Loạt doanh nghiệp bất động sản xin tạm dừng hoạt động vì 'gánh nặng' tài chính

Trước HDTC đã có một số doanh nghiệp bất động sản phải xin tạm dừng hoạt động có thời hạn vì cạn kiệt nguồn tiền, không thể cân đối các chi phí tài chính.

Mới đây, việc Công ty CP Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC) thông báo tạm dừng hoạt động và cho nhân viên nghỉ việc không lương vì gặp khó khăn về tài chính đã gây xôn xao dư luận.

Trong thông báo được Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty Đinh Chí Minh ký ban hành hôm 16/11, HDTC cho hay, để phù hợp với tình hình hoạt động của công ty trong thời gian hiện nay, Hội đồng quản trị HDTC thống nhất sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, chỉ giữ lại những nhân sự chủ chốt để củng cố công ty trong giai đoạn trước mắt. 

Vì vậy, công ty thông báo toàn thể cán bộ, nhân viên đang làm việc tại HDTC, chi nhánh công ty tạm thời nghỉ không hưởng lương để chờ việc, kể từ ngày 26/11 cho đến khi công ty có thông báo mới.

loat-doanh-nghiep-bat-dong-san-xin-tam-dung-hoat-dong-vi-ganh-nang-tai-chinh-2-1700468883.jpg
Tòa nhà HDTC

Trước đó, hồi tháng 10/2023, Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư thuộc Cục Hải quan TPHCM đã ngưng làm thủ tục thông quan hàng hóa trong thời hạn 1 năm đối với HDTC do nợ thuế nội địa hơn 100 tỷ đồng, quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định. Quyết định cưỡng chế được thực hiện theo đề nghị của Cục Thuế TPHCM, có hiệu lực thi hành trong thời hạn 1 năm kể từ ngày 10/10 và chỉ chấm dứt hiệu lực khi tiền thuế nợ được nộp đủ vào ngân sách nhà nước.

HDTC là tiền thân công ty nhà nước, đã được cổ phần hóa năm 2016 với vốn điều lệ 2.241 tỷ đồng, là công ty thành viên trực thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn (sở hữu 30% vốn điều lệ). 

Một số dự án tiêu biểu do HDTC đã và đang triển khai có thể kể đến như: Toà nhà văn phòng tại số 36 Bùi Thị Xuân, P.Bến Thành, Q.1; Trường tiểu học An Phú, TP.Thủ Đức; Trường THPT Trường Chinh, Q.12; Chợ An Sương, Q.12; Khu dân cư An Sương, Q.12; 14 dự án thành phần thuộc Khu đô thị mới An Phú – An Khánh. 

Công ty còn sở hữu loạt dự án ngoài TP.HCM như: Laimian Quy Nhơn 112,95ha (tên thương mại là Thiên Đường Xanh - Green Paradise Luxury Resort Quy Nhơn) với 308 căn biệt thự và 7 toà căn hộ khách sạn 10 tầng tại quốc Lộ 19B, Nhơn Lý, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định; Dự án Lăng Cô Spa & Resort 10ha nằm ngay vịnh Lăng Cô; Dự án khu công nghiệp Bá Thiện 247,4ha, sân Golf Thiên An 18 lỗ quy mô 78,32ha...

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của HDTC đạt 10.398 tỷ đồng, tăng hơn 1.600 tỷ đồng so với năm 2021. Tổng doanh thu năm 2022 đạt 839 tỷ đồng, giảm 11,6% so với năm 2021. Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế năm 2022 đạt 146,5 tỷ đồng, giảm 38,8% so với năm 2021.

Thực tế, thời gian vừa qua không ít doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản tuyên bố ngừng hoạt động vì tài chính cạn kiệt, không xoay sở được nguồn vốn. 

Tương tự, Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội (mã PVR) vừa qua đã công bố về việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh từ 15/11 đến ngày 14/11/2024. Lý do để doanh nghiệp sắp xếp lại nhân sự và tìm hướng kinh doanh mới.

Hôm 31/10, Hội đồng quản trị PVR đã ra quyết định về việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh, trong đó nêu ra việc bị phong tỏa tài khoản tại các ngân hàng theo quyết định của tòa án và năm 2023 doanh nghiệp không có kinh phí để duy trì hoạt động. Dự kiến năm 2024, doanh nghiệp vẫn chưa có kinh phí hoạt động. 

