Lật tẩy 'bộ mặt thật' của Telegram: Núp bóng ứng dụng nhắn tin tỷ USD nhưng thực chất là web đen, phục vụ tội phạm có tổ chức

Telegram hoạt động như một thỏi nam châm thu hút những kẻ phạm pháp, âm mưu tung tin sai lệch hay những nhân vật cực đoan muốn chạy trốn khỏi những nền tảng bị kiểm soát như Facebook, YouTube.

Hàng ngày, kênh Telegram Gun Shop America đều đăng tải đều đặn các bức ảnh hàng lậu bán cho gần 26.000 người đăng ký. Sản phẩm rất đa dạng, bao gồm cả khẩu Glock 9mm kèm đạn dược với giá 500 USD hay thẻ ngân hàng giả với giá 5.000 USD.

“Hãy tiếp tục nhận đơn đặt hàng của bạn”, chủ sở hữu kênh ẩn danh viết trên nguồn cấp dữ liệu công khai của mình, sau đó đon đả mời những người theo dõi nhắn tin trực tiếp cho y để mua hàng bằng bitcoin hoặc đô la Mỹ. “Đừng ngủ nhé các bạn, sắp đến Giáng sinh rồi, bắt tay vào thôi!!!”.

Telegram Gun Shop America chỉ là một trong số hàng chục nghìn nhóm kênh được các chuyên gia tội phạm học và an ninh mạng theo dõi. Họ lập luận rằng ứng dụng truyền thông xã hội Telegram đã trở thành “web đen” mới, nơi những kẻ vi phạm pháp luật và tin tặc trao đổi dịch vụ bất hợp pháp một cách trắng trợn.

Haywood Talcove, giám đốc điều hành LexisNexis Risk Solutions, người đã theo dõi Telegram từ lâu cho biết: “Telegram là phương tiện truyền thông xã hội dành cho tội phạm có tổ chức”.

Thế giới ngầm bùng nổ chỉ là một khía cạnh trong sự phát triển nhanh chóng của nền tảng Telegram. Ngay từ khi thành lập vào năm 2013, giám đốc điều hành Pavel Durov đã tìm cách biến đây trở thành giải pháp hướng đến quyền riêng tư và không bị chính phủ can thiệp.

“Ở một số thị trường, Telegram là một trong số ít nền tảng miễn phí. Châu Á là thị trường lớn nhất khi nền tảng có tới 900 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, tăng từ mức 500 triệu vào đầu năm 2021”, CEO Telegram nói.

Durov, 39 tuổi, hiếm khi trả lời phỏng vấn truyền thông. Ông cũng thích chức danh “giám đốc sản phẩm” hơn là giám đốc điều hành. Hiện Telegram chỉ có khoảng 50 nhân viên toàn thời gian, trong đó có đội ngũ 30 kỹ sư ưu tú được lựa chọn cẩn thận. Nhờ các tính năng phát sóng mới giống như X, Telegram đã trở thành ‘loa phóng thanh’ cho các nhà lãnh đạo toàn cầu. Tuy nhiên, nó cũng hoạt động như một thỏi nam châm thu hút những kẻ phạm pháp, âm mưu tung tin sai lệch hay những nhân vật cực đoan muốn chạy trốn khỏi những nền tảng bị kiểm soát như Facebook, YouTube. Các chuyên gia cảnh báo Telegram đang ngày càng được ‘vũ khí hóa’ để giúp chính phủ tuyên truyền thông tin đến người dân.

Đặt trụ sở chính tại Dubai, Telegram có thể thoát khỏi phần lớn sự giám sát vốn đã gây khó khăn cho các nền tảng tương tự ở Thung lũng Silicon. “Ở Dubai, chính phủ không làm phiền chúng tôi”, Durov nói và gắn nhãn cho tiểu vương quốc này là “trung lập”. Hiện Telegram được định giá 30 tỷ USD. 

Tuy nhiên, thời điểm Telegram tiếp tục mở rộng quy mô, kiếm tiền thông qua quảng cáo và chuẩn bị ra mắt thị trường tiềm năng, nền tảng này có thể sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để chế ngự các mặt tối của mình.

