Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
Theo đó, tiến độ thực hiện dự án không quá 24 tháng kể từ ngày Nhà đầu tư được Nhà nước bàn giao đất, cho thuê đất. Cụ thể, giai đoạn 1 (với quy mô sử dụng đất 70ha): Thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, môi trường... và bồi thường giải phóng mặt bằng: 06 tháng kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (ngày 11/3/2024).
Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp: 12 tháng kể từ ngày được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
Giai đoạn 2 (với quy mô sử dụng đất 53,94ha) triển khai thực hiện đầu tư từ năm 2026. Thực hiện các thủ tục hành chính về xây dựng, môi trường... trên phần diện tích đất còn lại và bồi thường giải phóng mặt bằng trong 6 tháng. Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp trong 12 tháng kể từ ngày được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
Tổng vốn đầu tư xây dựng của dự án là 1.836 tỷ đồng.
Dự án được thực hiện tại xã Phúc Sơn và xã Lam Cốt, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang với diện tích 123,94 ha (Diện tích quy hoạch Khu công nghiệp Phúc Sơn là 125ha, trong đó có khu đất của Công ty cổ phần Vinahan 0,57ha và diện tích sân bóng thôn Trám là 0,49 ha. Diện tích Dự án không bao gồm diện tích Công ty cổ phần Vinahan và diện tích sân bóng thôn Trám).
Dự án có vị trí tiếp giáp phía Tây Bắc giáp đường tỉnh lộ 297 và thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn. Phía Đông Bắc tiếp giáp đường Kênh Chính (297B) ven sông Máng. Phía Tây giáp đường tỉnh lộ 297, khu dân cư và đất nông nghiệp thôn Tiền Sơn, xã Phúc Sơn và thôn Ngo, xã Lam Cốt. Phía Nam giáp đất nông nghiệp và dân dư các thôn: Kép Thượng, Vân Thành, Me Điền, An Liễu thuộc xã Lam Cốt.
Theo thống kê hiện trạng sử dụng đất của Dự án, trong ranh giới thực hiện dự án 123,94 ha chủ yếu là đất chuyên trồng lúa nước (78,21%), còn lại là đất trồng cây hàng năm khác (5,05%), đất nuôi trồng thủy sản (2,93%), đất thủy lợi (4,68%); đất nghĩa trang (0,48%), đất bằng chưa sử dụng (0,2%), đất giao thông (8,27%), đất chứa chất thải, rác thải (0,05%), đất mặt nước chuyên dùng (0,14%).
Hiện tại diện tích đất nông nghiệp đang được người dân 2 xã Phúc Sơn và xã Lam Cốt, huyện Tân Yên canh tác trồng lúa và trồng màu.
Dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên (diện tích 96,94 ha) theo quy định của pháp luật về đất đai.
Ngoài ra số lượng hộ dân bị thu hồi đất và ảnh hưởng bởi dự án dự kiến là khoảng 388 hộ trong đó xã Phúc Sơn là 226 hộ; xã Lam Cốt là 232 hộ.
Về Le Delta, doanh nghiệp này được thành lập vào 10/2005, có địa chỉ tại Hà Nội. Công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực như y tế, xây dựng, bất động sản, nông nghiêp công nghệ cao, Khai thác mỏ, khoáng sản, môi trường và năng lượng tái tạo.
Tại lần đăng ký thay đổi hồi tháng 11/2021, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ từ 1.501 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật hiện nay là ông Ngô Văn Hùng. Ngoài ra, ông Hùng hiện đang là người đại diện pháp luật của CTCP Cà phê EA Pốk (UpCOM: EPC), CTCP Môi trường và Dịch vụ Đô thị Vĩnh Yên, CTCP Tập đoàn Công nghệ HTP.
Cộng tác viên