Trong Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 mà Tổng công ty Licogi - CTCP (MCK: LIC, UPCoM) công bố, doanh thu thuần của doanh nghiệp này giảm 6,6% so với cùng kỳ, xuống 388 tỷ đồng. Đây là quý có doanh thu thấp nhất kể từ quý II/2017.
Nguyên nhân của việc tụt giảm doanh thu do doanh thu mảng kinh doanh hàng hóa, bất động sản suy giảm 10%, đạt 276 tỷ đồng và doanh thu mảng xây dựng giảm 42%, đạt 60 tỷ đồng. Doanh thu giảm khiến lợi nhuận gộp của Licogi cũng giảm 19% so với quý I/2022, chỉ còn 33,9 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính chỉ đạt 2,8 tỷ đồng, giảm mạnh tới 97,5% so với cùng kỳ. Sau khi trừ hết các loại chi phí, lợi nhuận trước thuế của Licogi âm gần 23 tỷ đồng, giảm tới 223,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận âm 23,5 tỷ đồng, giảm 234,3% so với quý I/2022.
Giải trình về lý do lợi nhuận sau thuế tụt giảm mạnh như vậy, Licogi cho biết, do doanh thu hoạt động tài chính quý I.2023 của công ty mẹ giảm so với cùng kỳ năm 2022, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư vào công ty liên doanh liên kết giảm do lợi nhuận CTCP Thủy điện Bắc Hà, CTCP Licogi 14 giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Kết thúc kỳ kế toán quý I/2023, tổng tài sản của LIC đạt 4.098 tỷ đồng, giảm 1,4% so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn đạt 842 tỷ đồng, giảm 4%; riêng khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi đạt 375 tỷ đồng. Hàng tồn kho đạt 784 tỷ đồng, tăng nhẹ. Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn đạt 1.138 tỷ đồng, tăng 1,6%.
Nợ phải trả tại ngày 31/3/2023 đạt 3.676 tỷ đồng, giảm 1% so với đầu năm, trong đó, nợ vay chiếm 50%, đạt 1.853 tỷ đồng.
Trong một diễn biến khác, mới đây, cổ phiếu LIC của Licogi đã bị đưa vào diện cảnh cáo do Báo cáo tài chính năm bị tổ chức kiếm toán đưa ra ý kiến kiểm toán loại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên.
Trước đó, tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, ý kiến loại trừ kiểm toán viên như sau: Đối với dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt, kiểm toán viên cho biết tính đến thời điểm 1/1/2022, Licogi đã thực hiện vốn hóa lãi vay vào khoản mục "Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn" của dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt với tổng giá trị lũy kế là 393,1 tỷ đồng. Trong năm 2022, Tổng công ty tiếp tục thực hiện vốn hóa lãi vay vào "Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn" là 2,1 tỷ đồng. Theo đó, tổng giá trị chi phí lãi vay được vốn hóa lũy kế đến ngày 31/12/2022 là 395,2 tỷ đồng.
Phía kiểm toán không thể thu thập được các thông tin cần thiết để xác định chi phí lãi vay vốn hóa vào dự án theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 16 - Chi phí lãi vay do dự án này vẫn tiếp tục kéo dài.
Giải trình về vấn đề này, phía Licogi cho biết, dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt được UBND TP.Hà Nội ra quyết định cấp phép đầu tư xây dựng vào ngày 17/9/2007 cho Tổng Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng sau đó được chuyển giao lần lượt cho Tổng công ty Licogi - CTCP và Công ty TNHH MTV Nhà ở và đô thị Licogi.
Các chi phí lãi vay vốn hóa liên quan trực tiếp đến dự án này, tuy nhiên dự án kéo dài vì các yếu tố khách quan, đến thời điểm hiện tại dự án vẫn đang trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng và tiếp tục thực hiện trong thời gian tới nên Tổng công ty vẫn tiếp tục vốn hóa chi phí lãi vay liên quan đến dự án này mà không tạm dừng vốn hóa chi phí lãi vay.
Dự kiến trong năm 2023, Locogi sẽ đốc thúc Công ty TNHH MTV Nhà ở và đô thị Licogi liên hệ với các cơ quan thẩm quyền để được hướng dẫn thực hiện các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật để dự án tiếp tục triển khai, Công ty TNHH MTV Nhà ở và đô thị Licogi thực hiện kinh doanh dự án, có doanh thu và có lợi nhuận. Khoản chi phí lãi vay đã vốn hóa, các khoản tạm ứng cho Ban quản lý dự án được thu hồi/hoàn ứng, được hạch toán và chi phí của Dự án.
Bình Đức (t/h)
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/licogi-bao-loi-nhuan-am-235-ty-dong-trong-quy-i2023-2051250.htm