“Các nhà đầu tư nên lo lắng về thế giới tội phạm ngầm cũng như các vấn đề minh bạch tại Telegram”, Jeff Allen, đồng sáng lập kiêm giám đốc nghiên cứu của Integrity Institute, một tổ chức tư vấn tại Mỹ, nói.

CEO Durov có nhiều điểm giống các tỷ phú sáng lập công nghệ ở Thung lũng Silicon, chẳng hạn như theo đuổi chủ nghĩa tối giản và tập thể dục mỗi sáng. Trong nhiều năm, ông cũng luôn khẳng định mình là người thích tự do ngôn luận cực đoan.

Vấn nạn Telegram: Phục vụ tội phạm có tổ chức, đã trở thành ‘web đen’, CEO chủ đích không để chính phủ can thiệp - Ảnh 1.

Theo lời kể, Durov và anh trai Nikolai lần đầu tiên phát triển Telegram như một “công cụ riêng tư” để cặp đôi liên lạc khi không có ứng dụng nhắn tin an toàn nào khác. Những tiết lộ của Edward Snowden về việc Mỹ giám sát hàng loạt người dân đã thúc đẩy họ quyết định chia sẻ ứng dụng này với công chúng vào năm 2013, nhấn mạnh đây như một nền tảng nhắn tin chống giám sát.

“Sự tin tưởng vào Telegram chính là sự tin tưởng vào cá nhân Durov - rằng ông ấy sẽ làm mọi thứ để duy trì quyền tự do ngôn luận”, Aleksandra Urman, một nhà nghiên cứu tại Đại học Zurich, nói.

Cách tiếp cận mới mẻ tự do giúp thúc đẩy tăng trưởng cho Telegram. Ứng dụng mở rộng từ việc tập trung vào những ‘cuộc trò chuyện bí mật’ sang tích hợp nhiều tính năng mới mỗi năm, bao gồm giao diện tùy chỉnh, công cụ chia sẻ tệp lớn, nhóm 200.000 thành viên và các kênh với số lượng thuê bao không giới hạn.

Trong nội bộ, ông Durov, người coi Meta là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của mình, theo đuổi tâm lý khởi nghiệp kiểu cũ là “tiến nhanh và phá vỡ mọi thứ”. Ông xây dựng nhóm kỹ sư nhỏ và bí mật ở Dubai bằng cách tổ chức các cuộc thi lập trình trực tuyến và tìm kiếm nhà vô địch, bất kể tuổi tác, địa điểm hay kinh nghiệm trước đó.

Một nhóm chỉ có 7 quản trị viên hệ thống quản lý hơn 80.000 máy chủ, thuộc sở hữu của công ty và được phân phối trên toàn cầu. “Nhóm không có lựa chọn nào khác ngoài việc tự động hóa mọi thứ ở mức độ cao nhất. Kết quả là chúng tôi đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí”, CEO Telegram nói.

Sau khi huy động được khoảng 2 tỷ USD trong những năm gần đây, Telegram cố gắng kiếm tiền, chủ yếu thông qua việc giới thiệu nền tảng quảng cáo và doanh thu từ thuê bao. Durov tuyên bố họ sắp có lãi sau 2 năm tung ra dịch vụ quảng cáo ở một số thị trường nhất định.

Mục tiêu bán hàng dài hạn hơn của Telegram là trở thành một ‘cửa hàng tổng hợp’, cho phép các nhà phát triển xây dựng ứng dụng thương mại điện tử, trò chơi và tiền số. Đây sẽ trở thành một trong số ít các công ty chính thống nắm bắt công nghệ “web3” phi tập trung.

Hệ sinh thái này, củng cố bởi chuỗi khối TON, ban đầu được phát triển bởi nhóm Telegram và thu hút được rất nhiều các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Durov kỳ vọng nền tảng sẽ tiếp cận được “1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng trong khoảng từ 12 đến 14 tháng”.

Theo: FT

Vũ Anh

Vũ Anh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/lat-tay-bo-mat-that-cua-telegram-nup-bong-ung-dung-nhan-tin-ty-usd-nhung-thuc-chat-la-web-den-phuc-vu-toi-pham-co-to-chuc-20510906.htm