Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội – HNX, từ ngày 17 – 21/3/2023, Sở này đã công bố 57 thông tin mua lại trái phiếu trước hạn.
Đáng chú ý, trong 57 công bố của HNX, thì có 51 thông báo mua lại trái phiếu của các công ty gồm: CTCP Yamagata, CTCP Hakuba, CTCP Azura và CTCP Ataka Việt Nam, với tổng khối lượng khoảng 12.500 tỷ đồng.
Trong đó, CTCP Ataka Việt Nam có 17 đợt mua lại với khối lượng trị giá 3.429 tỷ đồng, CTCP Yamagata có 7 đợt mua lại với khối lượng trị giá 3.687 tỷ đồng, CTCP Hakuba mua lại 17 đợt với trị giá 1.366,7 tỷ đồng và CTCP Azura có 14 đợt với khối lượng trị giá 4.015 tỷ đồng.
Các lô trái phiếu của bốn công ty này được phát hành từ năm 2017- 2019, có thời hạn đến năm 2027- 2029, với tổng giá trị khoảng 47.000 tỷ đồng.
Trong đó Azura phát hành nhiều nhất với hơn 18.000 tỷ đồng trái phiếu chỉ trong vòng hơn 1 năm từ đầu 2018 đến đầu 2019.
Tiếp đến là Yamagata phát hành từ cuối năm 2017 – 2019 với tổng trị giá khoảng 15.700 tỷ đồng. Hai công ty còn lại là Ataka Việt Nam và Hakuba lần lượt phát hành khoảng 8.000 tỷ đồng và 6.000 tỷ đồng.
Các lô trái phiếu của Azura, Yamagat, Hakuba hay Ataka đều không có nhiều thông tin về đơn vị tư vấn phát hành, đại lý đăng ký, phân phối, về tài sản đảm bảo hoặc trái chủ... Tuy vậy, truy vết vẫn có thể thấy dấu ấn, vai trò rất lớn của Chứng khoán VPS (VPBS) đối với các lô trái phiếu của các công ty này.
Cụ thể, tháng 10/2018 Chứng khoán VPS (lúc đó là CTCP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng) giao dịch đảm bảo với bên nhận đảm bảo là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (Vpbank – mã chứng khoán VPB). Tài sản thế chấp là trái phiếu do Azura phát hành: Trái phiếu AZR_CD15_1518, tổng 330.000 trái phiếu mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu được mang ra làm tài sản thế chấp. Tổng giá trị trái phiếu phát hành 330 tỷ đồng. Đây là số trái phiếu phát hành ngày 15/10/2018 và có ngày đáo hạn 15/10/2021. Thông tin ghi nhận mã số trái phiếu này không nằm trong danh sách trái phiếu Azura kể trên.
Tiếp đến, tháng 5/2019 Chứng khoán VPS tiếp tục có hợp đồng giao dịch đảm bảo với VPBank. Tài sản đảm bảo cho hợp đồng này tiếp tục là trái phiếu của Azura: Cụ thể VPS dùng 3,3 triệu trái phiếu AZR_Q13_041218T làm tài sản đảm bảo. Lô trái phiếu này có mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành 330 tỷ đồng. Lô trái phiếu này phát hành vào ngày 4/12/2018, có kỳ hạn 10 năm, đáo hạn vào 4/12/2028.
Nói về Azura, đây là doanh nghiệp có địa chỉ trụ sở chính tại toà nhà Deaha Kim Mã, Hà Nội. Công ty thành lập tháng 12/2011 với ngành nghề chính là xây dựng nhà để ở. Người đại diện theo pháp luật là ông Dương Thành Trung.
Bên cạnh đó, ông Dương Thành Trung cũng là cổ đông của Ataka Việt Nam. Người đại diện pháp luật của Công ty này là ông Nguyễn Quý Lâm (SN 1964) – một nhân sự cao cấp tại VPS. Ngoài ra, ông Lâm cũng góp vốn cùng bà Nguyễn Hương Giang (SN 1985) Hakuba.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 của Tổng CTCP Bảo Hiểm Petrolimex (Pjico - MCK: PGI), nhóm 3 cổ đông cá nhân sở hữu 14,516% PGI gồm: ông Nguyễn Quý Lâm (SN 1964), bà Trần Thị Thu Trang (SN 1982) và bà Nguyễn Thị Thu Hồng (SN 1981) đã đề cử ông Nguyễn Văn Dũng vào HĐQT.
Với tỷ lệ sở hữu ở Pjico lần lượt đạt 4,802%; 4,85% và 4,86%, các cá nhân trên thuộc diện cổ đông "gần lớn" , nên ít được thị trường để ý, dù đã vào Pjico được từ trước đó. Bà Hồng cho biết bắt đầu nắm giữ cổ phiếu PGI từ năm 2017, còn ông Lâm và bà Trang là từ năm 2018.
Như đã nói ở trên, ông Nguyễn Quý Lâm là người đại diện pháp luật của Ataka Việt Nam. Trong khi bà Nguyễn Thị Thu Hồng là người cùng ông Lâm sáng lập của CTCP Mua bán nợ Azura. Còn bà Trần Thị Thu Trang được biết đến là cổ đông của Yamagata.
Giang Nam
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/loat-cong-ty-lien-quan-den-vps-cap-tap-mua-lai-12500-ty-trai-phieu-truoc-han-205537777.htm