Lỗ lũy kế hơn 2.600 tỷ, 'Đại gia phố núi' Đức Long Gia Lai muốn bán đi 'nồi cơm' lớn nhất

Thương vụ Đức Long Gia Lai mua công ty linh kiện Mass Noble của Mỹ là một trong những thương vụ gây chú ý 9 năm về trước

CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán DLG) vừa công bố kế hoạch cấu trúc lại khoản đầu tư vốn góp tại Công ty TNHH Mass Noble Investments Limited (Mass Noble). Theo đó, Đức Long Gia Lai muốn thoái toàn bộ phần vốn góp tại công ty con này.

Đức Long Gia Lai cho biết Công ty đã đầu tư hơn 249 tỷ đồng, tương đương 97,73% vốn điều lệ của Mass Noble. Nếu hoàn tất thủ tục thoái vốn, Mass Noble không còn là công ty con của Đức Long Gia Lai. 

Mass Noble Investments Limited có trụ sở chính tại British Virgin Islands, một trong những thiên đường thuế trên thế giới.

HĐQT Đức Long Gia Lai ủy quyền cho Tổng Giám đốc tìm kiếm, ký kết hợp đồng thuê công ty thẩm định giá nhằm định giá lại giá trị Công ty Mass Noble cho phù hợp với thị trường hiện nay. Song song, tìm kiếm đối tác phù hợp để chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của Công ty tại công ty con này, với điều kiện giá chuyển nhượng không được thấp hơn mệnh giá cũng như giá trị sở hữu của Đức Long Gia Lai tại Mass Noble.

Được biết, thương vụ Đức Long Gia Lai mua công ty linh kiện Mass Noble là một trong những thương vụ gây chú ý 9 năm về trước. Vào tháng 5/2015, Đức Long Gia Lai bất ngờ thông báo đã thâu tóm Mass Noble thông qua hình thức hoán đổi cổ phiếu. Đức Long Gia Lai lúc bấy giờ phát hành cổ phiếu cho các cổ đông của Công ty Mass Noble với giá hoán đổi 12.500 đồng/cp, giá trị 249 tỷ đồng. Tỷ lệ hoán đổi là 1:1.4 (tức 1 cổ phiếu DLG đổi 1,4 cổ phiếu Mass Noble).

Hiện tại, giá cổ phiếu DLG là 1.990 đồng.

Mass Noble là công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử ANSEN của Mỹ, nhà máy đặt tại Tp.Đông Quảng (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc). Đây là nhà máy sản xuất quy mô lớn được xây dựng trên khuôn viên 40,000m2 (5 tầng), tập trung sản xuất, gia công sản phẩm điện tử viễn thông công nghệ cao như các loại đèn led cao cấp dùng cho nội thất, xe ô tô, đường phố và đường cao tốc; màn hình LCD… Thị trường tiêu thụ tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…


Đức Long Gia Lai được biết đến là một trong số Tập đoàn lớn của phố núi Gia Lai. Công ty khởi đầu là một doanh nghiệp chế biến gỗ tiêu dùng, kinh doanh bất động sản, thủy điện, nhà hàng khách sạn... Sau 20 năm phát triển, doanh nghiệp này xác định mục tiêu là một tập đoàn đa ngành nghề với chiến lược là nông nghiệp, năng lượng, cơ sở hạ tầng, sản xuất linh kiện điện tử… Việc lấn sân vào quá nhiều lĩnh vực và không hiệu quả khiến Công ty ngày càng sa sút. 

Từ năm 2016 - sau khi mua lại Mass Noble thì linh kiện điện tử là mảng đem lại doanh thu chính cho Đức Long Gia Lai cho đến nay. Tuy nhiên, doanh thu mảng này đã đạt đỉnh vào năm 2019 và suy giảm liên tục. Năm 2023, doanh thu từ mảng linh kiện điện tử là 573 tỷ, cùng với doanh thu 449 tỷ từ BOT 'gồng gánh' cho đại gia phố núi.

photo-1721143937275

 

Động thái bán công ty con diễn ra trong bối cảnh Đức Long Gia Lai đã báo lỗ 2 năm liên tiếp 2022-2023. Nếu không thể có lãi trong năm 2024, Công ty sẽ đối mặt án hủy niêm yết trong năm sau. Năm 2023, Đức Long Gia Lai thậm chí bị đối tác kiện mở thủ tục phá sản do không trả nợ.

Quý 1/2024, công ty vẫn báo lỗ và lỗ lũy kế tính đến cuối thời điểm 31/3/2024 là hơn 2.600 tỷ đồng. Nợ phải trả là 4.455 tỷ đồng, gấp gần 8 lần vốn chủ sở hữu.

Năm 2024, Đức Long Gia Lai đề kế hoạch 1.400 tỷ đồng doanh thu thuần (tăng 25% so với năm trước) và 120 tỷ đồng lãi sau thuế (năm 2023 lỗ gần 579 tỷ đồng).

Tri Túc

Cộng tác viên

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/lo-luy-ke-hon-2600-ty-dai-gia-pho-nui-duc-long-gia-lai-muon-ban-di-noi-com-lon-nhat-205241707000205681.htm