PVR tiền thân là CTCP dầu khí Tản Viên thành lập 2006, với các cổ đông sáng lập là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam, CTCP Bảo hiểm dầu khí Việt Nam, Công ty tài chính CP Dầu khí Việt Nam, CTCP kỹ thuật dịch vụ Dầu khí, GPBank. 

Đến năm 2018, công ty chính thức sử dụng tên Đầu tư PVR Hà Nội. Đến cuối quý III/2023, vốn điều lệ của PVR là 531 tỷ đồng. 

Về tình hình kinh doanh, công ty không ghi nhận doanh thu xuyên suốt 2 năm qua, chủ yếu lợi nhuận đến từ mảng tài chính.

Tại báo cáo tài chính quý III/2023 của PVR, công ty tiếp tục "trắng" doanh thu nhưng vẫn phải trả chi phí tài chính, quản lý doanh nghiệp. Kết quả PVR lỗ 77 triệu đồng quý III. Lỗ lũy kế tại 30/9 gần 79 tỷ đồng.

Nhờ khoản 2 tỷ đồng hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh trong quý II/2023 nên lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, công ty lãi ròng hơn 1,4 tỷ đồng.

loat-doanh-nghiep-bat-dong-san-xin-tam-dung-hoat-dong-vi-ganh-nang-tai-chinh-1700468883.jpg
chung cư Hanoi Time Tower khởi công từ 2010 đến nay vẫn dừng lại ở tầng số 9. Ảnh: Báo Xây dựng

Một trong số những dự án được biết đến nhiều nhất của PVR đó là chung cư Hanoi Time Tower. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích hơn 7.000 m2, gồm 41 tầng, trong đó gồm 39 tầng nổi và 2 tầng hầm, với tổng diện tích sàn xây dựng gần 110.000 m2, địa điểm tại Lô CT10 - CT11 KĐT Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội.

Từ cuối năm 2010 đến năm 2012, PVR đã thực hiện các giao dịch liên quan đến Hanoi Time Tower với khách hàng. Theo hợp đồng mua bán thì chậm nhất đến cuối năm 2014, khách hàng sẽ được nhận bàn giao nhà. Tổng số căn hộ chủ đầu tư đã thực hiện giao dịch là 531/639 căn với số tiền huy động là hơn 240 tỷ đồng. Đã khởi công được hơn 10 năm nhưng đến nay tòa nhà mới dừng lại ở tầng số 9.

Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Licogi 166 (mã: LCS) công bố nghị quyết tạm ngừng kinh doanh 1 năm, từ 15/3 đến ngày 14/3/2024 do hoạt động kinh doanh gặp khó khăn.

Việc tạm ngừng kinh doanh đã nằm trong kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Licogi 166. Đồng thời, theo Nghị quyết đại hội cổ đông thường niên 2023, cổ đông đã thông qua việc tạm dừng hoạt động của công ty, cũng như thực hiện việc thanh lý các tài sản, thu hồi công nợ để trả nợ lương, nợ ngân hàng, nợ cá nhân và nợ các nhà cung cấp.

Thực tế, Licogi 166 đã gặp nhiều khó khăn từ năm 2019 do thiếu việc làm, ít dự án được chuyển tiếp từ năm trước, khó khăn về tài chính, nhiều dự án triển khai bị vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng từ phía chủ đầu tư quá chậm. Hầu hết các công trình đều bị đọng vốn trong thời gian dài.

Khó khăn về tài chính khiến Licogi 166 phải dừng thi công các dự án. Một số dự án đã ký hợp đồng cũng phải dừng hoặc chuyển cho đơn vị khác thực hiện. Toàn bộ nhân viên đã nghỉ việc từ đầu năm 2022.

Licogi 166 được thành lập ngày 18/5/2007, tiền thân là Chi nhánh CTCP Licogi 16 tại Hà Nội. Kinh doanh bết bát, cổ phiếu LCS của Licogi 166 cũng đã bị HNX đình chỉ giao dịch từ tháng 8/2022.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 10 tháng năm nay, cả nước có 1.067 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Bất động sản là ngành chứng kiến lượng doanh nghiệp giải thể lớn nhất trong kỳ này, trong khi đó số doanh nghiệp trong ngành thành lập mới đạt 3.850 đơn vị, giảm 50,2% so với cùng kỳ.

Hà Ly (t/h)

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/loat-doanh-nghiep-bat-dong-san-xin-tam-dung-hoat-dong-vi-ganh-nang-tai-chinh-2055867.htm