ông John Ketchum cho biết nhu cầu điện của Mỹ sẽ tăng 38% trong hai thập kỷ tới, gấp 4 lần so với tốc độ tăng trưởng hàng năm suốt 20 năm qua.
Được biết, Southern Company, công ty điện lực lớn thứ hai ở Mỹ tính theo vốn hoá, đang chứng kiến nhu cầu tăng cao kỷ lục. CEO Chris Womack ước tính nhu cầu điện sẽ tăng gấp 3-4 lần, đồng thời nhấn mạnh việc cung cấp đủ điện năng cho các công ty công nghệ là một nhiệm vụ cấp bách.
Theo ông Womack, 80% nhu cầu điện năng vào cuối thập kỷ này sẽ được đáp ứng bằng năng lượng tái tạo. Điện hạt nhân và khí đốt tự nhiên cũng đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế,
“An ninh năng lượng sẽ giúp đảm bảo an ninh quốc gia, đồng thời hỗ trợ an ninh kinh tế”, CEO Chris Womack cho biết.
Theo Fortune, hệ thống lưới điện hơn 800.000 km của Mỹ với hàng nghìn trạm phát điện đã tồn tại nửa nửa thế kỷ mà chưa có được một lần đại tu hay đổi mới với quy mô lớn nào. Mạng lưới này đang được 10 nhà điều hành độc lập quản lý với sự chồng chéo chức năng.
Báo cáo của Liên đoàn điện lực Bắc Mỹ (NERC) ước tính hơn 300 triệu người ở khu vực này sẽ bị thiếu điện trong năm 2024 do nhu cầu năng lượng đang bùng nổ mạnh nhất 5 năm qua. Trong khoảng 2009-2023, nước này chứng kiến gấp đôi số lần mất điện do thời tiết, trong đó, khoảng 80% là do thời tiết tác động đến mạng lưới truyền tải.
“Phần lớn cơ sở hạ tầng truyền tải điện của Mỹ đã quá cũ, có tuổi đời 50-60 năm. Điều này tạo nên những thách thức trong việc chuyển đổi năng lượng”, Phó giám đốc Romany Webb của Trung tâm biến đổi khí hậu Sabin thừa nhận.
Trước đó, đợt nắng nóng kỷ lục tại Mỹ đã khiến một số nhà máy điện phải ngừng hoạt động để bảo trì. Nguy cơ thiếu điện gia tăng do các nhà máy điện truyền thống bị ngừng hoạt động sớm trong khi nước này chưa thể thay thế chúng bằng năng lượng tái tạo.
“Tình trạng này do nhiều yếu tố, gồm một số nhà máy điện đóng cửa theo lộ trình, nhu cầu giờ cao điểm được dự báo tăng mạnh và lưới điện khó hoạt động ổn định khi nắng nóng diện rộng”, NERC cho biết
Theo: CNBC, Fortune
Vũ Anh
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/la-nen-kinh-te-lon-nhat-the-gioi-nhung-my-dang-thieu-dien-nguyen-nhan-toi-tu-2-nhan-to-bat-ngo-20517170.htm