Trong quý III/2023, thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục khá mạnh mẽ. Mặt bằng giá cổ phiếu được đẩy lên cao đã giúp nhiều công ty chứng khoán 'chốt lời' danh mục tự doanh. Dù vậy, cú sụt về cuối quý III đã khiến thành tích tự doanh kém hơn so với quý II/2023 khi thị trường có nhịp tăng bền bỉ hơn 10%.
Thống kê từ báo cáo tài chính quý III/2023 của hơn 70 công ty chứng khoán, mảng tự doanh đem về lợi nhuận 3.136 tỷ đồng, giảm 10% so với quý trước song gấp 4,6 lần cùng kỳ.
Trong quý III/2023 có 7 công ty chứng khoán thu lãi tự doanh trên 100 tỷ đồng gồm: TCBS (645 tỷ đồng), VND (644 tỷ đồng), SSI (590,6 tỷ đồng), Chứng khoán VPBank (273 tỷ đồng), VCI (124 tỷ đồng), VIX (114 tỷ đồng), Chứng khoán Vietcombank (104 tỷ đồng)
Trong đó, tự doanh của Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) bứt phá mạnh và đứng đầu về lợi nhuận với hơn 645 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần quý liền trước và gấp 4,2 lần cùng kỳ năm ngoái.
Hoạt động tự doanh đóng góp chính vào doanh thu và lợi nhuận của một số công ty chứng khoán trong kỳ vừa qua. Điển hình là Chứng khoán VNDirect với lãi từ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) chiếm tới hơn phân nửa cơ cấu doanh thu, đạt 925 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ. VND lãi đến 644 tỷ đồng từ hoạt động tự doanh, so với cùng kỳ chỉ đạt 24 tỷ đồng.
Hay như Chứng khoán Trí Việt (mã TVB) ghi nhận mảng tự doanh đóng góp chính vào hoạt động kinh doanh trong quý vừa qua. Theo đó, doanh thu hoạt động của TVB trong quý III//2023, đạt gần 31 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ. Trong đó, lãi từ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) chiếm tỷ trọng lớn, đạt 20,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 5,5 tỷ đồng.
Kết quả, hoạt động tự doanh của TVB lãi gần 23 tỷ đồng, tăng vọt so với cùng kỳ lỗ gần 14 tỷ đồng. Danh mục tự doanh tăng trưởng nhờ "chốt lời" một số cổ phiếu nổi bật như MBB, MWG, NKG, HSG... Qua đó, đóng góp vào lãi ròng 21 tỷ đồng của quý III năm nay, tích cực so với kết quả lỗ hơn 6 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Trong số các công ty nêu trên, có thể thấy xu hướng hiện nay là trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản phẩm tự doanh. Trong tài sản tài chính của TCBS ở dạng AFS, trái phiếu chưa niêm yết chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 14.000 tỷ đồng và còn gần 900 tỷ đồng trái phiếu niêm yết.
Một số công ty khác cũng dành phần lớn danh mục tự doanh cho trái phiếu như Chứng khoán VNDirect, VPBankS, Chứng khoán SSI...
Ngoài trái phiếu, nhiều công ty cũng duy trì lượng lớnchứng chỉ tiền gửi như: SSI, VNDirect, VCBS hay Chứng khoán FPT...
Ở chiều ngược lại, không ít công ty chứng khoán báo lỗ tự doanh trong quý III/2023. Trong đó, Chứng khoán HD (HDS) báo lỗ đậm nhất, tới hơn 205 tỷ đồng. Danh mục tài sản tài chính HDS đang nắm giữ chủ yếu là trái phiếu chưa niêm yết.
Xếp thứ hai là Chứng khoán VPS dù chiếm tới 20% thị phần mảng môi giới nhưng mảng tự doanh lại "đi lùi" khi báo lỗ gần 115 tỷ đồng. Công ty này nắm phần lớn công cụ thị trường tiền tệ và trái phiếu trong danh mục.
Xếp thứ ba là Chứng khoán Tiên phong (TPS) với khoản lỗ tự doanh hơn 74 tỷ đồng. Trong danh mục tài sản chính của TPS, chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu chưa niêm yết là 2 khoản chiếm tỷ trọng cao nhất.
Chứng khoán APEC đứng thứ tư với khoản lỗ tự doanh 40 tỷ đồng, nguyên nhân chính đến từ việc công ty nắm giữ các cổ phiếu "họ" APEC gồm API, IDJ.
Chứng khoán Aseansc lỗ tự doanh gần 37 tỷ đồng trong quý vừa qua. Danh mục tài sản chính của công ty tập trung mạnh vào cổ phiếu niêm yết như: HTM, TSJ, VNC, SGP, ABI. Trong sô đó chỉ SGP, VNC, ABI là đang có lãi.
Chứng khoán APG cũng lỗ tự doanh 21,3 tỷ đồng do chủ yếu nắm cổ phiếu niêm yết. Trong khi đó, Chứng khoán Thủ đô (CASC) lỗ 24% danh mục tài sản FVTPL, chiếm tỷ trọng lớn nhất là trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết.
Hà Ly (t/h)
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/lo-dien-nhung-dai-gia-chung-khoan-lai-tu-doanh-lon-nhat-quy-iii2023-2055459.htm