Tập đoàn Volkswagen cảnh báo có thể phải đóng cửa nhà máy lắp ráp thương hiệu Audi tại Brussels do nhu cầu đối với dòng xe điện cao cấp giảm mạnh. Mục tiêu biên lợi nhuận trong năm nay hiện cũng đã được điều chỉnh giảm để phù hợp với tình hình thị trường.
VW chưa đóng cửa bất kỳ nhà máy nào kể từ khi dừng hoạt động nhà máy Westmoreland ở Pennsylvania, Mỹ, vào năm 1988. Động thái phần nào cho thấy các nhà sản xuất ô tô đã bị ảnh hưởng nặng nề như thế nào do nhu cầu xe điện thấp đi. Hồi đầu năm nay, Audi cũng đã cảnh báo doanh số của hãng sẽ giảm vào năm 2024.
Trong một tuyên bố vào ngày 9 tháng 7, VW cho biết chi phí tìm kiếm mục đích sử dụng thay thế cho nhà máy tại Brussels, đóng cửa nhà máy, cũng như các chi phí ngoài kế hoạch khác, có thể lên tới 2,6 tỷ euro (2,8 tỷ đô la) trong năm tài chính 2024.
Được biết, tập đoàn VW đã hạ dự báo lợi nhuận hoạt động từ 7-7,5% xuống 6,5-7%. Porsche, công ty sở hữu gần 30% tập đoàn VW nhưng nắm giữ phần lớn quyền biểu quyết, cũng phải hạ dự báo thu nhập xuống còn 3,5-5,5 tỷ euro.
Nhu cầu đối với mẫu xe Q8 E-tron của Audi, mẫu xe duy nhất được sản xuất tại nhà máy Brussels, đã giảm mạnh và hãng sản xuất ô tô này đang cân nhắc việc ngừng sản xuất hoàn toàn. Một nguồn tin thân cận với công ty cho biết điều này có thể xảy ra vào năm 2025.
Nhà máy tại Brussels, nơi đã sản xuất khoảng 50.000 ô tô vào năm ngoái, cũng phải đối mặt với những thách thức lâu dài, chẳng hạn như chi phí hậu cần cao. Hiện có khoảng 3.000 nhân viên đang làm việc tại nhà máy.
Lợi nhuận hoạt động trong quý đầu tiên của VW đã giảm 20%, một phần bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ giao hàng tại Audi, sau khi nhà máy ở Brussels đóng cửa 2 tuần vì thiếu linh kiện. Người phát ngôn vào thời điểm đó cho biết Audi đang đánh giá nên tiếp tục sản xuất dòng xe nào tại nhà máy.
“Ban quản lý phải chịu trách nhiệm về địa điểm này”, Rita Beck, phát ngôn viên tại Hội đồng Nhà máy Tập đoàn VW Châu Âu, cho biết.
Theo The Economist, các nhà sản xuất ô tô đang phải đối mặt với những thách thức vô cùng lớn từ tham vọng chuyển đổi điện khí hóa. Các chuyên gia cùng ngành thừa nhận nhiều nhà máy sẽ phải thu hẹp quy mô hoạt động, thậm chí là đóng cửa, nếu còn đang sản xuất các bộ phận cho động cơ đốt trong.
Một trong những rào cản lớn nhất của Volkswagen là ô tô của hãng vốn được phát triển ở Đức để phục vụ khách hàng châu Âu, sau đó mới được điều chỉnh để phù hợp cho người tiêu dùng Trung Quốc. Trong nhiều năm, chiến lược có phần “cũ kỹ” này đã khiến thương hiệu gặp khó, nhất là sau khi các thương hiệu nội địa Trung tung ra mẫu xe công nghệ mới thông minh hơn.
Theo một cựu giám đốc điều hành quyết định rời công ty trong những năm gần đây để gia nhập một nhà sản xuất xe điện hàng đầu Trung Quốc, Volkswagen có thể sẽ gặp “trái đắng” bởi sự “bảo thủ” khi làm xe điện khi các thương hiệu khác đang tung ra nhiều mẫu thử nghiệm vận dụng công nghệ tiên tiến.
Theo The Economist, ngành công nghiệp xe hơi đóng vai trò vô cùng quan trọng với kinh tế Đức. Một nghiên cứu gần đây cho thấy 48 trong tổng số 400 thành phố và quận của Đức đều phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp ô tô nếu xét tới số lượng việc làm. Chính vì vậy, theo Wolfgang Schroeder, thành viên tại WZB, nếu ngành sản xuất ô tô tàn lụi, nước Đức sẽ phải đối mặt với “nhiều cuộc khủng hoảng cục bộ ”. Các mối quan hệ công nghiệp nhìn chung cũng sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.
“Ô tô là biểu hiện lớn nhất của việc Đức tập trung hoàn toàn vào kỹ thuật cơ khí”, ông Rüdiger Bachmann nói, đồng thời cho biết một khi ngành công nghiệp xe hơi không còn giữ vị thế thống trị, trợ cấp chính phủ sẽ có xu hướng chảy vào các công ty khởi nghiệp. Ngày càng ít thanh niên Đức sẽ theo học kỹ thuật cơ khí và thay vào đó, họ chọn khoa học máy tính nhiều hơn.
Theo: The Economist, Automotive News Europe
Cộng tác viên
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/lan-dau-tien-sau-gan-4-thap-ky-volkswagen-co-the-phai-dong-cua-nha-may-vi-xe-dien-e-205241207155509609.htm