Cách đây hơn 1 năm, ngày 15/10/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố quyết định kiểm soát đặc biệt Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) để ổn định hoạt động của ngân hàng này. Việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành Ngân hàng SCB.
Đại diện SCB cho biết, sau hơn 1 năm được đưa vào kiểm soát đặc biệt, SCB đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan triển khai các giải pháp theo quy định pháp luật để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền.
Đến nay, SCB vẫn liên tục nhận được sự hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời, sát sao từ Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng để từng bước ổn định, xử lý các khó khăn, vướng mắc và tập trung xây dựng Đề án tái cơ cấu ngân hàng, hướng đến ổn định hoạt động ngân hàng và đưa SCB phát triển trong giai đoạn mới.
Bên cạnh xử lý các vấn đề hiện hữu, ngân hàng này cũng đang đẩy mạnh tái cơ cấu mạng lưới hoạt động với việc đóng cửa phòng giao dịch tại nhiều tỉnh thành.
Mới nhất, SCB đã thông thông báo chấm dứt hoạt động 6 phòng giao dịch tại TP HCM trong đầu tháng 12. Trước đó, ngân hàng này đã thông báo đóng cửa 21 phòng giao dịch tại Đồng Nai, Đà Nẵng, Gia Lai, Long An, TP HCM và Hà Nội trong tháng 10 và tháng 11.
Thống kê từ website của SCB, từ khi bị kiểm soát đặc biệt đến nay, ngân hàng này đã thông báo đóng cửa tổng cộng 39 phòng giao dịch tại 9 tỉnh, thành phố là TP HCM (27 PGD), Hà Nội (5 PGD), Hải Phòng (1 PGD), Nghệ An (1 PGD), Bình Định (1 PGD), Đồng Nai (1 PGD), Đà Nẵng (1 PGD), Gia Lai (1 PGD) và Long An (1 PGD).
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng đã có văn bản chấp thuận việc SCB chấm dứt hoạt động Phòng giao dịch Phương Mai, Phòng giao dịch Hàng Gà tại Hà Nội. Song, SCB hiện chưa có thông báo chính thức về việc chấm dứt hoạt động hai phòng giao dịch này.
Theo báo cáo điều tra của cơ quan công an, vào tháng 10/2022 - thời điểm trước khi bị kiểm soát đặc biệt, SCB có một hội sở chính ở TP HCM, 50 chi nhánh và 184 phòng giao dịch trên cả nước. Như vậy, sau khi đóng cửa 39 phòng giao dịch kể từ khi bị kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng SCB hiện còn lại 145 phòng giao dịch trên cả nước trong khi vẫn giữ nguyên số chi nhánh ở mức 50.
Cũng theo báo cáo điều tra của cơ quan công an, trên hệ thống sổ sách kế toán của Ngân hàng SCB thể hiện tổng số tiền huy động của người dân và vay của các cơ quan tổ chức khác tại thời điểm ngày 17/10/2022 (ngày khởi tố vụ án Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng) là 673.586 tỷ đồng, bao gồm: 511.262 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng; 76.845 tỷ đồng phát hành giấy tờ có giá; 66.030 tỷ đồng vay NHNN; 12.693 tỷ đồng tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác và 6.756 tỷ đồng vay các tổ chức tín dụng khác.
Vốn chủ sở hữu của Ngân hàng SCB tại thời điểm ngày 17/10/2022 được ghi nhận trên sổ sách là 21.036 tỷ đồng.
Số tiền huy động, vốn chủ sở hữu nói trên tồn tại dưới các hình thức:
Tài sản vật chất hiện hữu: 45.188 tỷ đồng (bao gồm: Tồn quỹ tiền mặt 8.568 tỷ đồng; Tiền gửi NHNN và các tổ chức tín dụng khác: 20.759 tỷ đồng; Đầu tư vào Công ty con và các khoản đầu tư dài hạn khác: 1.113 tỷ đồng; Tài sản cố định: 5.328 tỷ đồng; Mua chứng khoán Chính phủ, chứng khoản chính quyền địa phương 9.202 tỷ đồng; Mua chứng khoán nợ, chứng khoán vốn do tổ chức tín dụng trong nước phát hành: 218 tỷ đồng).
Các khoản phải thu khách hàng liên quan đến tín dụng, gồm các khoản cho vay không có tài sản bảo đảm (thấu chi, thẻ tín dụng) hoặc cho vay được đảm bảo bởi các tài sản cầm cố, thế chấp tại Ngân hàng SCB: 556.359 tỷ đồng (chị tiết như sau: Cho vay khách hàng (đã trừ các khoản vay đã sử dụng dự phỏng để xử lý): 390.316 tỷ đồng; Mệnh giá trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành: 58.679 tỷ đồng; Số tiền Bán nợ trả chậm chưa thu được: 69.576 tỷ đồng; Bán trái phiếu trả chậm: 1.022 tỷ đồng; Nhận tài sản thay thế nghĩa vụ trả nợ: 32.832 tỷ đồng; Các khoản phải thu UPAS L/C: 3.901 tỷ đồng; Bán tài sản trả chậm: 33 tỷ đồng).
Các khoản phải thu liên quan khác, gồm khoản nợ lãi, phí phải thu từ khách hàng; Các công cụ tài chính phát sinh và các tài sản tài chính; Số tiền chuyển nhượng Chứng chỉ tiền gửi ngày 07+08/10/2022; Các khoản phải thu và tài sản có khác: 135.173 tỷ đồng.
Các quỹ dự phòng rủi ro, hao mòn tài sản cố định là 23.300 tỷ đồng.
Quốc Thụy