Loạt đại gia xăng dầu nợ xấu hàng nghìn tỷ tại ngân hàng

Trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực kinh doanh, sản xuất xăng dầu làm ăn thua lỗ dẫn tới nợ xấu hàng trăm, nghìn tỷ đồng tại ngân hàng.

Loạt đại gia xăng dầu nợ dính xấu hàng nghìn tỷ tại ngân hàng  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Mới đây, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an (A09) đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan. Đồng thời, cơ quan an ninh điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với nhiều đối tượng liên quan trong vụ án.

Dữ liệu chúng tôi có được cho thấy, vào cuối tháng 8, Xuyên Việt Oil có dư nợ gần 5.500 tỷ tại 4 ngân hàng trong nước, tất cả đều thuộc nhóm nợ xấu. Trong đó có 3 ngân hàng thuộc nhóm Ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước và 1 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.

Được biết, Xuyên Việt Oil là một trong số gần 40 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn trên cả nước, được quyền xuất nhập khẩu xăng dầu.

Xuyên Việt Oil (trụ sở chính tại 465-467 Hai Bà Trưng, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM) có giấy đăng ký kinh doanh lần đầu vào năm 2005 và được Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu vào tháng 8/2016. Đây là đối tác thường xuyên của hai nhà máy lọc dầu lớn nhất nhì Việt Nam là Nhà máy Nghi Sơn và Lọc dầu Dung Quất. Thị phần chủ yếu của doanh nghiệp này nằm tại một số tỉnh khu vực Tây Nguyên và TP.HCM.

Theo báo cáo thay đổi đăng ký doanh nghiệp mới nhất, Xuyên Việt Oil có vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng với chỉ 2 cố đông góp vốn. Trong đó, bà Mai Thị Hồng Hạnh nắm 98% vốn, 2% còn lại thuộc sở hữu của bà Mai Thị Ngọc Trinh.

Trước đó, các ngân hàng cũng thông báo rao bán tài sản để thu hồi nợ liên quan tới các đại gia xăng dầu.

Chẳng hạn BIDV hồi tháng 10 đã thông báo rao bán tài sản của Công ty TNHH Trung Linh Phát để thu hồi nợ. Tài sản bán đấu giá là 3 Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại phố Vinh Quang, phường Ninh Khánh, TP Ninh Bình. Tổng giá khởi điểm là 20,4 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng này cũng thông báo bán đấu giá một loạt bất động sản của các cá nhân liên quan đến Công ty TNHH Trung Linh Phát để thu hồi nợ với giá khởi điểm lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Hồi tháng 3/2023, Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) cũng thông báo thu giữ tài sản của Công ty TNHH Trung Linh Phát. Tài sản là 23 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Ninh Bình. Trong đó có một số giấy chứng nhận đứng tên bà Vũ Thị Thu Thảo và ông Trần Văn Dân - là các lãnh đạo của Công ty TNHH Trung Linh Phát.

Trung Linh Phát là doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, bán buôn, bán lẻ xăng dầu và một số lĩnh vực khác. Doanh nghiệp có trụ sở chính tại Ninh Bình với người đại diện theo pháp luật hiện nay là ông Trần Văn Dân (Chủ tịch Hội đồng thành viên và nắm giữ 51% vốn) và bà Nguyễn Tố Quyên là Giám đốc. Trong lần thay đổi đăng ký doanh nghiệp gần nhất vào tháng 11/2022, công ty này có vốn điều lệ là 500 tỷ đồng. Trên website doanh nghiệp, cho biết có 8 chi nhánh trên 8 tỉnh thành: Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Lạng Sơn, Hà Giang, Nam Định, Tuyên Quang, Vũng Tàu, Tây Nguyên; cùng với 15 cây xăng sở hữu và đồng sở hữu.

Ngoài ra, BIDV còn đang tìm kiếm đối tác tổ chức đấu giá tài sản là kho xăng dầu Hà Hải – Quảng Trị tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, thuộc sở hữu của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (HaiHa Petro). Kho xăng dầu Hà Hải – Quảng Trị có diện tích hơn 30.000m2, bao gồm khu bể chứa xăng dầu, khu bể chứa E100, và các công trình công nghiệp dầu khí cấp 1. Giá khởi điểm cho tài sản trên được BIDV đưa ra là 176 tỷ đồng.

Công ty TNHH Vận tải Thuỷ bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) được thành lập năm 2003 tại thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Đến năm 2012, Công ty được Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển. Từ đây, Hải Hà Petro đã chiếm lĩnh thị trường xăng dầu tại tỉnh Thái Bình và được coi là một trong những “đại gia” ngành xăng dầu lớn nhất cả nước.

HaiHa Petro cho biết, doanh nghiệp này hiện có 22 cửa hàng bán lẻ xăng dầu và 200 khách hàng là thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý mua bán tiêu thụ trực tiếp trên cả nước.

Tháng 5/2023, Cục thuế tỉnh Thái Bình cho biết HaiHa Petro nợ tiền thuế lên đến 1.800 tỷ đồng.

Hồi tháng 4, BIDV cũng đã đi thông báo về việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá khoản nợ của Công ty CP Dầu khí Đông Phương, với giá trị khoản nợ tạm tính đến hết ngày 11/4/2023 là hơn 1.149 tỷ đồng. Ngoài một số quyền sử dụng đất, tài sản đảm bảo khoản nợ này còn có nhà máy sản xuất dầu khí Đông Phương.

Trước đó, BIDV từng thông báo tổ chức bán đấu giá khoản nợ của CTCP Vertical Synergy Viet Nam (VSV). Tổng dư nợ khoản nợ này tính đến ngày 21/6/2022 là 471 tỷ đồng, bao gồm dư nợ gốc là 347,1 tỷ đồng và 123,9 tỷ đồng nợ lãi.

Khoản nợ của VSV được bảo đảm bằng loạt quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại TP. HCM, gồm: tầng 1 căn hộ 63 Pasteur, phường Bến Nghé, Quận 1; 12 khu đất tại phường An Phú Đông, Quận 12; khu đất tại số 102 Trần Quốc Toản, phường 7, Quận 3.

Thành lập từ tháng 7/2011, VSV tiền thân là Công ty TNHH Năng lượng Nguyên Minh, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu (trừ khí dầu mỏ hóa lỏng LPG). Công ty này từng có vốn điều lệ lên tới 300 tỷ đồng. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của VSV là ông Phạm Thành Trung (SN 1998).


Mạnh Đức

Mạnh Đức

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/loat-dai-gia-xang-dau-no-xau-hang-nghin-ty-tai-ngan-hang-2057126.htm